Trong thời kỳ chiến tranh, hàng nghìn thanh niên Hà Tĩnh gia nhập lực lượng TNXP, vào những cung đường lửa để giữ vững mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến và không ít người đã hóa thành bất tử.
Những ngày tháng Bảy, khi cả nước hướng về kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP, chúng tôi tìm về những cựu TNXP Hà Tĩnh. Ông Võ Trí Vừa (SN 1947) - nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Can Lộc cũ, hiện trú tại thôn 10, xã Can Lộc kể: “Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1965, khi đang là cán bộ xã Trường Lộc cũ, tôi tham gia vào lực lượng TNXP và được biên chế vào C537 (N53, P18). Đơn vị chúng tôi phụ trách tuyến đường 15A, đoạn từ Hương Hà (nay là Hà Linh) - phà Địa Lợi đến Quảng Bình (nay là Quảng Trị) và điều động một số địa bàn khác. Khi ấy, tôi đã tốt nghiệp cấp III. Vào đơn vị, ngoài công việc trực tiếp lao động san lấp, sửa đường đảm bảo thông xe ra tiền tuyến, tôi còn được phân công làm giáo viên bổ túc văn hóa cho đồng đội của mình. Ngày lao động, tối về tôi làm thầy giáo. Giữa chiến trường ác liệt nhưng đội ngũ lực lượng TNXP bấy giờ đa số còn học lớp 3-4 vẫn miệt mài ngày đêm vừa chiến đấu, vừa học tập”.
Cùng đơn vị với ông Vừa nhưng bà Nguyễn Thị Hoa Hồng (SN 1950, tổ dân phố 6, xã Can Lộc) nhập ngũ muộn hơn, vào cuối năm 1968. Bà cũng được giao nhiệm vụ làm giáo viên bổ túc văn hóa kiêm thống kê cho đơn vị.
“Nhiệm vụ của tôi là hễ nghe thấy bom nổ ở đâu thì liền đến đó làm công tác kiểm đếm thiệt hại, báo cáo cấp trên huy động anh chị em TNXP ra mặt đường làm nhiệm vụ. Những con số khô khan nhưng đòi hỏi phải chính xác để nhiệm vụ hoàn thành kịp thời cho xe thông tuyến. Trong nhiều kỷ niệm, tôi nhớ có lần vừa xong nhiệm vụ buổi sáng về mệt quá, tôi thiếp đi thì bị đội trưởng gọi dậy. Ông nói: “Trời ơi! Con ni dậy đi làm mau, bom nổ bên tai mà mi vẫn ngủ được”. Tôi vội vàng xách đồ đạc lao ra đường…”, bà Hồng chia sẻ.
Trong niềm xúc động nhớ về quá khứ, bà Ngô Thị Nghĩa (SN 1953, tổ dân phố Nam Sơn, xã Can Lộc nhập ngũ TNXP tháng 7/1972), chia sẻ: "Tôi sẽ không bao giờ quên 2 kỷ niệm trong đời. Một là cuối năm 1972, tại Rào Cời thuộc đường 21, sau trận mưa như trút, nước lũ dâng cao, chúng tôi được lệnh mặc áo trắng đứng làm cọc tiêu cho đoàn xe chở quân ra chiến trường. Mưa rét, nhưng hơn 20 chị em đứng thành 2 hàng vẫn vui cười hò hát để tiễn các anh ra trận. Bất chợt, một giọng nói của người lính cất lên: “Là Hương, Nam Sơn phải không?”. Tiếng hát ngừng lặng, cô bạn trong đội nghẹn ngào nhận ra giọng người yêu. Cả 2 chỉ kịp chạm tay nhau rồi xe lăn bánh. Chúng tôi ai nấy đều lặng đi xúc động. Chuyện thứ 2 là người bạn liệt sỹ Nguyễn Thị Liên. Liên là bạn học cùng bàn và ở cùng thôn với tôi. 2 đứa rủ nhau nhập ngũ cùng ngày nhưng lại ở 2 tiểu đội. Một buổi trưa tháng 9/1972, tôi bàng hoàng khi nghe tin Liên cùng 5 nữ đồng đội bị trúng bom khi làm đường tại khu vực xã Hương Đô hiện nay. Mặc dù Tổng đội đã huy động lực lượng tìm kiếm nhưng không thấy thi thể cả 6 người".
Dù gian khổ, mất mát đau thương nhưng TNXP ngày ấy vẫn lạc quan, yêu đời và đầy sôi nổi. Bà Ngô Thị Nghĩa cho biết: “Chúng tôi vẫn hò, hát ví, giặm, đối đáp trong lúc làm nhiệm vụ để quên đi mệt nhọc. Vào buổi tối, các lớp bổ túc lại vang lên giọng ê a đọc bài. Ở lứa tuổi 20, chúng tôi luôn cười đùa với nhau, chia sẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống”.
Lời bà Nghĩa làm chúng tôi thấm thía hơn chia sẻ của bác Võ Trí Vừa: “Chúng tôi nghĩ, không còn Tổ quốc, không có hòa bình thì còn đau thương gấp nghìn lần sự hy sinh của bản thân. Bởi vậy, phải luôn lạc quan, hăng say, không sợ hãi, sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ”.
Theo số liệu của Hội Cựu TNXP tỉnh, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh có 16.719 người tham gia lực lượng TNXP, trong đó riêng chống Mỹ có 14.970 người. Hiện, toàn tỉnh có 6.882 hội viên cựu TNXP, trong đó có 6.766 người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Trong chiến tranh, TNXP là lực lượng nòng cốt đảm bảo sự thông suốt các huyết mạch giao thông nối hậu phương và tiền tuyến. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh được ví như “yết hầu” của 2 miền Nam - Bắc. Các tuyến đường như 15A, quốc lộ 1, 21, 22... là nơi hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn. Những mặt đường bị bom cày nát, những chiếc cầu bị phá sập, lực lượng TNXP là những chiến binh “cảm tử” cùng các lực lượng khác ngày đêm rà mìn, phá bom, làm đường, thậm chí làm cọc tiêu sống để giúp các đoàn xe chở cán bộ, chiến sĩ, quân nhu… ra chiến trường.
Đã có những sự hy sinh trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như 10 nữ TNXP Tiểu đội 4, Đại đội 552 (Tổng đội 55) Ngã ba Đồng Lộc hay 6 nữ TNXP ở tuyến đường 21 đoạn qua xã Hương Đô… Gần 4.000 liệt sỹ TNXP được ghi tên trên bảng vàng tại Ngã ba Đồng Lộc là minh chứng thiêng liêng cho một thời bi tráng không thể lãng quên.
Sau năm 1975, khi đất nước hòa bình thống nhất, để đáp ứng yêu cầu mới, lực lượng TNXP tiếp tục tham gia tái thiết quê hương trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người tiếp tục học tập để trở thành cán bộ, kỹ sư, giáo viên, công nhân hoặc trở về địa phương lao động sản xuất. Dù ở vị trí nào, những cựu TNXP một thời hoa lửa vẫn luôn nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu trong công tác và cống hiến cho đất nước, quê hương. Họ dù đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn luôn nêu cao tinh thần xung kích của lực lượng TNXP năm xưa trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, các phong trào văn hóa - văn nghệ ở địa phương và những hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Nhiều cựu TNXP còn đi đầu trong xây dựng mô hình kinh tế cho thu nhập cao, trở thành điển hình tại các địa phương như: ông Hoàng Xuân Bé - (xã Đan Hải) với mô hình nuôi trồng thủy sản, bà Cù Thị Xuân (xã Đông Kinh) với mô hình sản xuất kẹo lạc dồi - sản phẩm OCOP; ông Nguyễn Văn Toàn (xã Việt Xuyên) với mô hình trồng cây ăn quả; bà Trần Thị Tỵ (xã Hương Phố) với mô hình kinh tế vườn đồi…
Hàng chục năm qua, tình đồng chí, đồng đội của lực lượng cựu TNXP Hà Tĩnh vẫn mãi bền chặt. Họ luôn sẻ chia cùng nhau những vui, buồn trong thường nhật và không quên gom nhặt mỗi ngày để lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hội Cựu TNXP toàn tỉnh đã vận động được 778,3 triệu đồng, trao 1.764 suất quà cho hội viên khó khăn; huy động 520 triệu đồng xây mới 8 căn nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo…
Những ngày này, các cựu TNXP Hà Tĩnh lại ngồi bên nhau, kể về một thời “nối những cung đường”. Mỗi ký ức là một mảnh ghép trong bức tranh lịch sử, làm sáng ngời tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình và lòng trung kiên của lực lượng TNXP nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.