Sắc thắm trên quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng

(Baohatinh.vn) - Khi cánh đồng chỉ còn sót lại những cọng rơm vàng ươm nắng sau mùa gặt tháng 5, làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) - quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng hiện lên với sắc thắm của sự khang trang, no ấm, thanh bình…

Sắc thắm trên quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng

Vẻ khang trang của xã Tùng Ảnh (Đức Thọ) - quê hương Đình Nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng hôm nay. Ảnh: UBND xã Tùng Ảnh cung cấp.

Đông Thái là một trong 20 làng khoa bảng nổi danh cả nước được nhiều người biết đến. Đây cũng là nơi sinh ra Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng (1847-1895) và là nơi khởi phát của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp 10 năm cuối thế kỷ XIX.

Nằm bên triền đê La Giang, làng Đông Thái vốn là một phần của xã Quyết Viết có lịch sử hình thành trên 600 năm. Theo thư tịch để lại, vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII), xã Quyết Viết được thành lập từ 3 làng: Tùng Ảnh, Ngải Lăng và Nguyệt Đàm. Đến thời nhà Lê, vua Lê Thái Tổ (1428-1433) cắt 2 làng Tùng Ảnh và Nguyệt Đàm thành lập xã Yên Việt. Sang thời vua Lê Kính Tông (1614), xã Quyết Viết được đổi tên thành xã Yên Việt Hạ, tách một phần làng Trinh Liệt lập thành làng Đông Thái (tên gọi làng Đông Thái chính thức bắt đầu từ thời điểm này). Hiện, Đông Thái có diện tích 0,5 km2, 399 hộ dân với hơn 1.148 khẩu.

Sắc thắm trên quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng

Lối vào làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ).

Cái tên Đông Thái ra đời gắn liền với một làng quê có truyền thống hiếu học, khoa bảng bậc nhất Hà Tĩnh, nổi danh cả nước. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, người Đông Thái luôn thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên trung, bất khuất trước giặc ngoại xâm. Trong đó, nổi bật nhất là Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, lãnh tụ tối cao của phong trào Cần Vương.

Trung tá Trần Văn Dụ (82 tuổi, cán bộ quân đội về hưu ở làng Đông Thái) cho biết: “Truyền thống học hành khoa bảng của các bậc nho sỹ thời xưa ở Đông Thái mục đích cao nhất là để ra giúp nước. Trong đó, Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng là nổi bật nhất khi ông không chỉ thành công trên con đường khoa bảng mà còn là lãnh tụ tối cao của phong trào Cần Vương”.

Cụ Phan Đình Phùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, cha là Phan Đình Tuyển đậu Phó bảng, làm đến chức Tán lý Quân vụ Bắc Kỳ. Vì vậy, cùng anh em trong gia đình, từ nhỏ, cụ Phan Đình Phùng đã sớm miệt mài đèn sách, với khát vọng thi cử đỗ đạt “phò vua, giúp nước”.

Sắc thắm trên quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng

Chân dung Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng.

Năm 1877, lúc 30 tuổi, Phan Đình Phùng tham dự khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Tự Đức 30 và đỗ Đình nguyên Tiến sỹ. Ông được nhà vua bổ nhiệm nhiều chức vụ trong triều đình lúc bấy giờ và có thời điểm làm đến chức Ngự sử Đô Sát Viện. Sau khi vua Tự Đức qua đời (1883), triều đình nhà Nguyễn có nhiều biến động phức tạp, chia bè kéo cánh. Vì khẳng khái phản đối Tôn Thất Thuyết làm trái di chiếu nhà vua nên Phan Đình Phùng bị hãm hại, cách chức, đuổi về quê.

Năm 1885, khi vua Hàm Nghi thất thủ trước thực dân Pháp, phải chạy ra Sơn Phòng (Phú Gia, Hương Khê) kêu gọi sỹ phu cả nước đứng lên chống giặc, Phan Đình Phùng lập tức hưởng ứng. Ông đã đến Hương Khê yết kiến vua Hàm Nghi và được vua phong chức Tán lý Quân vụ Đại thần gia tặng bình trung tướng quân nhất phẩm triều đình, thống lĩnh phong trào Cần Vương ở 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trở về Đông Thái, Phan Đình Phùng lấy nhà mình làm “tụ nghĩa đường” bắt đầu chiêu mộ nghĩa quân chuẩn bị cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Dưới sức ảnh hưởng từ lời kêu gọi của Phan Đình Phùng, phong trào Cần Vương nhanh chóng được Nhân dân trong vùng và nghĩa quân khắp nơi hưởng ứng. Làng Đông Thái trở thành “đại bản doanh” đầu tiên của cuộc khởi nghĩa.

Sắc thắm trên quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà thờ Đình Nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng tại thôn Đông Thái (Tùng Ảnh, Đức Thọ).

10 năm bền bỉ “nếm mật, nằm gai” trên rừng núi Hương Sơn, Vũ Quang cùng nghĩa quân, trải qua hàng trăm trận đánh đối đầu với giặc Pháp cho đến lúc hy sinh, cụ Phan Đình Phùng vẫn một lòng kiên trung. Đặc biệt, tinh thần yêu nước mãnh liệt, ý chí, khát vọng cứu nước, vì đồng bào, bất khuất trước kẻ thù của cụ được truyền lại như một tượng đài sừng sững. Đó là câu chuyện về những thủ đoạn của thực dân Pháp và tay sai khi chúng bắt anh trai, đào mồ tổ tiên quy tập lại một chỗ để cụ ra đầu hàng…

Vậy nhưng, Phan Đình Phùng vẫn không hề lung lay, cụ khảng khái trả lời quân giặc: “Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to, nên giữ là đất nước Việt Nam. Tôi chỉ có một ông anh rất to là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu mà về sửa sang phần mộ gia đình thì ngôi mộ kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh của mình thì bao nhiêu anh em trong nước ai cứu? Tôi bây giờ thề chỉ có một cái chết mà thôi”.

Cuộc khởi nghĩa của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng cuối cùng thất bại nhưng đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học kinh nghiệm về đấu tranh chống lại kẻ thù. Điều đặc biệt là cụ đã để lại cho hậu thế một tấm gương về lòng yêu nước kiên trung, son sắt.

Sắc thắm trên quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng

Khu vườn trong khuôn viên Nhà thờ Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, nơi là “Đại bản doanh” đầu tiên của Phong trào Cần Vương (1885 - 1895).

Ông Trần Văn Dụ - người chủ biên cuốn sách “Làng khoa bảng Đông Thái xưa và nay” bày tỏ: “Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nhắc về người mẹ của cụ Phan Đình Phùng nhưng qua một số câu chuyện kể lại thì bà là một phụ nữ làm nghề ươm tơ dệt lụa ở làng Yên Việt Hạ xưa. Bà chịu thương, chịu khó, tảo tần, lam lũ mới nuôi chồng, nuôi con đỗ đạt như vậy. Tuổi thơ Phan Đình Phùng đều sống bên người mẹ khi cha đi làm quan xa. Phải chăng những câu ca, lời ru của mẹ về đạo lý yêu nước thương nòi đã hun đúc nên tình yêu quê hương, đất nước trong Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng?”.

Trung tá Trần Văn Dụ cũng đưa ra câu chuyện về người chị gái của Phan Đình Phùng bị giặc bắt ép lên Vũ Quang tìm gặp để khuyên em ra hàng. Trái với mong muốn của giặc, người chị ấy không những không khuyên ngăn mà còn khuyến khích em trai giữ vững ý chí đấu tranh đến cùng…

Phát huy truyền thống yêu nước của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng trong phong trào Cần Vương, trải qua các thời kỳ, Nhân dân làng Đông Thái luôn nêu cao tinh thần cách mạng. Đây cũng là cái nôi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931; trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có hàng trăm thanh niên Đông Thái lên đường nhập ngũ, trong đó có 44 liệt sỹ, trên 100 thương binh.

Sắc thắm trên quê hương Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng

Ông Trần Văn Dụ (82 tuổi, thôn Đông Thái, Tùng Ảnh) - người chủ biên cuốn sách “Làng khoa bảng Đông Thái xưa và nay”.

Từ năm 1945 đến nay, làng có 51 người là giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, luật sư nổi tiếng đã và đang cống hiến cho đất nước như: Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Ngọc Hiến, Phan Trọng Luận, Ngô Bá Thành, Mai Trọng Nhuận, Phan Trọng Khoa…

Trong công cuộc xây dựng NTM, Đông Thái cũng là địa phương luôn đi đầu của xã Tùng Ảnh. Ông Phạm Hồng Chương - Bí thư Chi bộ thôn Đông Thái cho biết: “Luôn quan tâm đến việc học hành, thi cử, người dân thôn chúng tôi dù đã xa quê hay sinh sống ở địa phương đều chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, khang trang. Trong thời gian xây dựng NTM, nhất là giai đoạn chuẩn bị về đích khu dân cư NTM kiểu mẫu, phần nhiều cơ sở hạ tầng… đều nhờ vào sự đóng góp của người dân. Điển hình như năm 2019, chỉ sau 3 tháng phát động, Nhân dân đã đóng góp được 850 triệu đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng”.

Tạm biệt Đông Thái, tôi trở về trên con đường làng rộng rãi, rợp bóng mát của khu dân cư NTM kiểu mẫu khang trang, lòng dâng lên bao cảm xúc. Chợt nghĩ, những mùa sen nối liền mùa gặt tháng 5 như cách thiên nhiên bày biện sự tiếp nối và lan tỏa những mạch nguồn, để rồi từ linh khí ấy của đất trời, con người Đông Thái trải qua bao dâu bể vẫn sắt son tinh thần yêu nước và hiếu học, không ngừng vươn lên xây dựng quê hương đẹp giàu…

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.