Tháng tám mùa thu - mùa gặt hái những thành quả

(Baohatinh.vn) - Đất trời đã chuyển sang thu, dịu dàng hơn, sâu lắng hơn. Tháng tám mùa thu, mùa cây cối sai quả sau những tháng ngày chắt chiu hương thơm và vị ngọt. Tháng tám mùa thu với lòng người Việt Nam còn ý nghĩa thiêng liêng hơn: mùa gặt hái những thành quả cách mạng.

Quả ngọt mùa thu.

Như là điểm hẹn của đất trời tháng tám, những ngày này, ngoài đồng lúa hè thu bắt đầu trổ bông, hứa hẹn mùa vàng. Trong vườn, na, bưởi, nhãn, hồng, thị… đua nhau chín thỏa lòng mong đợi của người trồng. Đi qua những tháng ngày nắng hạn, mưa giông, cây trái biết kết tinh quả ngọt dâng hiến cho con người.

Đi qua những năm tháng đói rét cơ hàn, tủi nhục vì mất nước, lịch sử dân tộc đã sang trang mới từ mùa thu 1945. Thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám vô cùng to lớn và sâu sắc, làm đổi thay số phận dân tộc, đổi thay số phận của 25 triệu người Việt Nam năm ấy, mang lại “bát cơm tấm áo, hương hoa hồn người” cho biết bao cuộc đời.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh Tư liệu của TTXVN.

Lại quay về với những câu chuyện của mẹ kể năm nào: Đói và đói. Cái đói bủa vây khắp nơi, người ăn xin rách rưới, gầy gò la liệt khắp phố nhỏ Phan Đình Phùng cho đến các làng Trung Tiết, Tiền Bạt. Đói quá, xin không được, có kẻ phải cướp bát cơm trên tay của người khác. Những chuyến xe chở người chết về Cồn Cồ, Đỗ Đen có những người còn ngắc ngoải trong đó. Trang sử dân tộc cũng ghi lại những dòng đau thương: cả nước có đến 2 triệu người chết đói.

Thái Bình là tỉnh bị nặng nề nhất. Khi vụ mùa gần như mất trắng, cộng thêm thiên tai, vỡ đê, dân Thái Bình rơi vào nạn đói kéo dài từ tháng 8/1944 đến sang những tháng của năm Ất Dậu. Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh là người đã có nhiều bức ảnh về nạn đói năm Ất Dậu 1945 ở Thái Bình, đặc biệt là bức ảnh chụp ở km số 3 ghi lại cảnh 2 cậu bé ngồi bên cột mốc ăn xin, đến nay, sau 76 năm, xem lại vẫn rơi nước mắt.

Không ai quên được câu chuyện “nhà máy cháo” ở Thái Bình do các sĩ phu quyên góp gạo của nhà giàu nấu cháo phát chẩn cho dân, cứu được nhiều người. Thóc lúa dân sản xuất bị chính quyền Nhật thu mua dự trữ trong kho để chuẩn bị cho chiến tranh. Quang cảnh tang thương bao trùm cả đất nước.

Một trong những bức ảnh về nạn đói năm Ất Dậu của nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh.

Không cam chịu cảnh đói rét, thất học, nô lệ và tủi nhục, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Mặt trận Việt Minh, Nhân dân các làng xã đã vùng lên, chớp thời cơ giành chính quyền. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!” nhằm phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Toàn dân đã chớp thời cơ, nhất tề nổi dậy phá kho thóc của Nhật cứu đói, biểu tình kéo về các huyện lỵ buộc chính quyền thân Nhật Trần Trọng Kim phải bàn giao lại ấn triện và trụ sở cho chính quyền cách mạng lâm thời.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 14 - 21/8, đỉnh cao là ngày 19/8, chính quyền đã về tay Nhân dân mà không phải tổn thất xương máu. Các thước phim tư liệu quý giá còn lưu lại cho thấy những bước rầm rập của những đoàn quân chân đất áo vải phá kho thóc, không khí hừng hực khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Những trang sử cũng ghi lại: cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Tĩnh diễn ra nhanh chóng, không bị tổn thất về người. Hà Tĩnh là một trong những địa phương giành chính quyền sớm trong cả nước. Tại Huế, nơi trung tâm đầu não của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, vua Bảo Đại xin thoái vị, bàn giao ấn kiếm cho phái đoàn đại diện Chính phủ lâm thời do ông Nguyễn Huy Liệu làm Trưởng đoàn cùng nhà thơ Cù Huy Cận và ông Nguyễn Lương Bằng. Chế độ thực dân phong kiến chấm dứt, thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Ất Dậu là một mốc son đỏ thắm trong trang sử nước nhà:

Hỡi người bạn! Vui lên đi! Ất Dậu

Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công

Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông

Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng

(Tố Hữu)

Đi qua những thăng trầm của lịch sử và của đất nước, hơn 96 triệu người dân Việt Nam hôm nay đang có được mùa hạnh phúc, đang tận hưởng những thành quả to lớn của tự do, độc lập từ mùa thu tháng Tám 1945, sau bao hy sinh, mất mát của các thế hệ cha ông.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Ngày 2/9/1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong trang sử dân tộc và trong lòng mỗi một người dân Việt Nam. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn (1), ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước. Một thể chế dân chủ, quyền làm chủ thuộc về những người dân đã được xác lập. Từ thời điểm này, mỗi người Việt Nam, không kể già trẻ, gái trai, không chia dân tộc, đảng phái, tôn giáo… đều phải có trách nhiệm đứng lên gìn giữ nền độc lập của dân tộc và xây dựng đất nước mạnh giàu. Trong lời thề vang vọng dưới nắng Ba Đình mùa thu 1945, toàn quân, toàn dân ta đã quyết một lòng “Đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn Độc lập).

76 năm đã trôi qua, mùa thu về, trong trái tim của mỗi người dân Việt, dòng máu Lạc Hồng lại râm ran chảy. Niềm xúc động thiêng liêng về những phút giây Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới quyền độc lập của dân tộc đã được nhân lên thành niềm tự hào lớn lao về truyền thống dựng nước và giữ nước, tự hào là người dân của một nước độc lập.

Sau 76 năm kinh qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, kinh qua những thời điểm cam go của đất nước, với sức mạnh đại đoàn kết như lũy thành vững chắc, toàn dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn lời thề năm xưa với Chính phủ lâm thời dưới cờ đỏ sao vàng ở Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nhân dân ta đã phát huy quyền làm chủ của mình, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn bằng nhiều việc làm cụ thể trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong học tập, lao động, xây dựng đất nước, quê hương mạnh giàu. Đất nước thanh bình, mọi người đều “có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Thành phố Hà Tĩnh hôm nay

Ký ức về nạn đói Ất Dậu đã lùi sâu vào dĩ vãng. Những câu chuyện của người già giờ cũng ít ai nhắc đến, thay vào đó là ký ức hào hùng về “năm khởi nghĩa”, “năm thành công”. Đó là cột mốc khắc sâu vào tâm khảm của hàng triệu người, kể cả những lớp người sinh ra trong nửa cuối thế kỷ XX và hôm nay, thế kỷ XXI. Bởi mùa thu tháng Tám, mùa thu cách mạng đã mang lại những thành quả to lớn, sâu sắc mà nhiều thế hệ người Việt Nam được ân hưởng. Bảo vệ thành quả cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của tất cả mọi người dân.

Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều biến động. Các thế lực thù địch, phản động hằng ngày, hằng giờ mưu toan phá hoại thành quả của cách mạng Việt Nam đã được xây đắp gần 8 thập niên, phủ nhận sự lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, tìm mọi cách xóa bỏ nền độc lập dân tộc đã được xây dựng bằng máu, nước mắt và mồ hôi của Nhân dân ta. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân Việt Nam cần ôn lại những trang sử đau thương và hào hùng, thắp sáng niềm tự hào dân tộc, thấm thía hơn những giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đập tan âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch. Toàn Đảng, toàn dân phải sát cánh cùng nhau, đấu tranh để bảo vệ thành quả cách mạng thiêng liêng và cao quý.

Mùa thu này là mùa thu thứ 2 đất nước ta phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19. Hơn bao giờ hết, bản lĩnh, trí tuệ và tâm hồn Việt Nam tiếp tục ngời sáng. Toàn dân đoàn kết xung quanh Đảng và Chính phủ, đóng góp sức lực, của cải để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, như đã từng chiến thắng “giặc đói”, “giặc giốt” và giặc ngoại xâm, để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế, vì sự trường tồn và phát triển của đất nước.

Đi trong mùa quả ngọt, lắng nghe hương của cây trái lan tỏa trong đất trời, càng thấy thêm yêu quê hương, yêu thêm mùa thu tháng tám, yêu lịch sử dân tộc, yêu những con người Việt Nam kiên cường, dũng cảm, nhân hậu và thủy chung.

-----------------------------

(1) Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói