Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg)
Trong cuộc khảo sát các nhà đầu tư được tiến hành bởi công ty môi giới chứng khoán hàng đầu Nhật Bản Nomura Holdings Inc. hồi đầu tháng 7/2016, một danh sách dài những lo ngại được các nhà đầu tư đặt ra trong một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ dưới thời ông Donal Trump. Từ nguy cơ gia tăng chính sách bảo hộ mậu dịch đến các mối đe dọa đến tình hình an ninh khu vực nếu Mỹ cắt giảm các cam kết quân sự ở châu Á.
Và kết luận được đưa ra rõ ràng là: Sau Mexico, châu Á gặp nhiều rủi ro nhất nếu Donald Trump làm tổng thống.
“Một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ dưới thời ông Trump sẽ không có gì phải nghi ngờ về các tác động tiêu cực đến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á, lái lạm phát chi phí đẩy, truyền đạt thặng dư thương mại nhỏ hơn và các chính sách kinh tế vĩ mô lỏng lẻo hơn” - Rob Subbaraman, tác giả chính của báo cáo cho hay.
Theo Nomura, nếu tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, khu vực Mỹ La Tĩnh sẽ phải chịu tác động nhiều nhất với 54,6%, châu Á theo sau với 32,1% và cuối cùng là khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) với 13,3%. (Biểu đồ: Bloomberg)
Theo khảo sát của Nomura, 77% số người được khảo sát cho rằng Mỹ sẽ gán cho Trung Quốc mác “thao túng tiền tệ” nếu như ông Trump trở thành tổng thống, 75% dự đoán ông Trump sẽ áp các loại thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chỉ 37% cho rằng ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa sẽ theo đuổi cam kết cho xây dựng một bức tường dọc theo biên giới với Mexico. Tuy nhiên, hãng môi giới chứng khoán hàng đầu Nhật Bản không tiết lộ số lượng người được khảo sát.
Những lo ngại của các nhà đầu tư không phải là không có cơ sở. Châu Á là trung tâm sản xuất của thế giới và nhiều nền kinh tế ở khu vực này phụ thuộc chính vào hoạt động xuất khẩu. Điều này đặt châu Á vào rủi ro khi các rào cản thương mại bắt đầu gia tăng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong năm ngoái, và nếu như các hạn chế mậu dịch được áp đặt lên nước này, các phản ứng dây chuyền tác động lên phần còn lại của châu Á sẽ là đáng kể, theo Nomura.
Các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. (Biểu đồ: Bloomberg)
Không có quốc gia nào ở châu Á chịu nhiều rủi ro hơn Hàn Quốc và Philippines nếu ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Đối với Hàn Quốc, có 2 lý do để dẫn đến kết luận này. Thứ nhất, ông Donald Trump từng chỉ trích một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc vào năm 2012 khiến gần 100.000 người dân Mỹ mất việc làm. Thứ hai, Trump từng tuyên bố buộc Hàn Quốc phải trả đầy đủ các chi phí về bảo trợ an ninh được cung cấp bởi Mỹ tại Hàn Quốc, điều mà theo Nomura có thể gây căng thẳng đến tình hình tài khóa của xứ sở kim chi.
Philippines sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến chính sách hạn chế nhập cư vào Mỹ có thể được áp đặt nếu ông Trump đắc cử tổng thống. Có 35% người dân Philippines đang làm việc ở nước ngoài hiện sống ở Mỹ, chiếm 31% tổng số lượng kiều hối của Philippines, theo tính toán của Nomura.
Philippines là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ ở Đông Nam Á. Trong khi tỷ phú Trump từng thề sẽ mang việc làm trở về cho người Mỹ, điều này có thể đe dọa đến lĩnh vực gia công phần mềm còn non trẻ của Philippines do ngành công nghiệp này hiện phục vụ chính cho các công ty của Mỹ. Theo tính toán của Nomura, trong hai năm tới, doanh thu được tạo ra từ ngành gia công sẽ tương đương với tổng lượng kiều hối hàng năm của Philippines, hay khoảng 9% GDP của nước này.
Phân tích của Nomura cũng chỉ ra những nền kinh tế ít chịu tổn thương nhất nếu ông Trump làm tổng thống là Ấn Độ và Thái Lan. Mặc dù đa số những người được khảo sát cho rằng một chiến thắng dành cho ông Trump là ít có khả năng xảy ra, họ đồng tình rằng các đe dọa liên quan đến chính sách bảo hộ mậu dịch là có thật.
Ông Trump từng cam kết sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại tự do với 12 nước thành viên trong đó có Mỹ, Việt Nam, Peru và Malaysia, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP toàn cầu. Nếu TPP được phê chuẩn trước khi Tổng thống Barack Obama rời nhiệm sở, ông Trump vẫn có quyền đưa Mỹ rời khỏi hiệp định.
Theo luật pháp Mỹ, tổng thống có thể áp dụng các loại thuế trừng phạt, bao gồm 15% thuế quan trong tối đa 150 ngày mà không cần sự phê chuẩn trước Quốc hội, trong trường hợp Mỹ phải chịu một sự thâm hụt cán cân thanh toán “lớn và nghiêm trọng” với một quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, ông Trump có thể sẽ thay đổi các quan điểm chính trị của mình trong thời gian từ nay cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trên toàn quốc vào tháng 11 tới và giới chức châu Á cần sẵn sàng cho nhiều thông điệp không nhất quán ngay từ lúc này.