Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

(Baohatinh.vn) - Liên tiếp các vụ đuối nước trẻ em ở giếng làng, khu vực sông suối… ở Hà Tĩnh từ đầu năm đến nay tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hòi các cấp, ngành chức năng, chính quyền các địa phương và gia đình phải có biện pháp thiết thực nhằm phòng chống hiệu quả thực trạng này.

Nguy hiểm chực chờ từ giếng làng

Có lẽ, ám ảnh và đau thương nhất trong các trường hợp đuối nước gần đây phải kể đến vụ 3 người chết đuối tại giếng làng ở xã Quang Lộc (Can Lộc).

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Giếng làng ở thôn Ban Long (xã Quang Lộc) - nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm.

Khoảng 13 giờ ngày 4/3, người dân địa phương khi đi qua giếng làng ở thôn Ban Long đã phát hiện 3 thi thể bị đuối nước nên đã thông báo cho chính quyền địa phương. Đến khoảng 13 giờ 30 phút cùng ngày, thi thể 3 nạn nhân được trục vớt lên bờ để đưa về an táng theo phong tục địa phương. Danh tính các nạn nhân gồm: T.Q.T (SN 1999), T.T.N.B (SN 2003, em gái của T.) và N.Q.H (SN 2012, cháu ruột của T. và B.), cùng trú tại thôn Ban Long.

Trước đó, tại giếng làng thôn Ban Long, vào năm 2022 cũng đã xảy ra vụ việc đau lòng khi một cháu bé bị đuối nước tử vong.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Giếng làng ở thôn Ban Long vốn được kè đá, mái dốc nên dễ trơn trượt.

Ông Phạm Đình Quế - người dân thôn Ban Long (xã Quang Lộc) cho biết: Sống xung quanh khu vực giếng có nhiều gia đình có trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều thanh, thiếu niên cũng hay ra giếng làng để câu cá nên nơi đây trở thành điểm đến của không ít người.

Được biết, giếng làng ở thôn Ban Long đã tồn tại từ lâu. Giếng này được xây dựng giữa đồng, có diện tích khá rộng, độ sâu khoảng 2m, bốn bề được kè bằng đá, rêu xanh trơn trượt, không có gì để bấu víu, nếu sẩy chân xuống thì rất dễ đuối nước. Từ năm 2022 lại nay, tại giếng làng này đã cướp đi sinh mạng của 4 người.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Những ngày này, người dân thôn Ban Long đang tích cực san lấp giếng làng.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Giếng làng thôn Ban Long trước và sau khi bị san lấp.

Ông Đặng Đình Vinh - Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết: “Sau khi sự việc 3 người bị đuối nước tại giếng làng, chính quyền địa phương đã cùng người dân bàn bạc và kịp thời huy động nguồn lực để san lấp giếng nhằm tránh các vụ việc thương tâm khác. Qua vụ việc trên cũng là bài học cảnh báo để địa phương, người dân cần quan tâm, quản lý, nhắc nhở con em không đến chơi tại khu vực giếng, ao, hồ, khu vực có hố sâu nhằm đảm bảo an toàn”.

Video: Chủ tịch UBND xã Quang Lộc nói về việc san lấp giếng làng nhằm tránh các tai nạn đuối nước thương tâm.

Ở Hà Tĩnh, đặc biệt là khu vực nông thôn thường có nhiều giếng làng, xã ít thì 1 - 2 giếng, xã nhiều thì hàng chục giếng. Các giếng này được đào, xây bao quanh với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau. Giếng làng là tên gọi chung của các kiểu giếng như: giếng đồng, giếng đình, giếng chùa, giếng đền…

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Phần lớn các giếng làng có mực nước sâu, bờ giếng thấp, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. (Ảnh chụp tại giếng làng thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng, Hương Sơn).

Như giếng của nhà thờ họ Nguyễn (thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng, Hương Sơn), đào cách đây hàng trăm năm và được tu bổ từ gần 10 năm trước. Tuy nhiên, khi nhìn vào hiện trạng phần bờ giếng khá thấp khiến không ít người e ngại về nguy cơ mất an toàn.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Giếng tại thôn Trung Bằng có phần bờ giếng khá thấp.

Ông Nguyễn Kế Quang - Trưởng thôn Trung Bằng (xã Sơn Bằng) cho hay: “Rút kinh nghiệm từ những vụ việc thương tâm xảy ra tại các giếng làng, chúng tôi sẽ lên kế hoạch lắp biển báo, rào giếng để đảm bảo an toàn”.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Nhiều giếng làng được đào ở giữa các cánh đồng ở Hà Tĩnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới: ảnh 1: giếng làng thôn Kim Bằng (xã Sơn Bằng, Hương Sơn); ảnh 2: giếng làng thôn Tam Đình (xã Kim Song Trường, Can Lộc); ảnh 3: giếng làng thôn Bùi Xá (xã Việt Tiến, Thạch Hà); ảnh 4: giếng làng thôn Bình Tiến A (xã Thanh Bình Thịnh, Đức Thọ).

Từ lâu, giếng làng đã trở thành một biểu tượng của văn hóa. Dẫu vậy, khi thực tế đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở giếng làng thì cần nhìn nhận, đánh giá và kiểm tra lại mức độ an toàn của loại công trình này.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Một số giếng làng đã được người dân lắp thêm những tấm lướt sắt để đảm bảo an toàn. (Ảnh chụp tại giếng làng thôn Mai Long, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc).

Thiết nghĩ, với các giếng làng được xây ở khu vực khu dân cư, đình, nhà thờ…, việc lắp thêm những tấm lướt sắt để rào miệng giếng hoặc xây dựng bờ giếng cao hơn sẽ giảm các nguy cơ mất an toàn.

Với những giếng làng được xây dựng giữa đồng thường có diện tích rộng cần xây dựng tường rào cao bao quanh khu vực giếng, có cửa ra vào được khóa chốt cẩn thận. Ngoài ra, có thể trang bị thêm hệ thống phao, áo phao, biển cảnh báo… để tránh các trường hợp bất trắc xảy ra.

Cả xã hội vào cuộc để phòng tránh đuối nước

Các khu vực: sông, hồ, ao, suối, đập nước… cũng là những địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước, nhất là khi chuẩn bị bước vào mùa hè.

Ngày 7/3/2023, bé gái P.H.M (SN 2020) - con anh P.V.S (SN 1994) và chị D.T.T (SN 1999) và bé trai P.V.H.P (SN 2018) - con anh P.V.T (SN 1987) và chị V.T.P (SN 1991), cùng trú tại thôn Sông Con (xã Quang Diệm, Hương Sơn) đã không may sẩy chân rơi xuống sông Con. Đến khoảng hơn 19h cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện thi thể cháu P.H.M ở phía hạ lưu sông Con, cách vị trí bị nạn khoảng 800m. Khoảng hơn 21h cùng ngày, thi thể bé P.V.H.P cũng được tìm thấy, cách vị trí bị nạn khoảng 1 km về phía hạ lưu.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Khúc sông xảy ra vụ đuối nước thương tâm thôn Sông Con, xã Quang Diệm.

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Diệm Lê Thị Phượng cho biết: Sau sự việc đuối nước thương tâm xảy ra, huyện, xã và thôn cùng người dân đã đến động viên các gia đình vượt qua nỗi đau. Đồng thời, chỉ đạo các trường học trên địa bàn, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho học sinh, trẻ em; tiến hành lắp thêm các biển cảnh báo tại các khu vực sông, hồ, ao suối… để cảnh báo nguy hiểm.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Những ngày qua, chính quyền địa phương và người dân xã Quang Diệm đã đến động viên các gia đình vượt qua nỗi đau.

Qua các vụ việc đuối nước trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự lơ là của các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con em mình. Trẻ em là đối tượng rất hiếu động, ưa thích khám phá, tuy nhiên, do điều kiện công việc, tâm lý chủ quan, nhiều phụ huynh vẫn chưa thật sự quan tâm, quản lý con cái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, dẫn tới nhiều khi chỉ một phút ham chơi của trẻ nhỏ, đã phải trả bằng những cái giá quá đắt do người lớn lơ là, chủ quan.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Kênh Ngàn Trươi đoạn qua địa phận xã Đức Bồng, nơi anh L.M.B. (SN 1977, trú thôn 1, xã Đức Bồng) bị trượt chân, đuối nước tử vong vào chiều 12/3/2023.

Để phòng, chống đuối nước hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, tổ chức đoàn thể… Bên cạnh đó, chính người lớn cũng không được lơ là, chủ quan khi tới những nơi nước sâu nguy hiểm, bởi đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai. Có vậy, mới có thể giảm thiểu được những vụ việc đau lòng do đuối nước gây ra.

Tai nạn đuối nước ở Hà Tĩnh: Lại chuyện “biết rồi, nói mãi”!

Nhiều khu vực nước sâu nguy hiểm đã được đoàn viên thanh niên cắm biển cảnh báo. (Ảnh chụp tại cầu kênh T9, thôn Tây Hương, xã Tùng Lộc, Can Lộc).

Anh Trần Văn Sang - Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội (Tỉnh đoàn) cho biết: Các cấp bộ Đoàn - Đội trong toàn tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hoá nguồn lực, phối hợp tổ chức các lớp học bơi, dạy bơi miễn phí cho thanh thiếu nhi; tăng cường xây dựng bể bơi di động và cố định tại các trường học; tham mưu đưa môn học bơi, dạy bơi vào các giờ học ngoại khóa tại trường.

Cùng đó, tiếp tục triển khai các mô hình trong tuyên truyền phòng chống đuối nước, phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu về đuối nước... thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt đoàn… Đồng thời, lắp đặt các điểm phao cứu sinh và cảnh báo tự động, gắn biển cảnh báo đuối nước, chăng dây, làm rào chắn, nắp đậy các khu vực chứa nước nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.

Chủ đề Đuối nước, chết đuối

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.