Ngày 28/1/2019, khi 3 anh em họ là Lê Đình M. (SN 1969), Lê Đình Q. (SN 1967) và Lê Đình T. (SN 1968) đều trú tại thôn Phú Thượng (xã Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên) đang dựng cây nêu (cao khoảng 13m) thì bị dòng điện 35 kV từ trên cao phóng xuống, làm cả 3 bị thương, phải nhập viện cấp cứu.
Do bất cẩn trong hạ dựng cây nêu, nhiều vụ tai nạn điện đáng tiếc đã xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh. (Ảnh Bá Tân).
Tiếp đó, một gia đình trú tại khối phố 1, thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) khi dựng cây nêu, do bất cẩn đã làm chập điện trên đường dây trung thế.
Vụ chạm chập đã gây tiếng nổ lớn, toàn khu vực thị trấn Phố Châu bị mất điện. Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người và tài sản.
Hiện trường vụ dựng cây nêu gây sự cố mất an toàn lưới điện tại thị trấn Phố Châu, Hương Sơn. Ảnh tư liệu.
Nghiêm trọng hơn, đã có những vụ tai nạn gây chết người từ việc dựng cây nêu. Cụ thể, dịp Tết Mậu Tuất 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Q. (xã Thạch Khê, Thạch Hà) tiến hành dựng cây nêu.
Lúc đó, 2 anh em Phạm Ngọc Q. (hàng xóm ông Nguyễn Văn Q.) có mặt để giúp đỡ. Do bất cẩn để cây nêu chạm vào đường điện trung thế, anh Phạm Ngọc Q. bị điện giật tử vong tại chỗ, người em cũng bị thương nặng.
Cấp cứu vụ bị điện giật do bất cẩn lúc hạ cây nêu tại Hương Khê năm 2018. Ảnh tư liệu.
Gần đây nhất, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xảy ra tai nạn điện nghiêm trọng khi người dân dựng cây nêu.
Theo đó, chiều 25/1/2021, khi dựng nêu thuê cho một gia đình tại xã Minh Hợp (Quỳ Hợp), cây nêu bị vướng vào đường điện cao thế khiến anh H.V.T. (SN 1993, ở huyện Hưng Nguyên) tử vong; 2 người bị thương gồm: anh L.M.H. (23 tuổi) và anh L.V.C. (22 tuổi), cùng ở huyện Tương Dương.
Cây nêu trang trí có chiều cao vừa phải, được lắp đặt chuyên nghiệp như ở thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân) sẽ giảm thiểu tai nạn điện. (Ảnh Ngọc Loan).
Thực tế cho thấy, trồng cây nêu là truyền thống của người dân từ xưa, đến nay đã phát triển lên loại hình khác nhưng mục đích, ý nghĩa vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, trong quá trình dựng và hạ cây nêu có yếu tố về điện, do người dân bất cẩn nên đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn điện đáng tiếc. Trong 5 năm lại nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn điện liên quan đến vi phạm khoảng cách an toàn.
Ngành điện Hà Tĩnh nhắn tin đến tất cả khách hàng tuân thủ khoảng cách an toàn lưới điện dịp tết.
Để đảm bảo an toàn điện dịp trước, trong và sau tết, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã treo, dán hàng ngàn pano, khẩu hiệu tuyên truyền tại những nơi thường xuyên tập trung đông người; làm việc và đưa thông báo tuyên truyền có kèm các bài báo đăng các vụ tai nạn điện thương tâm đã xảy ra đến từng hộ gia đình sinh sống trong và hai bên hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời, nhắn tin đến tất cả khách hàng; đăng các tin bài tuyên truyền an toàn điện trên mạng xã hội facebook, zalo...
Công nhân ngành điện Hà Tĩnh đến tận nhà dân...
... và trường học phát tờ rơi đảm bảo an toàn điện trong dân.
Để đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, người dân không dựng cây, cột, cọc trang trí và không xây dựng công trình, nhà ở, mang vác đồ vật, sử dụng cần cẩu, phương tiện… trong hành lang an toàn lưới điện hoặc hai bên đường dây điện cao thế vi phạm khoảng cách an toàn.
Ngoài ra, người dân không sử dụng công trình lưới điện vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với ngành điện; không trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn. Đặc biệt, khi phát hiện tai nạn điện, cột điện bị đổ, gãy, dây điện bị đứt..., người dân không được đến gần, tìm cách rào chắn, canh gác và liên hệ với ngành điện để xử lý
Ông Bùi Quang Nhiệm – Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Hà Tĩnh thông tin: “Công ty đã thành lập 2 đoàn công tác do Phòng An toàn chủ trì, tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn điện tại các đơn vị. Chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, phối hợp địa phương, ngành công an quyết liệt ngăn chặn, xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm theo Điều 4, Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ để tránh các tai nạn điện đáng tiếc".
Khoản 2, Điều 10, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp quy định tại khoản 4, Điều 51 của Luật Điện lực là khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cap áp được quy định: Đối với đường dây trung thế (22 kV, 35 kV) là 4m, cao thế 110 kV là 6m. Ngành điện cũng quy định khoảng cách an toàn phóng điện của đường dây hạ áp không được nhỏ hơn 1 mét đối với dây trần và 0,5 mét đối với dây bọc. |