Thời điểm này, dọc trên tỉnh lộ 553, huyện lộ 5 (đoạn qua xã Hương Lâm và Hương Liên), huyện lộ 6 (đoạn qua xã Phú Gia), đường quốc phòng qua xã Hòa Hải, đường liên xã Phúc Trạch - Hương Liên..., không khó để bắt gặp các bãi tập kết cây keo sau thu hoạch ngay dưới lòng đường.
Trên huyện lộ 5, đoạn nối giữa xã Hương Liên và Hương Lâm có nhiều xe tải dừng, đỗ để bốc dỡ gỗ keo.
Anh Nguyễn Văn Hà - một người dân thị trấn Hương Khê bức xúc nói: “Trên tuyến đường huyện lộ 5 đoạn nối giữa xã Hương Liên và Hương Lâm thì phân đoạn qua xã Hương Lâm rất nguy hiểm bởi những con dốc cao, nhiều khúc cua gấp, nhưng điều lo sợ hơn là những bãi tập kết keo tràm, thậm chí có điểm xe tải còn đỗ chờ bốc dỡ gỗ ngay trên đường, cản trở giao thông. Có lúc, gỗ nằm lăn ra đường, gặp đúng khúc cua nên rất nguy hiểm, nguy cơ cao về tai nạn giao thông”.
Do việc lấn chiếm lòng đường để tập kết, bốc dỡ gỗ keo, nhiều phương tiện cỡ lớn (ô tô, xe tải) khi đi trên những đoạn đường này đều phải mất thời gian chờ đợi rất lâu để những người khai thác dỡ dọn mới có thể lưu thông được.
Việc tập kết gỗ keo lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông trên một tuyến đường tại thôn 10, xã Hà Linh.
Trên tuyến đường liên thôn, đoạn qua thôn 10, xã Hà Linh, sau khi tập kết, người dân còn thực hiện bóc vỏ keo ngay trên lòng đường. Không chỉ gây cản trở giao thông, quá trình này khiến một lượng lớn lá, cành cây đổ xuống nhưng không được dọn dẹp hoặc dọn không triệt để, gặp trời mưa có thể gây ô nhiễm.
Chị Hồ Thị Hường ở xã Hà Linh chia sẻ, những phụ thải từ cây keo có lượng tinh dầu lớn, có thể khiến nhiều loại cây khác ven đường bị chết. Những chất thải này khi thối rữa có màu đen và mùi hôi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, đã có tình trạng vỏ, cành cây keo sau khai thác bị vùi xuống hệ thống mương thoát nước dọc các tuyến đường gây ắc tắc dòng chảy.
Hoạt động khai thác, tập kết gỗ keo khiến tuyến đường Phúc Trạch - Hương Liên trở nên lầy lội, nguy cơ ô nhiễm.
Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan trên các tuyến đường, đề nghị ngành chức năng, đặc biệt là UBND các xã cần tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, bóc vỏ keo tràm dưới lòng đường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến các hộ dân, chủ rừng và đơn vị thu mua, yêu cầu cam kết không tập kết vỏ keo tràm trên lòng, lề đường gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và tắc dòng chảy của hệ thống thoát nước dọc trên tuyến đường, đặc biệt trong mùa mưa...