Chiều nay (12/10), Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến bàn về công tác ứng phó với bão số 7 và tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và 13 điểm cầu ở các địa phương trong tỉnh. |
Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, chiều nay, ATNĐ trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 7 trong năm 2020 và có tên quốc tế là NANGKA.
Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức báo cáo về công tác ứng phó với tình hình mưa lũ thời gian tới.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, ngay phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km. Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 12.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến.
Do ảnh hưởng không khí lạnh suy yếu nên đêm nay (12/10) đến sáng ngày mai (13/10), khu vực có mưa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa khu vực phổ biến 50 - 100mm.
Ngày 14/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 nên toàn tỉnh tiếp tục có mưa, rải rác mưa vừa có nơi mưa to đến rất to. Vùng biển Hà Tĩnh duy trì gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh.
Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá: Nhiều khả năng bão số 7 không ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh ta nhưng hoàn lưu của bão gây mưa to ở nhiều khu vực. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 400 - 600mm, có nơi trên 700mm. Lũ sẽ xuất hiện trên các hệ thống sông từ mức báo động II đến báo động III, có nơi cao hơn báo động III.
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh đã ban hành Công điện số 07/CĐ-PCTT hồi 7h ngày 12/10 về việc ứng phó với diễn biến của ATNĐ hoạt động trên biển Đông và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Chánh văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh Ngô Đức Hợi: Sau các đợt mưa lớn vừa rồi, đất đã bão hòa nước nên khi tiếp tục có mưa lớn, sẽ khó giữ nước, gây nguy cao cơ sạt lở, lũ quét ở khu vực miền núi Hà Tĩnh. Các địa phương, đơn vị quản lý cũng cần kiểm tra thường xuyên các hồ đập có nguy cơ mất an toàn, nếu cần thiết phải di dời dân trong vùng nguy hiểm.
Tại hội nghị, các địa phương, đơn vị đã thông tin thêm về các phương án ứng phó với thiên tai.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh hoan nghênh sự chủ động của các cấp chính quyền trong việc ứng phó với mưa bão thời gian qua, từ đó giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và tài sản.
“Theo dự báo, chiều 14/10, bão số 7 sẽ đổ bộ vào đất liền từ Nghệ An tới Thanh Hóa. Bão dù không đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh nhưng dự báo cho thấy tỉnh ta nằm trong đỉnh phạm vi có mưa lớn. Tiếp đó, ngày 17 - 18/10, tỉnh sẽ lại có đợt mưa lớn nữa, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ là rất cao. Vì thế các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, phải quán triệt sâu sắc để có phương án ứng phó cụ thể, giao nhiệm vụ rõ ràng, chi tiết, không để gây thiệt hại về người và tài sản” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện tốt các nội dung cần triển khai, khẩn cấp ứng phó với bão số 7 và tình hình thiên tai thời gian tới theo công điện đã ban hành.
Cần kiểm soát tốt các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa nhỏ, các hồ chứa xuống cấp nguy cơ mất an toàn cao; chủ động điều tiết các hồ chứa nước lớn vừa đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, vừa đảm bảo tích đủ nước cho sản xuất năm 2021.
Đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở các khu nuôi trồng thủy sản, không được để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi có mưa, lũ; sẵn sàng phương án sơ tán dân khu vực ven biển, cửa sông, nơi thấp trũng đến nơi an toàn theo các kịch bản đã duyệt.
Tổ chức theo dõi, kiểm soát các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm bắt thông tin, không để thiệt hại về người trong quá trình mưa lũ.
Các địa phương, các chủ đầu tư triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người, thiết bị và công trình phòng, chống thiên tai đang thi công dang dở trong điều kiện mưa, lũ kéo dài; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công vừa phòng ngừa thiên tai, đồng thời để giải ngân vốn đầu tư công đúng quy định; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để xử lý các sự cố.
“Trong thời gian này cũng diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nên yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị đi dự đại hội cần phân công công việc, giao nhiệm vụ cụ thể cho người ở nhà để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ. Yêu cầu tất cả các địa phương, đơn vị phải tập trung cao nhất cho công tác ứng phó với thiên tai, tránh để thiệt hại về người và tài sản trong mưa lũ”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngay từ ngày mai, khi thời tiết vẫn đang còn thuận lợi, các đơn vị, địa phương, ban, ngành cần xuống cơ sở kiểm tra để nắm rõ tình hình và phải chuẩn bị trước phương án ứng phó khi có sự cố xảy ra.