(Ảnh: Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ) |
Phóng viên Brian Becker của đài Sputnik (Nga) đã trao đổi vấn đề này với Sleboda - nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế.
Đe dọa tự do không gian của Nga, Trung Quốc
Tại một hội nghị quân sự ở Bắc Kinh, tướng Poznikhir nói rằng “Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang đặt ra mối đe dọa đối với việc tự do sử dụng không gian vũ trụ của bất cứ nước nào khác”.
Vị tướng này khẳng định: “Năng lực chống vệ tinh của Mỹ là một trong các lý do vì sao nước này phản đối bất cứ thỏa thuận nào cấm việc đặt vũ khí trong vũ trụ”.
Đây chỉ là một trong các năng lực tấn công mà tướng Poznikhir lưu ý. Năng lực khác là khả năng phóng các tên lửa hành trình Tomahawk có gắn đầu đạn hạt nhân.
Nhà phân tích Sleboda nói với Sputnik rằng không chỉ Nga quan ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa vươn dài của Mỹ mà Trung Quốc cũng rất lo ngại khi mà theo một số tính toán, tác động tiềm tàng của hệ thống đó lên Trung Quốc còn mạnh hơn cả lên Nga.
Ông Sleboda nói: “Một trong những phản ứng dự kiến của Trung Quốc và Nga hay được nhắc tới là, nếu hệ thống [phòng thủ tên lửa] tiếp tục vươn tới, thì chắc chắn nó sẽ khiến Nga và Trung Quốc ngày càng gần gũi nhau hơn và buộc hai nước này phát triển một mạng lưới phòng thủ tên lửa liên hợp của riêng họ”.
Theo một bài báo năm 2015 trên tạp chí Khoa học Mỹ, không gian vũ trụ là nơi cuối cùng mà chúng ta có thể nghĩ tới một cuộc chiến quân sự để giành giật lãnh thổ tranh chấp. Hiện đã có một số chương trình quân sự ngoài không gian, của Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Sleboda nói: “Quỹ đạo thấp trong vũ trụ thực sự là một “cao điểm” cho lực lượng quân đội của các siêu cường, như là Mỹ, Nga và giờ thêm Trung Quốc.”
Trong bối cảnh các hiệp ước quốc tế hiện thời đều cấm đặt các vũ khí hủy diệt hàng loạt trong vũ trụ hay trên bất cứ một thiên thể nào như là Mặt Trăng, thì quân đội các nước phụ thuộc nhiều vào vệ tinh.
Nhà phân tích Sleboda cho biết các siêu cường sẽ tìm cách loại bỏ vệ tinh của nhau, bằng cách sử dụng sức tàn phá động năng hoặc các công nghệ “hack”.
Phòng thủ bất đối xứng
Tình hình đang trở nên nghiêm trọng khi Nga và Trung Quốc không muốn tham gia một cuộc chạy đua vũ trang kiểu Chiến tranh Lạnh để duy trì thế cân bằng – họ nhiều khả năng sẽ theo đuổi cách đối phó bất đối xứng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Ảnh: Flickr. |
Ông Sleboda nhấn mạnh rằng mặc dù Trung Quốc và Nga đang phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình, họ vẫn tụt hậu so với Mỹ. Nhưng ưu thế công nghệ hiện nay của Mỹ đã đẩy Moscow và Bắc Kinh tới một dạng chạy đua vũ trang mới, bao gồm chạy đua các thiết bị trên quỹ đạo và ngoài vũ trụ.
Sleboda phân tích: “Điều gìn giữ hòa bình giữa các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân là nguy cơ tự hủy diệt lẫn nhau”.
Với sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa, khái niệm tự hủy diệt lẫn nhau ngày càng trở nên ít khả thi, tạo ra ấn tượng một nước có thể tấn công trước, và bất cứ cuộc tấn công trả đũa nào cũng sẽ không dẫn tới tình trạng “không sống sót được”.
Một khả năng khác là tấn công “chặt đầu” – một cuộc tấn công đánh phủ đầu răn đe nhằm vào các vệ tinh, hệ thống phòng thủ tên lửa, và năng lực phóng tên lửa hạt nhân. Ngoài tên lửa đạn đạo liên lục địa, các nước có vũ khí hạt nhân có thể phóng tên lửa từ máy bay và chiến hạm, bao gồm cả tàu ngầm.
Sleboda nhận định: Năng lực tấn công “chặt đầu” là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng không bảo đảm an ninh tuyệt đối.
Khi bị buộc phải bảo đảm được an ninh, Nga và Trung Quốc có thể phát triển một loại vũ khí chưa từng thấy.
Đầu năm 2015, Tổng thống Vladimir Putin công bố Nga đang phát triển một hệ thống chống tên lửa có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ. Hệ thống đó – Status 6, được cho là đã bị truyền thông Nga làm lộ.
Status 6 được đưa tin là một phiên bản đương đại của dự án Xô viết T-15 thập niên 1950. Đây là một quả ngư lôi lớn mang theo đầu đạn hạt nhân cực mạnh. Khi nổ, T-15 dự kiến tạo ra một trận sóng thần khủng khiếp có thể tàn phá các thành phố ven biển của Mỹ.
Theo các hình ảnh mà truyền thông Nga tiết lộ, Status 6 là nhằm để gây ô nhiễm phóng xạ cho các vùng duyên hải rộng lớn, khiến cho các vùng này không thể sống trong nhiều thập kỷ.
Một giải pháp bất đối xứng khác có thể sử dụng là tên lửa Zircon siêu âm, theo Sputnik.
Dự kiến đến năm 2020, tên lửa Zircon sẽ đi qua khí quyển với vận tốc gấp 7-12 lần tốc độ âm thanh và do vậy sẽ “làm suy yếu tất cả các hệ thống phòng không một cách đáng kể”, theo Tổng giám đốc của Công ty Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Boris Obnosov.
Sleboda nói: Với các cường quốc thế giới tham gia vào cuộc đua vũ khí công nghệ cao mới, các tàu lượn siêu thanh, các vũ khí hạt nhân chiến thuật phóng xạ thấp của Mỹ nhằm tạo ra các loại vũ khí hạt nhân dễ đưa vào sử dụng hơn, cùng các bước phát triển mới đang đưa chúng ta ra khỏi kịch bản xảy ra chiến tranh hủy diệt lẫn nhau. Điều này, theo Sleboda, đã giúp thế giới giữ được hòa bình trong hơn nửa thập kỷ qua.