Tại sao Nhật Bản cấm dùng acid Benzoic trong tương ớt mà Việt Nam lại dùng?

Liên quan đến vụ việc Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu chứa phụ gia acid Benzoic, ngày 12/4/2019, Cục An toàn thực phẩm cho biết: Hiện nay tại Nhật Bản, acid Benzoic cũng như acid Sorbic chưa quy định sử dụng trong tương ớt nhưng điều đó không có nghĩa là 2 chất này là chất cấm sử dụng trong thực phẩm tại Nhật Bản.

Hiện tại Nhật Bản đang cho phép dùng 2 chất này trong sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, nước tương, đồ uống không cồn...

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, việc Nhật Bản không quy định acid Benzoic, acid Sorbic làm phụ gia thực phẩm trong tương ớt mà VN lại cho dùng không có nghĩa là tiêu chuẩn thực phẩm của VN không được quan tâm như ở Nhật Bản vì thực tế VN đang sử dụng tiêu chuẩn thực phẩm (trong đó có tương ớt) của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.

Đây cũng là tiêu chuẩn mà Mỹ, các nước Châu Âu đều là những quốc gia phát triển trên thế giới đang sử dụng.

"Việc sử dụng acid Benzoic, Natri Benzoat, acid Sorbic hoặc Kali Sorbat trong tương ớt theo quy định của pháp luật hiện hành tại VN không yêu cầu ghi cảnh báo, chỉ yêu cầu đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm phải ghi rõ tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS nếu có" - Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Trước đó, như Suckhoedoisong.vn đã thông tin, Nhật Bản thu hồi hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu chứa phụ gia benzoic acid, chất cấm sử dụng ở Nhật Bản mặc dù WHO và FAO cho phép sử dụng với hàm lượng Benzoic acid 5 mg/kg trọng lượng cơ thể /ngày.

Thông tin đưa trên trang tin Nhật Bản vaaju.com, "Nhật thu hồi hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu có chứa chất cấm", trang này đưa tin theo thông tin từ trang web của thành phố Osaka (www.city.osaka.lg.jp).

Theo đó, các chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ công ty Masan bị thu hồi do sử dụng chất phụ gia thường không được sử dụng ở Nhật Bản (benzoic acid, sorbic acid,....), vi phạm điều khoản 11.2 luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản.

Theo website thành phố Osaka, Thanh tra An toàn thực phẩm của Ủy ban Y tế và Phúc lợi Tokyo vào ngày 8/3 đã tiến hành kiểm tra sản phẩm. Tương ớt dãn nhán Chinsu do tập đoàn Javis của Nhật nhập khẩu từ Việt Nam, bị nghi ngờ vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm và dãn nhán mác sản phẩm.

Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng thành phố Osaka đã mở một cuộc điều tra đối với tập đoàn Javis. Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng thành phố Osaka đã ra chỉ thị buộc các nhà nhập khẩu phải thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi ra quyết định lô hàng nhập tương ớt vào ngày 7/12/2016 từ Việt Nam có chứa chất cấm benzoic acid.

Trước sự việc này, ngày 8/4, Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hướng dẫn chung cho các thành viên Codex (gồm 189 nước) trong đó có Việt Nam thì axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) được phép sử dụng trong thực phẩm trong đó có tương ớt với hàm lượng trong ngưỡng cho phép.

Theo Bộ Y tế Việt Nam quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về việc hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm được phép sử dụng axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) với hàm lượng tối đa 1000mg/kg sản phẩm tương ớt.

Tuy nhiên, tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi Quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau; tùy theo thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên của Codex nhưng có nước cho sử dụng, có nước không cho sử dụng; có nước cho sử dụng ở hàm lượng này, có nước cho sử dụng ở hàm lượng khác nhưng nhìn chung không quá quy định của Codex.

Nhật Bản không cho dùng axit benzoic trong tương ớt nhưng cho dùng axit benzoic trong các sản phẩm khác ví dụ nước tương, bơ thực vật, đồ uống không cồn...

Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc sau: - Sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. - Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yếu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.

Theo Lê Nguyên/Báo SK&ĐS

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói