Mỹ Lộc từng nằm trong địa bàn chiến lược quan trọng có QL 15A chạy từ Đồng Lộc đến Khe Giao với nhiều trọng điểm như ngã ba Truông Kén, các cầu Khe Sậy, Cơn Trồi, Khe Út, Cơn Trung, ngã ba Khe Giao… Địa bàn trải rộng với các tuyến giao thông nối Bãi Dịa đến Truông Bát đã hình thành tuyến giao liên quan trọng đón quân đến và tiễn quân đi. Theo đó, Mỹ Lộc trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, thành túi đựng bom và rốc-két.
Vùng túi bom Truông Kén năm xưa giờ ngút ngàn màu xanh cây trái
4 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (từ 1965 - 1968) với 1.400 ngày đêm, bầu trời Mỹ Lộc thường xuyên xuất hiện từng đàn, từng tốp máy bay ném bom bắn phá, gây bao chết chóc, đau thương. Nhưng, vượt lên tất cả, sau mỗi trận đánh, quân và dân Mỹ Lộc lại cùng các lực lượng san lấp hố bom, sửa chữa cầu cống, làm đường, tiếp đạn, lương thực…
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những năm tháng không thể nào quên ấy vẫn sống mãi trong ký ức của thế hệ tiếp bước. Phát huy truyền thống, bằng những chủ trương, chính sách sát đúng, “tọa độ chết” ngày nào đang vươn mình bằng sức sống mới.
Đường về Mỹ Lộc hôm nay
Nhà văn hóa thôn Đại Đồng được xây dựng từ các nguồn huy động với hơn 700 triệu đồng cùng hàng ngàn ngày công của người dân địa phương
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc Trần Đình Mọn cho biết: “Ngoài đẩy mạnh xuất khẩu lao động, người dân Mỹ Lộc đã năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động cho bà con. Những đồi cây tràm, sim mua cũng được chặt bỏ để trồng cam”.
Đến thời điểm này, toàn xã đã có 30 ha trồng cam, trong đó, nhiều mô hình bắt đầu cho thu nhập, điển hình là mô hình trồng cam của chị Phạm Thị Thu (thôn Đô Hành) với thu nhập mỗi năm 1,5 tỷ đồng.
Mô hình nuôi ong của gia đình ông Lê văn Thống (thôn Thái xá 1) cho thu nhập 150 triệu đồng/năm
Ông Lê Văn Thống (thôn Thái Xá 1) cho biết: “Với gần 100 gốc đào và hơn 20 đàn ong, mỗi năm, vợ chồng tôi thu khoảng 150 triệu đồng. Cùng với phong trào phát triển cây ăn quả, đến nay, toàn xã cũng có khoảng 40 hộ nuôi ong cho thu nhập đáng kể”.
Nhân dân Mỹ Lộc đã không tiếc sức người, sức của để xây dựng quê hương. Trong tổng số hơn 83 tỷ đồng xây dựng NTM của xã, người dân Mỹ Lộc đã đóng góp gần 22,5 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn hiến hàng ngàn m2 đất, đóng góp hàng chục ngàn ngày công làm đường bê tông, các công trình phúc lợi...