Tháng 12/2021, sản phẩm gà tươi của hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hiền Tâm (gọi tắt là HTX Hiền Tâm - xã Sơn Lễ, Hương Sơn) được công nhận danh hiệu OCOP 3 sao cấp tỉnh đã mở ra cơ hội phát triển về quy mô lẫn thị trường.
Gà tươi Hiền Tâm là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc HTX Hiền Tâm cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã cung cấp gà tươi ra thị trường nhưng giá cả và nhu cầu không ổn định. Nỗ lực chinh phục OCOP 3 sao cấp tỉnh khiến cho sản phẩm gà đồi tươi sạch của vùng đất Sơn Lễ được nhiều bạn hàng biết đến. Với chất lượng thơm ngon, quá trình sơ chế đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gà tươi Hiền Tâm giờ đã là mặt hàng quen thuộc tại các đại lý, siêu thị mini ở nhiều huyện, thành, thị trong tỉnh và TP Vinh (Nghệ An). Không chỉ mở rộng thị trường mà mức giá cũng được nâng lên mức 200.000 đồng/kg (trước đây chỉ 180.000 đồng/kg)”.
Lâu nay, HTX Hiền Tâm đã liên kết với Tổ hợp tác chăn nuôi gà Sơn Lễ để cung cấp gà sạch ra thị trường. Hiện nay, nhu cầu gia tăng, HTX đã động viên các thành viên tổ hợp tác mạnh dạn tăng quy mô đàn nuôi. Bên cạnh đó, HTX đang tính mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ nuôi gà đồi trên địa bàn gắn với các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi theo hướng VietGAP. Nếu như năm 2021, HTX bao tiêu hơn 10.000 con gà cho bà con với doanh thu đạt khoảng 1,8 tỷ đồng thì năm nay HTX phấn đấu thu mua trên 13.000 con gà với doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo Liên minh HTX Hà Tĩnh kiểm tra mô hình liên kết sản xuất của HTX Hiền Tâm.
Chị Cao Thị Vân (thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ) – thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi gà Sơn Lễ cho biết: “Gà của tổ hợp tác đã đạt tiêu chuẩn VietGAP song trước đây do không có đầu ra ổn định nên giá cả cũng bấp bênh. Từ năm ngoái lại nay được HTX Hiền Tâm bao tiêu với giá 110.000 đồng/kg nên gia đình mạnh dạn tăng quy mô đàn lên trên 500 con/lứa”.
Sơn Lễ là xã có thế mạnh về chăn nuôi gà. Do vậy việc sản phẩm gà tươi của địa phương được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đã mở ra tiềm năng phát triển chăn nuôi gà theo hướng VietGAP bền vững.
Ông Lê Đình Khôi – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ cho biết: “Gà đồi Sơn Lễ nuôi theo hướng VietGAP cho chất lượng thịt thơm ngon, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Chính quyền địa phương sẽ đồng hành cùng HTX Hiền Tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng như tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con để tạo sản phẩm chất lượng, mở rộng quy mô liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Quá trình sơ chế gà tươi Hiền Tâm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cuối năm 2021, sản phẩm của Tổ hợp tác trứng gà đồi Trại Cốc (xã Tân Hương, Đức Thọ) cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây được xem là “vé thông hành” đưa trứng gà đồi Trại Cốc ra ngoại tỉnh như: Đà Nẵng, Nam Định, Nghệ An...
Chị Lê Thị Nguyệt - Tổ trưởng tổ hợp tác trứng gà đồi Trại Cốc chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi có 27 thành viên chăn nuôi gà đẻ. Sản phẩm có thương hiệu, nhiều người tiêu dùng lựa chọn nên các thành viên hiện đang phấn khởi tăng đàn. Cứ vài 3 ngày, tổ hợp tác lại đi thu gom trứng tại các thành viên và tập kết về kho bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất hàng cho đối tác. Năm 2021, tổ hợp tác có tổng đàn trên 20.000 con, cho sản lượng 180.000 quả trứng, doanh thu đạt trên 800 triệu đồng”.
Cuối năm 2021, trứng gà đồi Trại Cốc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Chị Trần Thị Bình (thôn Tân Thành, xã Tân Hương) vui mừng: “Khác với trước, trứng gà hiện nay được thu mua tại nhà với giá 4.000 đồng/quả. Đầu ra ổn định nên gia đình tôi mạnh dạn nâng tổng đàn lên 200 con gà đẻ (trước đây chưa đến 100 con). Từ đây đã giúp nông dân phát huy tối đa thế mạnh chăn nuôi vườn đồi, mang lại nguồn thu nhập khá”.
Theo số liệu từ Liên minh HTX tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 3 cơ sở chăn nuôi gà được chứng nhận sản phẩm OCOP. Từ đây đã mở ra cơ hội phát triển chăn nuôi liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm gà Hà Tĩnh.
Được bao tiêu trứng gà tại nhà với giá cao, chị Trần Thị Bình (xã Tân Hương) đã mạnh dạn nâng quy mô đàn nuôi.
Ông Lê Đăng Phúc – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh phấn khởi: “Kinh tế tập thể, HTX đã khẳng định được vai trò hỗ trợ các thành viên trong khâu sản xuất, đồng nhất quy trình kỹ thuật chăm sóc để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lương và kết nối tiêu thụ sản phẩm gà Hà Tĩnh. Khi các HTX, tổ hợp tác tham gia vào “sân chơi” OCOP đã giúp nâng tầm giá trị sản phẩm gà Hà Tĩnh, phát huy được lợi thế địa phương nhưng không làm triệt tiêu kinh tế hộ”.
“Thời gian tới, các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi gà có sản phẩm OCOP cần lựa chọn và kết nạp thêm thành viên để mở rộng quy mô liên kết theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành; áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng lợi ích của thành viên và quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng, đối tác để có hướng phát triển bền vững” – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh nhấn mạnh.