Tăng cường bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Sở TN&MT yêu cầu các chủ nguồn thải chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường và pháp luật có liên quan, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Giám đốc Sở TN&MT tổ chức rà soát, thống kê các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn, đặc biệt lưu ý các cơ sở có phát sinh lượng bụi, khí thải lớn; yêu cầu các chủ nguồn thải chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường và pháp luật có liên quan, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; kịp thời xử lý, tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí theo quy định.

Tăng cường bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) thực hiện quan trắc thành phần môi trường nhằm nắm bắt kịp thời thông tin về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường không khí và phóng xạ phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục đúng thời gian quy định, có camera theo dõi, hệ thống quan trắc phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường, thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật, truyền dữ liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát.

Vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường, tiếp tục triển khai tốt công tác quan trắc hiện trạng môi trường không khí trong chương trình quan trắc theo mạng lưới đã được phê duyệt. Rà soát, tham mưu điều chỉnh, cải tạo, nâng cấp mạng lưới quan trắc đảm bảo việc giám sát chất lượng môi trường không khí đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định cấp giấy phép môi trường các cơ sở, dự án trên địa bàn, đặc biệt đối với các dự án có phát sinh khí thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành trước ngày 30/6/2024. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường không khí; phổ biến thông tin cho cộng đồng về chất lượng môi trường không khí xung quanh.

Giám đốc Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh của các công trình xây dựng, công trình giao thông và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, cơ sở xử lý phế thải xây dựng. Yêu cầu chủ đầu tư, quản lý, đơn vị thi công công trình giao thông, xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng các công trình; triển khai các biện pháp giảm thiểu bụi, khí thải phát sinh trong quá trình thi công xây dựng (sử dụng các thiết bị hút bụi khi làm sạch bề mặt đường, công trình (không dùng máy thổi bụi); che chắn công trình thi công xây dựng; phủ bạt phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng; phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...).

Tham mưu rà soát đánh giá việc thực hiện Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh về tăng cường sử dụng vật liệu không nung và lộ trình giảm dần sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với việc thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh kế hoạch, lộ trình tăng mật độ cây xanh đô thị, xây dựng tiêu chí xanh, mật độ cây xanh khi thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các khu đô thị, khu nhà ở….

Sở Giao thông vận tải tham mưu chỉ đạo hướng dẫn tập trung phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thân thiện môi trường; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về sự phù hợp của loại hình phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải của phương tiện hành khách công cộng.

Tăng cường công tác kiểm định an toàn bảo vệ môi trường của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông Vận tải. Chủ trì, phối hợp Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh giải pháp kiểm soát khí thải từ giao thông, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Sở Công thương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, làng nghề tập trung; phối hợp Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan rà soát vận động, di dời các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các cụm công nghiệp, nhất là các ngành nghề tái chế phế thải có phát sinh khí thải.

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhằm quản lý chất lượng không khí theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.

Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ xử lý, tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch mùa vụ; tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ người dân sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài đồng gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn Hà Tĩnh

Với mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn, người nuôi sẽ sử dụng công nghệ vi sinh, diệt khuẩn và tảo để làm sạch môi trường cho ao.

Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch của ngành nông nghiệp (rơm rạ, chất thải rắn, chất thải chăn nuôi…) đảm bảo được xử lý an toàn, đúng quy định nhằm giảm các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Sở KH&CN tăng cường hỗ trợ, đầu tư nghiên cứu khoa học cho các hoạt động về quản lý và kiểm soát chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành các sản phẩm hữu ích phục vụ xã hội, làm nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất khác. Nghiên cứu khuyến cáo ứng dụng các chế phẩm sinh học cho các địa phương để xử lý các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sở VH-TT&DL tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở tôn giáo, thờ tự hạn chế đốt hương, vàng mã, đặc biệt trong các dịp lễ, tết.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường theo dõi, giám sát việc thực hiện quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó đặc biệt chú ý đến các cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Sở TN&MT trong việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn khu kinh tế theo Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Sở TT&TT chủ trì, phối hợp Sở TN&MT công khai kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của sở và các phương tiện truyền thông. Trường hợp có diễn biến xấu về môi trường không khí, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng cảnh báo cho cộng đồng, người dân được biết để có biện pháp ứng phó phù hợp. Chỉ đạo các cơ quan báo chí phối hợp với ngành TN&MT, các đơn vị, địa phương sử dụng nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng không khí; xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang trong cộng đồng về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Đài PT-TH tỉnh, Báo Hà Tĩnh phối hợp Sở TN&MT đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường không khí; nêu gương các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường không khí; phản ánh các tổ chức cá nhân gây ô nhiễm môi trường không khí. Sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để chất thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để gây ô nhiễm môi trường; chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng quy định trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, đốt chất thải không đúng quy định trên địa bàn.

Tăng cường trồng cây xanh, cải tạo các sân chơi công cộng, vườn hoa cây xanh, kè hồ để tạo khu vui chơi giải trí cho nhân dân cũng như góp phần điều hòa vi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí trong khu vực.

Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, vận động và khuyến khích hội viên, người dân nâng cao ý thức, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường không khí; khuyến khích người dân tăng cường trồng cây xanh bảo vệ môi trường; nghiêm cấm hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp... sai quy định.

Chủ đề Thời tiết - Khí hậu

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast