Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc mà ở đó nhân dân Việt Nam thực sự được làm chủ đất nước (ảnh Internet)
Những ngày tháng Tám năm 1945, hòa chung không khí tổng tiến công, nổi dậy giành chính quyền trên cả nước, các vùng quê cách mạng của Hà Tĩnh cũng ráo riết chuẩn bị để giành chính quyền khi thời cơ đến. Là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất của Hà Tĩnh (ngày 17/8/1945), tại miền quê cách mạng Can Lộc có rất nhiều cán bộ tiền khởi nghĩa. Và trong những ngày ngược về lịch sử, chúng tôi đã gặp cụ Ngô Đức Mạch ở tổ dân phố 1B, thị trấn Nghèn. 102 tuổi đời, ký ức của cụ có nhiều quãng đã nhòa phai nhưng riêng quãng đời hoạt động cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa thì không bao giờ quên được. Năm nào cũng vậy, mỗi độ tháng Tám về là cứ có người đến hỏi chuyện và cụ dù mệt vẫn gắng gượng ngồi vào bàn và kể chuyện rất rành rẽ, nhất là những ngày cận khởi nghĩa.
Tuy đã 102 tuổi nhưng cụ Ngô Đức Mạch vẫn nhớ như in ngày tham gia khởi nghĩa ở Can Lộc
Cụ Mạch nhớ lại: “Khoảng tháng 2/1945, trên đường ly quê tìm kế sinh nhai, tôi được một số cán bộ vận động tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Sau khi tham gia Việt Minh được vài tháng thì tháng 7/1945, Ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc được thành lập. Đây cũng là thời điểm phát triển mạnh mẽ của tổ chức Việt Minh ở Can Lộc. Từ huyện xuống các tổng, các làng, nơi đâu cũng có tổ chức Việt Minh với khoảng 1.000 người tham gia”.
Cụ Ngô Đức Mạch cho rằng: Làm cách mạng hồi đó chủ yếu là dùng "mẹo" mới qua mặt được mật thám...
Dù tham gia hoạt động nhưng lúc bấy giờ, chàng trai trẻ Ngô Đức Mạch không hề biết Việt Minh là gì, chỉ biết tổ chức này sẽ đòi cơm áo, đòi tự do, dân chủ cho nhân dân nên rất hăng hái tham gia. Trong vai trò là cán bộ liên lạc, cụ Mạch đã đem thông tin đến các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và liên lạc với các tổng ủy. Với cụ Mạch, làm cách mạng hồi đó chủ yếu là dùng "mẹo", nhờ đó, không những cụ đã qua được mắt mật thám mà mỗi lần đi qua đồn địch, cụ còn được chào hỏi rất tử tế.
...và giây phút được chứng kiến Việt Minh giành chính quyền chính là khoảnh khắc rực rỡ nhất của cuộc đời cụ
Ngày 16/8, huyện đường Can Lộc bị chiếm, ngày 17/8, chính quyền cách mạng huyện được tuyên bố thành lập. Đó là “phát súng” đầu tiên mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh. Cụ Mạch cho biết: “Lúc ấy, không biết cờ đỏ sao vàng ở đâu mà nhiều vô kể. Không chỉ tung bay trên bầu trời Can Lộc, từng đoàn người còn kéo nhau giăng cờ hoa, biểu ngữ hướng về thành Vinh. Đó là những phút giây rạo rực nhất trong quãng đời trai trẻ của tôi. Cảm giác được làm chủ trên chính mảnh đất của mình đến bây giờ vẫn vô cùng xúc động”.
Giành chính quyền sau Can Lộc 1 ngày nhưng không khí chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa ở mảnh đất phên dậu Kỳ Anh cũng không kém phần sôi nổi. Trong ký ức của cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Quang Huân (tổ dân phố 3 - phường Sông Trí - TX Kỳ Anh), những ngày tháng đó vẫn như mới diễn ra. Mặc dù đã ngoài 90, thính giác đã kém, mắt đã mờ nhưng ông Nguyễn Quang Huân vẫn chưa quên những năm tháng tuổi xuân đi làm cách mạng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông Nguyên Quang Huân cũng sớm theo chân các chú của mình, giác ngộ cách mạng và trở thành cán bộ tiền khởi nghĩa.
Hồi đó, là học sinh trường Pháp - Việt ở Kỳ Anh, ông Huân cùng với bạn bè rất nhiệt tình tham gia các tổ chức của thanh niên nhằm phản đối chính sách “nhổ lúa trồng đay” của Nhật. Về sau, ông được vận động tham gia tổ chức Việt Minh ở Kỳ Anh và làm cán bộ liên lạc. Ông cho biết: “Các chú của tôi đều tham gia phong trào Xô viết 30-31, đều bị tù đày, thậm chí có người còn bị đi đày ở Côn Đảo nhưng ai cũng một lòng theo cách mạng. Chính các chú là người đầu tiên giác ngộ cách mạng cho tôi, động viên tôi đi theo Việt Minh”.
Đã qua rồi những năm tháng mòn chân làm cán bộ liên lạc, giờ đây ở tuổi cửu thập, ông Nguyễn Quang Huân sống vui vầy bên con cháu với thú vui chăm sóc cây cối.
Những năm tháng ấy, đôi chân trai trẻ của ông đã đi mòn các nẻo đường khắp các xã thuộc tổng Hà Trung. Và không có gì đáng nhớ hơn những giờ khắc cùng đoàn người ào lên giành lấy tự do, giành lấy quyền làm chủ. 10h ngày 18/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Kỳ Anh phát lệnh chuẩn bị khởi nghĩa. 12h cùng ngày, nhân dân khắp huyện rầm rộ kéo về huyện đường. Khắp nơi vang rền tiếng hô: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”. Chính quyền cũ buộc phải tan rã, tri huyện nộp ấn tín, sổ sách giấy tờ cho cách mạng.
Trong "gia tài" của cán bộ tiền khởi nghĩa Lê Khánh Lâm vẫn còn nhiều giấy tờ, kỷ vật gợi nhớ những ngày tham gia Việt Minh sôi nổi và đầy nhiệt huyết.
Những ngày tháng Tám, không khí tổng khởi nghĩa giành chính quyền vang dội khắp nơi. Ngay sau khi các địa phương giành được chính quyền, ngày 19/8, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Hương Sơn cũng vận động quần chúng biểu tình, thị uy kéo đến đồn bảo an và giành chính quyền ở huyện.
Cán bộ tiền khởi nghĩa Lê Khánh Lâm nhớ lại những ngày tham gia Việt Minh ở Hương Sơn.
Ông Lê Khánh Lâm trú tại tổ dân phố 7, phường Bắc Hà cho biết: “Ngay từ đầu năm 1945, không khí cách mạng đã vô cùng sôi nổi, ngay cả ở vùng quê nằm sâu trong núi như Sơn An quê tôi, lực lượng thanh niên cũng được giác ngộ cách mạng vô cùng mạnh mẽ. Tháng 3/1945, tôi cũng được giác ngộ và tham gia vào một tổ chức thanh niên vừa làm nhiệm vụ liên lạc, vừa canh gác cho các cuộc họp của cán bộ Việt Minh. Lợi dụng tình hình Nhật - Pháp bất hòa, chúng tôi cũng thường xuyên vào các đồn vận động lính khố xanh theo cách mạng. Và sau đó, các đội lính khố xanh cũng hòa vào đoàn người biểu tình đi khởi nghĩa giành chính quyền”.
Ông Lê Khánh Lâm vui vẻ kể chuyện làm cách mạng hồi trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cho cán bộ trẻ phường Bắc Hà
Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tiếp tục khẳng định Hà Tĩnh là một trong những địa phương tiên phong trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó cũng là nền móng vững chắc để Hà Tĩnh tiếp tục bước vào thời kỳ đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc trong những giai đoạn sau.