Trở thành giáo viên duy nhất được trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp tại lễ tổng kết Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tiểu học cấp tỉnh là niềm vinh dự ngoài mong đợi với cô Nguyễn Thị Phượng. Đó cũng là cơ hội để cô giáo vùng biển lan tỏa thông điệp thấu hiểu, yêu thương đến với các đồng nghiệp.
Cô Nguyễn Thị Phượng giành giải nhất Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tiểu học cấp tỉnh.
Cô Phượng chia sẻ: “Tôi cho rằng, giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người dạy tốt văn hóa mà còn phải quan tâm đến sự phát triển của học sinh cả về những giá trị đạo đức, thể chất, thẩm mĩ. Vì thế, tôi vẫn luôn trăn trở và mong muốn tìm ra giải pháp, làm sao để nuôi dưỡng cho các em một tâm hồn đẹp, xây dựng cho các em một lớp học hạnh phúc. Qua thực tiễn áp dụng tại lớp học mà tôi làm chủ nhiệm, tôi đã nhận thấy, chỉ có thấu hiểu, yêu thương mới là yếu tố quan trọng nhất để mang lại niềm vui cho học sinh trong mỗi buổi đến trường”.
Việc đầu tiên trong buổi học của học sinh lớp 5A là check - in cảm xúc.
Chứng kiến niềm vui mỗi buổi đến trường của học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Thạch Hải - lớp học do cô Phượng làm chủ nhiệm, chúng tôi mới cảm nhận rõ tầm quan trọng của việc thấu hiểu, yêu thương.
Ngay sau giờ vào lớp, hoạt động đầu tiên của học sinh là check - in cảm xúc của mình qua bộ thẻ giá trị có tên của từng em. Sau khi nắm bắt cảm xúc của học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ cho các bạn chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Với những em có cảm xúc buồn, chán nản, cô sẽ trực tiếp tâm sự, hỏi han để tìm hiểu, động viên, chia sẻ.
Từ việc lan tỏa những cảm xúc tích cực, học sinh đã bước vào buổi học với không khí đầy hào hứng.
Từ việc lan tỏa những cảm xúc tích cực, từ sự thấu hiểu, yêu thương, học sinh lớp 5A đã bước vào buổi học với không khí đầy hào hứng. Những bài học cũng trở nên dễ hiểu hơn, mỗi một thành viên trong lớp cũng cảm thấy gần gũi, thân thiện, gắn bó với nhau hơn.
Để ươm mầm “hạt giống” của sự tử tế trong mỗi học sinh, cô Phượng còn thực hiện qua lời nói và việc làm cụ thể. Theo đó, những lời khen tặng dành cho học sinh được cô sử dụng thường xuyên, liên tục trong các tiết học cũng như hoạt động ngoài giờ lên lớp. Cô cũng đã sử dụng sổ: nhật ký việc tử tế để học sinh ghi lại những việc tốt của mình trong ngày, trong tuần; khuyến khích học sinh viết thiệp khen ngợi, cảm ơn lẫn nhau. Ngoài ra, lớp còn sử dụng giỏ đồ đánh rơi để các bạn có thể tìm lại những món đồ mình bỏ quên hoặc đánh mất.
Cô luôn là người đồng hành với các em trong học tập.
“Chúng em rất thích các hoạt động của lớp. Bởi những việc làm tử tế của chúng em luôn được cô khen thưởng bằng cách tặng sao và sẽ có phần thưởng vào mỗi tuần cho những bạn có nhiều sao nhất. Chính vì thế, em và các bạn vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để được nhận phần thưởng của cô”, em Nguyễn Thị Thảo Nguyên - học sinh lớp 5A chia sẻ.
Cô thường xuyên chia sẻ, dành cho học sinh những tình cảm ấm áp.
Cùng với việc lan tỏa những cảm xúc tích cực, việc làm tử tế, cô Phượng còn khơi nguồn cảm hứng, tạo động lực cho học sinh, giúp các em cân bằng cảm xúc để giao tiếp ứng xử qua mỗi hoạt động giáo dục.
Cô Phượng quan niệm rằng: trong mỗi chúng ta đều có những “hạt giống” tính cách tốt và xấu. Hạt nào nảy mầm là do cách ta chăm sóc nó. Và để những hạt giống tốt nảy mầm, cô thường sử dụng ngôn ngữ tích cực để động viên các em.
Sự động viên của cô đã tạo động lực cho các em cố gắng hơn mỗi ngày.
Trong lớp, có học sinh chưa tích cực, cô sẽ nhờ bạn làm một số việc như lau bảng, sắp xếp bàn ghế; với những bạn còn rụt rè, cô sẽ động viên, khuyến khích các em tham gia những hoạt động tập thể. Cứ như thế, những tên gọi: Thúy chăm chỉ, Nguyên tích cực, Hà chăm ngoan, Ly Na thông minh… đã trở thành động lực giúp em cố gắng hơn mỗi ngày.
Cho học sinh xác định mục tiêu trong năm học cũng là giải pháp giúp các em không ngừng phấn đấu.
"Sau gần 1 năm thực hiện, tôi thấy nền nếp lớp học ngày một tốt hơn, các em tích cực, sôi nổi, hòa đồng, thân thiện, hăng hái xây dựng bài và tham gia vào các hoạt động tập thể. Học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, học tập, mạnh dạn trao đổi những khó khăn, vướng mắc với giáo viên chủ nhiệm. Sự thay đổi ấy đã mang đến cho tôi niềm vui, hạnh phúc để tôi thêm yêu và gắn bó với nghề”, cô Phượng tâm sự.
Sau mỗi tuần, học sinh tiến bộ lại được cô tuyên dương tặng quà và thư khen trước cả lớp.
Kể từ ngày tốt nghiệp Trường Đại học Vinh năm 2012 đến nay, cô giáo quê xã Thạch Khê - Thạch Hà đã gắn bó với học sinh tiểu học ở một số trường học. Kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng… được học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước đã giúp cô tự tin hơn để phát huy những khả năng của mình tại Trường Tiểu học Thạch Hải kể từ ngày về nhận công tác tại đây (năm 2021).
Và giải nhất tại Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tiểu học cấp tỉnh lần này là kết quả xứng đáng với những nỗ lực không ngưng nghỉ của cô trong hành trình đổi mới. Đây cũng là động lực để cô Nguyễn Thị Phượng không ngừng cố gắng, cống hiến trí tuệ của mình cho ngôi trường vùng ven biển cũng như ngành giáo dục và đào tạo.
Cô Nguyễn Thị Phượng là giáo viên khá toàn diện, có chuyên môn vững vàng, năng nổ, nhiệt tình, ham học hỏi. Thời gian qua, những đổi mới của cô trong công tác giảng dạy, nhất là công tác chủ nhiệm đã thực sự tạo nên chuyển biến tích cực trong phong trào xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc. Nhằm lan tỏa thông điệp thấu hiểu để yêu thương, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức chuyên đề toàn trường về giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên chủ nhiệm của cô Phượng để áp dụng bài bản, linh hoạt, phù hợp với từng lứa tuổi, từng lớp học.