
Sáng 19/7, đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tom Barrack, cho biết nhà lãnh đạo lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý với một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian.
Theo ông Barrack, thỏa thuận này nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, nước hậu thuẫn chính quyền lâm thời tại Syira, cũng như nước láng giềng Jordan.
Ông Barrack kêu gọi người Druze, Bedouin và Sunni “hạ vũ khí và cùng với các nhóm thiểu số khác xây dựng một bản sắc Syria mới, thống nhất trong hòa bình và thịnh vượng với các nước láng giềng."
Trước đó, ngày 16/7, Mỹ đã công bố một thỏa thuận theo đó Syria rút quân đội chính phủ khỏi Sweida, trung tâm phía Nam của cộng đồng thiểu số Druze.
Nhà lãnh đạo lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa cho biết thỏa thuận hòa giải đã giúp ngăn chặn "leo thang quy mô lớn" với Israel.
Tuy nhiên, với cáo buộc người Druze vi phạm thỏa thuận, Văn phòng của lãnh đạo lâm thời cam kết triển khai lực lượng mới đến khu vực để ngăn chặn các cuộc đụng độ tiếp theo, đồng thời kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế và ưu tiên lý trí."
Theo thống kê, hơn 630 người đã thiệt mạng trong một tuần qua do giao tranh giữa người Druze và người Bedouin ở Syria. Israel, quốc gia có cộng đồng Druze khá đông đảo, đã can thiệp ngày 16/7 bằng các cuộc không kích lớn vào trung tâm thủ đô Damascus, bao gồm cả việc tấn công vào trụ sở quân đội.
Israel cũng gửi hàng viện trợ trị giá gần 600.000 USD, gồm lương thực và vật tư y tế, cho người Druze ở Sweida và tuyên bố sẽ bảo vệ cộng đồng này.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk kêu gọi chấm dứt đổ máu và "điều tra độc lập, nhanh chóng và minh bạch về tất cả các vi phạm."
Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế cảnh báo các cơ sở y tế đã quá tải, trong khi tình trạng mất điện đang cản trở việc bảo quản thi thể trong các nhà xác.