Liên tiếp xẩy ra nhiều vụ tự tử của người trẻ
Đã hơn một tuần trôi qua nhưng người dân thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng vì cái chết của em C.H.Đ (SN 1996) - người cùng thôn. Sự việc xảy ra vào sáng 15/3/2021 khi ông C.H.N - cha của em Đ. thức dậy và phát hiện con trai đã treo cổ chết trong nhà.
Người dân thôn Trung Sơn chưa hết bàng hoàng xót xa vì cái chết của C.H.Đ.
Người thân và hàng xóm láng giềng ai nấy đều bàng hoàng, xót xa bởi Đ. được đánh giá là một thanh niên ngoan ngoãn, hiền lành và rất thương cha mẹ. Khi học xong lớp 12, Đ. vào miền Nam học nghề và làm việc một thời gian. Trước tết, anh trở về và chưa quay lại làm việc.
Thời gian trước khi xảy ra sự việc đau lòng, Đ. có dấu hiệu trầm cảm khi thường xuyên ở trong nhà, tâm trạng buồn bã và ít giao lưu với bạn bè, tuy nhiên, anh cũng không có mâu thuẫn gì với ai.
“Đ. ngoan lắm, lại hay giúp đỡ mọi người nữa. Không hiểu vì lý do gì mà cháu nó phải làm vậy nữa. Đ. còn trẻ, tương lai còn chưa bắt đầu, vậy mà...” - bà C.T. T (hàng xóm của Đ.) xót xa.
Vào khoảng 18h ngày 15/3/2021, tại Cầu Phủ 2 (thuộc địa phận xã Cẩm Vịnh - huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), N.X.H (SN 2004 - là học sinh lớp 11 của một trường nghề trên địa bàn) đi xe máy đến địa điểm trên. Nhưng một lúc sau, người dân chỉ nhìn thấy chiếc xe máy và giấy tờ tùy thân.
Hiện trường nơi N.X.H nhảy cầu tự tử. (Ảnh A.T)
Nghi có người nhảy cầu tự tử, người dân đã gọi điện báo chính quyền địa phương và tổ chức tìm kiếm. Sáng hôm sau, thi thể nạn nhân được lực lượng chức năng tìm thấy cách địa điểm trên gần 1km.
Gần đây nhất, dư luận cũng không khỏi xót xa khi một thanh niên trẻ phải bỏ mạng vì cứu bạn gái nhảy sông tự tử vào ngày 20/3. Thời điểm xảy ra sự việc, T.H.H. (SN 1997 - trú phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh) cùng bạn gái ra khu vực cầu Cày - giáp ranh giữa thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà) và xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Một lúc sau, cô gái bất ngờ nhảy xuống sông Cày, H. nhảy theo để cứu bạn. Với sự hỗ trợ từ bạn trai, cô gái được cứu sống, nhưng H. thì đã vĩnh viễn ra đi chỉ vì suy nghĩ và hành động bồng bột của bạn mình.
Lực lượng chức năng tìm kiếm T.H.H trên sông Cày. (Ảnh V.Đ).
Sự ra đi nào cũng để lại mất mát nhưng những người trẻ tự kết liễu cuộc đời càng để lại sự đau đớn, xót xa cho người thân, bạn bè. Nguyên nhân của những cái chết đó hầu hết đều xuất phát từ xung đột về tình cảm, những bế tắc trong cuộc sống mà họ không đủ bản lĩnh để vượt qua.
Cần định hướng lối sống tích cực cho người trẻ
Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hòa - Đại học Hà Tĩnh phân tích: “Xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ dễ nảy sinh xung đột, trong khi người trẻ, đặc biệt là đối tượng vị thành niên là độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nhận thức chưa đầy đủ, rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường xã hội. Khi gặp biến cố trong công việc, học tập, tình cảm... nhiều người dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nảy sinh ý nghĩ tiêu cực”.
Guồng quay của cuộc sống hiện đại khiến một bộ phận người trẻ rơi vào bế tắc, không đủ bản lĩnh để đương đầu với thử thách. (Ảnh internet)
Cũng theo Tiến sỹ Hòa, vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng chưa thực sự được chú trọng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ tự kết liễu cuộc đời khi gặp biến cố.
Điều đó thể hiện qua việc, cha mẹ và những người xung quanh ít quan tâm đến tâm tư, tình cảm, những thay đổi của con cái; đặt quá nhiều kỳ vọng, gây áp lực chuyện học hành, thi cử; không trang bị đủ kiến thức, giáo dục bản lĩnh để con vững vàng giải quyết mâu thuẫn, đương đầu với thử thách trong cuộc sống...
Khi gặp vấn đề, nhiều người trẻ thiếu kinh nghiệm sống, lại không tìm được sự sẻ chia từ những người xung quanh khiến vấn đề của họ càng trở nên nghiêm trọng, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát và họ xem tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi bế tắc và trừng phạt những người xung quanh.
Tìm kiếm giải pháp cho vấn nạn này, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa cho rằng: “Điều quan trọng nhất vẫn là trang bị kỹ năng sống, rèn luyện cho người trẻ một lối sống tích cực, bản lĩnh đương đầu với thử thách. Cùng với đó, sự quan tâm của người thân, bạn bè trong giai đoạn họ gặp khó khăn chính là “phao cứu sinh”, giúp họ tháo gỡ bế tắc, tránh suy nghĩ tiêu cực”.
Giáo dục lối sống, tư tưởng lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên sẽ góp phần hạn chế những suy nghĩ tiêu cực, rèn bản lĩnh trong cuộc sống (Trong ảnh: Đoàn viên xã Thạch Liên tích cực tham gia tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 cho người dân trên địa bàn).
Đồng quan điểm, Bí thư Đoàn xã Thạch Liên (Thạch Hà) Nguyễn Thị Thúy cũng cho rằng: “Đoàn thanh niên cần phát huy hơn nữa vai trò trong định hướng tư tưởng, giáo dục hành vi, lối sống cho đoàn viên, thanh niên bằng những diễn đàn, những sân chơi bổ ích. Bản thân người trẻ cũng phải xác định cho mình những mục đích, lý tưởng sống cao đẹp để hướng tới. Điều đó sẽ góp phần hạn chế những suy nghĩ bi lụy, hành vi tiêu cực...”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi từ 15 - 29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố, cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp. (Nguồn Bệnh viện Nhi Trung ương). |