Siêu pháo Koksan - vũ khí uy hiếp Hàn Quốc của Triều Tiên

Pháo Koksan có tầm bắn tới 60 km, đủ sức đe dọa thủ đô Seoul của Hàn Quốc khi được triển khai ở gần khu phi quân sự.

Pháo Koksan tập trận bắn đạn thật

Dù trang bị phần lớn khí tài lạc hậu, pháo binh Triều Tiên được Mỹ đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng trong bất kỳ xung đột quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên. Một trong những vũ khí làm nên sức mạnh đó là siêu pháo Koksan, theo National Interest.

Trong 21.000 khẩu pháo các loại của pháo binh Triều Tiên, 500 khẩu pháo tự hành khổng lồ Koksan (M1978) cỡ nòng 170 mm được coi là lá bài chính đe dọa hủy diệt thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Loại pháo này có tầm bắn lên đến 40 km với đạn thông thường hoặc 60 km với đạn tăng tầm, vượt xa pháo tự hành K9 Thunder hiện đại nhất của Hàn Quốc về cả tầm bắn lẫn sức công phá.

Mẫu pháo này là thiết kế nội địa đầy bí ẩn của Triều Tiên. Ngay cả tên gọi Koksan cũng không phải là tên thật, mà được gọi theo tên tỉnh của Triều Tiên, nơi khẩu pháo xuất hiện lần đầu tiên. Định danh M1978 cho thấy nó được tình báo phương Tây phát hiện hồi năm 1978.

Hầu hết vũ khí nội địa Triều Tiên đều có nguồn gốc từ thiết kế của Liên Xô. Nhưng Liên Xô chưa từng có pháo cỡ nòng 170 mm, cho thấy Koksan có thể được phát triển từ nền tảng pháo bờ biển của Nhật Bản hoặc mẫu K18 của Đức trong Thế chiến II.

Koksan ra đời theo nguyên tắc thiết kế siêu pháo vào nửa đầu thế kỷ 20, vốn có nhiệm vụ công phá những công sự kiên cố nhất, cũng như tấn công các mục tiêu có giá trị ở sâu trong hậu phương địch như kho đạn, trung tâm chỉ huy, cơ sở hậu cần hay các khẩu đội pháo binh. Trong những năm 1950, những mẫu pháo khổng lồ này được đặt trên khung gầm thiết giáp tự hành, có thể bắn các loại đạn hạt nhân chiến thuật.

Các tổ hợp pháo tương tự trong biên chế quân đội Mỹ như M107 cỡ 175 mm và M110 cỡ 203 mm đều đã bị loại biên, vì nhiệm vụ của chúng có thể được thay thế bởi không quân, tên lửa đạn đạo chiến thuật hay thậm chí các loại đầu đạn mới cho pháo cỡ 155 mm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một khẩu đội Koksan. Ảnh: KCNA.

Tuy nhiên, pháo binh lại phát huy ưu thế hơn không quân và tên lửa chiến thuật ở địa hình đồi núi phức tạp trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hệ thống công sự kiên cố của vùng phi quân sự liên Triều (DMZ). Hơn nữa, pháo tự hành là lựa chọn tốt khi quân đội Triều Tiên không có khả năng yểm trợ không quân hiệu quả.

Tổ hợp Koksan được gắn trên khung thân xe tăng Type-59 của Trung Quốc, giúp tăng khả năng bảo vệ cho lái xe, nhưng các pháo thủ và nạp đạn lại không được che chắn trước hỏa lực đối phương. Koksan cũng không có khoang chứa đạn riêng, khiến nó phải phụ thuộc vào các xe chở đạn hay kho chứa gần trận địa để duy trì hỏa lực.

Nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã triển khai Koksan tại các khu vực hầm ngầm được gia cố gần khu DMZ. Phần nhiều trong số đó được đào thẳng vào lòng núi, một số hầm còn đủ diện tích để xây dựng khu vực sinh hoạt cho binh lính. Điều này giúp các hệ thống Koksan ẩn mình trước lực lượng trinh sát của Mỹ - Hàn, cũng như tăng sức sống sót khi gặp phản pháo từ Hàn Quốc.

Koksan từng trải qua nhiều lần tác chiến thực tế. Những khẩu Koksan Triều Tiên bán cho Iraq đã đánh phá các giếng dầu của Kuwait và Iran từ khoảng cách hàng chục km trong giai đoạn 1986-1988.

Cùng thời gian đó, Triều Tiên bắt đầu triển khai biến thể Koksan với khung thân dài hơn để tăng sự ổn định, cùng khoang kín cho tổ lái 4 người, tương tự hệ thống 2S7 Pion của Liên Xô. Trong các cuộc duyệt binh, một thành viên tổ lái thường mang theo tên lửa phòng không vác vai Strela hoặc Igla, bên cạnh đó là 4 người nạp đạn đi trên các xe hỗ trợ hậu cần.

Mẫu Koksan cải tiến được tăng cơ số đạn lên 12 viên, cho phép nó bắn loạt cấp tập mở đầu với tốc độ tối đa 4 phát/phút, trước khi giảm xuống tốc độ thông thường khoảng một phát/phút.

Các tổ hợp Koksan M1989 tham gia duyệt binh. Ảnh: AFP.

Theo một nghiên cứu được Viện Nautilus của Mỹ công bố năm 2012, nếu được triển khai ở khu vực sát DMZ, pháo Koksan để có thể tấn công rìa tây bắc của thủ đô Seoul, gây ra thương vong lên tới 29.000 người trong những giờ đầu pháo kích. Cơn mưa hỏa lực từ hàng trăm khẩu Koksan có thể gây hoảng loạn, dẫn tới quá tải mạng lưới giao thông và hoạt động nhân đạo tại thủ đô Seoul nếu nổ ra chiến tranh.

Sự hiện diện của những khẩu pháo khổng lồ dọc biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc cho thấy xung đột giữa hai nước nếu nổ ra sẽ gây hậu quả cực kỳ nặng nề. Tuy nhiên, việc sử dụng loại pháo này để tấn công Seoul và gây thương vong nặng nề cho dân thường sẽ không đem lại lợi ích quân sự mà còn gây phản ứng nặng nề cả về mặt quân sự và ngoại giao với Triều Tiên, điều Bình Nhưỡng không hề mong muốn, chuyên gia Sebastien Roblin nhận định.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói