Tháng 7 khả năng là tháng nóng nhất trong lịch sử

Thế giới nhiều khả năng đang hứng chịu tháng 7 nóng nhất trong lịch sử.

Khách du lịch sử dụng ô và quần áo bảo hộ để che nắng tại Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Đài quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) hôm 19/7 đã đưa ra nhận định trên trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng kéo dài trong thời gian qua.

Theo Đài quan sát khí hậu của EU, 15 ngày đầu tiên của tháng 7 là 15 ngày nắng nóng từng được ghi nhận. Do đó, tháng 7 năm nay có thể trở thành tháng 7 nóng nhất. Theo cơ quan này, biến đổi khí hậu đang làm toàn bộ hệ thống khí hậu nóng lên, gây ra các đợt nắng nóng kéo dài tại khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia Mỹ, ngày 3/7 vừa qua là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu.

Trong bối cảnh nhiều đợt nóng đang bùng phát trên toàn thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong ngày 3/7 đạt mức 17,01°C, vượt qua mức 16,92°C được ghi nhận vào tháng 8/2016.

Miền Bắc nước Mỹ đang phải trải qua hiện tượng vòm nhiệt cực đoan trong những tuần vừa qua.

Một bảo vệ tại Trung Quốc đang lau mồ hôi trong ngày nóng kỷ lục 3/7. (Ảnh: AP)

Tại Trung Quốc, nắng nóng vẫn đang kéo dài, nhiệt độ ở đây luôn trên mức 35°C.

Khu vực Bắc Phi cũng ghi nhận mức nhiệt gần chạm 50°C.

Tại Nam Cực, mặc dù đang trong mùa đông, nơi này cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường. Trạm nghiên cứu Vernadsky của Ukraine gần quần đảo Argentine cho biết, Nam Cực gần đây đã đạt mức nhiệt 8,7°C, phá kỷ lục nhiệt độ của tháng 7.

“Đây không phải là một cột mốc để chúng ta ăn mừng. Đây là bản án tử dành cho con người và hệ sinh thái”, hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học khí hậu Friederike Otto của Viện Biến đổi khí hậu và Môi trường Grantham, Đại học Hoàng gia Anh London. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu, kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino là nguyên nhân cho mức nhiệt tăng kỷ lục của toàn cầu.

Nắng nóng gây ra các vấn đề về sức khỏe như sốc nhiệt, mất nước hay đau tim. Nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến sản lượng mùa màng, khiến sông băng tan chảy và làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.

Theo VTV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói