Tăng phụ cấp sau kiện toàn đội ngũ - động lực cho cộng tác viên dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 4 huyện: Can Lộc, Lộc Hà, Kỳ Anh và Nghi Xuân linh hoạt áp dụng chính sách tăng phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số, y tế thôn bản. Đây được xem là giải pháp hiệu quả, tạo động lực cho hơn 2.400 CTV kiêm nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tăng phụ cấp sau kiện toàn đội ngũ - động lực cho cộng tác viên dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Việc tăng phụ cấp của huyện Lộc Hà đã tạo động lực cho chị Lê Thị Loan (người bên trái) cộng tác viên dân số thôn Minh Quý - Thạch Châu khắc phụ khó khăn hoàn thành tốt công việc

Chưa đầy 25 tuổi, chị Đặng Thị Giang ở thôn Trung Sơn, xã Sơn Lộc (Can Lộc) đã mang bầu đứa con thứ 3. Chị Giang cho biết: “2 cháu đầu là gái nên vợ chồng tôi luôn mong ước có thêm đứa con trai để nối dõi, vì thế chúng tôi đã quyết định sinh con thứ 3”.

Sinh con thứ 3 do trước đó sinh con một bề đang là quan điểm chung của nhiều gia đình ở xã Sơn Lộc. Đó cũng là lý do nơi đây trở thành một trong những điểm nóng về sinh con thứ 3 với mức 45,2%, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm năm trước.

Bên cạnh thách thức về mức tăng dân số cao, thì một khó khăn đặt ra khi các viên chức y tế được giao kiêm nhiệm thêm công tác dân số, tạo ra những lúng túng ban đầu. Và trong khi đội ngũ CTV dân số phải kiêm nhiệm thêm nhiều phần việc, thì những thay đổi về chế độ phụ cấp mới theo Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hiệu quả công việc.

Chị Nguyễn Thị Thắm - CTV dân số thôn Trung Sơn cho biết: “Việc kiêm nhiệm công tác dân số, y tế thôn bản cũng chiếm rất nhiều quỹ thời gian của chúng tôi, trong khi mức phụ cấp quá ít, chỉ 200.000 đồng/tháng, vì thế, không riêng tôi mà nhiều chị em khác cũng dao động về tâm lý”.

Tăng phụ cấp sau kiện toàn đội ngũ - động lực cho cộng tác viên dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh đã mở nhiều lớp tập huấn cung cấp kiến thức cho đội ngũ viên chức dân số, CTV dân số cơ sở. Ảnh tư liệu

Để giải quyết phần nào khó khăn, động viên tinh thần làm việc của đội ngũ CTV cơ sở, huyện Can Lộc đã kịp thời trích ngân sách chi trả thêm phụ cấp theo Quyết định 75/2009/QĐ-TTg, ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế thôn bản.

Theo đó, từ đầu năm 2020, huyện đã bố trí gần 800 triệu đồng để chi phụ cấp thêm cho đội ngũ CTV dân số. Cụ thể, nhóm CTV dân số kiêm y tế thôn được hưởng mức phụ cấp bằng 0,3 hệ số lương cơ bản, tương đương với 447.000 đồng/người/tháng. Số còn lại được tính theo phụ cấp bình thường từ 200 - 215 ngàn đồng/người/tháng.

Anh Phạm Văn Hải - CTV dân số thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc (Can Lộc) phấn khởi: "Hiện tại, chúng tôi đã nhận được nguồn phụ cấp này. Đây là nguồn động viên để tiếp thêm động lực cho chúng tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cùng chung niềm vui này, chị Lê Thị Loan - CTV dân số thôn Minh Quý, xã Thạch Châu (Lộc Hà) vừa được nâng mức phụ cấp từ 200 ngàn đồng lên 447 ngàn đồng/tháng Chị Loan cho biết: “Việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà...” chiếm khá nhiều thời gian, bởi không phải lúc nào đến nhà cũng có thể gặp gỡ người dân. Chính vì thế, việc hỗ trợ một phần phụ cấp đã giúp tôi có thêm trang trải chi phí xăng xe, điện thoại để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

“Năm nay UBND huyện Lộc Hà đã trích ngân sách hỗ trợ hơn 500 triệu đồng để các xã chi phụ cấp cho đội ngũ CTV dân số. Theo đó, đã có 142 CTV dân số kiêm y tế thôn được hưởng mức phụ cấp theo từng nhóm nhiệm vụ từ 200 lên 447 ngàn đồng mỗi người/tháng”, ông Lê Quang Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết.

Với chính sách kịp thời và hiệu quả, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã linh động trong việc bố trí nguồn, từng bước tháo gỡ những khó khăn, ổn định bộ máy cán bộ dân số tại cơ sở. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.