Thành lập quân đội chung: Châu Âu đủ mạnh để thoát Mỹ?

Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng việc thành lập quân đội chung châu Âu sẽ là tín hiệu tốt cho mối quan hệ giữa Nga và châu Âu, song đây là điều Mỹ không mong muốn vì khi đó tiếng nói của Washington sẽ không còn quan trọng.

Cuộc tập trận của các nước châu Âu năm 2016. (Ảnh: Reuters)

Giới phân tích chính trị và quân sự dự đoán, nếu Liên minh châu Âu (EU) thành lập lực lượng quân sự riêng như đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây, mâu thuẫn giữa châu Âu và NATO sẽ ngày càng nới rộng. Khi đó, lực lượng quân sự chung sẽ là “công cụ hữu hiệu” để EU bình thường hóa quan hệ với Nga.

Theo Leonid Ivashov, tướng nghỉ hưu thuộc Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) và là Giám đốc Viện Các vấn đề Địa Chính trị, đối với Liên minh châu Âu, việc sở hữu một lực lượng quân sự chung là ý tưởng mang tính “giải phóng quốc gia”.

Mặc dù NATO với vai trò dẫn đầu của Mỹ vẫn tồn tại, song an ninh của châu Âu luôn chịu sự chi phối của Mỹ. Người giám sát các lực lượng quân sự ở châu Âu luôn là một tướng hoặc một đô đốc Mỹ. Washington cho rằng điều khiến EU lo sợ và coi như mối đe dọa chính là Moscow. Tuy vậy, mối đe dọa này thực chất chỉ là tưởng tượng.

“Không ai đe dọa châu Âu. Nga không muốn xâm chiếm châu Âu. Nga muốn giao lưu thương mại, hợp tác, chủ yếu về kinh tế với châu Âu. Và châu Âu cũng hiểu điều đó”, ông Ivashov nói.

Vấn đề của NATO là châu Âu đặt quá nhiều niềm tin vào liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này. Sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO luôn tìm kiếm một cái cớ để duy trì khối và tự cho rằng có thể bảo vệ châu Âu khỏi chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt, nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp và làn sóng nhập cư.

“Người châu Âu đặt niềm tin của họ vào NATO và làm suy yếu chính an ninh của họ. Đến bây giờ họ đột nhiên nhận ra rằng họ vẫn không được bảo vệ trước những kẻ khủng bố, ma túy và đặc biệt là người di cư”, ông Ivashov nhận định.

Theo tướng Nga, NATO chưa bao giờ bảo vệ bất kỳ nước nào. NATO luôn giữ châu Âu làm “con tin” và kiếm lợi nhuận cho các tập đoàn xuyên quốc gia do Mỹ điều hành.

Bình thường hóa với Nga

Nếu được “giải thoát” khỏi NATO, châu Âu sẽ được tự do theo đuổi các lợi ích của mình, và điều đó sẽ dẫn tới mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.

“Châu Âu đơn giản là sẽ trở nên độc lập hơn. Họ sẽ chưa yêu quý Nga, họ chỉ bắt đầu hợp tác (với Nga) để phục vụ lợi ích của chính họ trong lĩnh vực khí đốt cũng như các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Điều đó đương nhiên sẽ dẫn tới sự cải thiện về tình hình chính trị. Chúng ta chỉ đơn giản là duy trì mối quan hệ bình thường, thiết thực”, ông Ivashov cho biết.

Theo Konstantin Sivkov, tiến sĩ khoa học quân sự và là một trong những người sáng lập Viện Các vấn đề Địa chính trị, nếu “chia tay” NATO, EU sẽ tìm kiếm các đồng minh mới để đối trọng với các đối tác xuyên Đại Tây Dương trước đây của họ.

“Không kẻ thù nào đáng sợ hơn một đồng minh bị bỏ rơi. Điều đó sẽ biến Mỹ trở thành đối thủ của châu Âu”, ông Sivkov nhận định.

Một lực lượng quân sự độc lập của châu Âu sẽ cho phép khu vực này hợp tác quân sự với Nga. Hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn trong năng lực quân sự của các nước EU, chủ yếu về phòng không và không quân. Do vậy khí tài của Nga sẽ giúp lấp đầy những khoảng trống này.

“Ai sẽ quan tâm tới việc S-400 bảo vệ biên giới của các nước châu Âu? Chỉ có một nước là Mỹ”, Aleksandr Zhilin, chuyên gia quân sự kiêm Chủ tịch Trung tam Nghiên cứu Các vấn đề Xã hội ứng dụng, nói, đề cập tới hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Nga.

Sự bất đồng

Từ phải qua trái: Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)

Mặc dù tổng thống Pháp và thủ tướng Đức muốn châu Âu tự thành lập lực lượng quân sự riêng, song vẫn còn một số quốc gia không ủng hộ đề xuất này. Theo Ivan Konovalov, giám đốc Trung tâm Cục diện chiến lược Nga, hai nước Anh và Ba Lan đã nhận quá nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ. Mặc dù Anh sắp tới không còn là thành viên của EU, nhưng Ba Lan vẫn còn trong khối và nước này sẽ tiếp tục phản đối việc thành lập quân đội chung châu Âu.

Ông Konovalov cho rằng Ba Lan, một nước luôn đi theo chính sách của Mỹ, sẽ không bao giờ ủng hộ một “cấu trúc quân sự” kiểu như lực lượng quân đội châu Âu thống nhất. Cả Na Uy và các nước Baltic cũng vậy.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên tiếng phản đối ý tưởng thành lập quân đội chung châu Âu. Ông khẳng định “NATO đã và đang là trụ cột trong chính sách quốc phòng” của Hà Lan. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Áo khẳng định Áo không muốn trở thành một phần của quân đội châu Âu vì điều đó đi ngược lại với lập trường trung lập của Áo.

Mặc dù tướng Ivashov đánh giá tỷ lệ khả thi của việc thành lập quân đội châu Âu khoảng 50%, song các chuyên gia vẫn hoài nghi về điều này. Nhiều người cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra.

Theo các chuyên gia, ngoài việc gây sức ép đối với những nước như Anh và Ba Lan, Mỹ đang cung cấp một số lượng lớn các khí tài quân sự thiết yếu cho các nước châu Âu. EU hiện cũng phải trông cậy vào NATO vì năng lực quân sự của các nước thành viên châu Âu vẫn còn chênh lệch.

Lực lượng không quân của EU chủ yếu gồm máy bay chiến đấu Eurofighter, một dự án chung của Anh, Pháp, Đức, và máy bay Rafale của Pháp, một máy bay chiến đấu hạng nhẹ và “lép vế” so với các máy bay hạng nặng của Nga và Mỹ. Trong khi đó, các hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu cũng gần như không có, mà phụ thuộc hoàn toàn vào các hệ thống Patriot và THAAD của Mỹ.

Việc nhập khẩu khí tài từ Nga cũng không phải là lựa chọn phù hợp với châu Âu. Theo Tiến sĩ Sivkov, về công nghệ vũ khí, Nga và EU giống như “ở hai hành tinh khác nhau”. Nếu “chia tay” NATO, EU sẽ phải tự phát triển vũ khí của mình từ đầu và đây là nhiệm vụ không đơn giản vì đòi hỏi chi phí rất lớn.

Theo RT/Dantri

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói