Chỉ sau 1 tuần đã có 242 người ở Singapore nhiễm virus Zika: Bộ Y tế và Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) ngày 4/9 xác nhận nước này vừa có thêm 27 trường hợp dương tính với virus Zika, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm Zika lên 242 người chỉ sau một tuần dịch bệnh này được phát hiện tại đây.
NEA cho biết 25 trường hợp nhiễm mới có liên quan đến cụm ổ dịch tại Aljunied, Sims Drive, Kallang và Paya Lebar. Một trường hợp mới phát hiện từ khu vực có nguy cơ bị lây nhiễm cao ở đường Joo Seng, nơi trước đó đã phát hiện một bệnh nhân nhiễm Zika. Ca nhiễm còn lại không có mối liên hệ với các ổ dịch trước đây.
Lo ngại về dịch bệnh Zika tại Singapore, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang triển khai các biện pháp phòng chống nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Zika chủ yếu lây truyền qua loại muỗi Aedes và có thể gây ra chứng đầu nhỏ ở thai nhi nếu người mẹ bị nhiễm trong thời gian mang thai. Hiện chưa có thuốc chữa hay vaccine ngừa nhiễm. Các biện pháp điều trị mới chỉ tập trung vào chữa các triệu chứng của người mắc bệnh. (Ảnh: Phun thuốc diệt muỗi tại Singapore. Nguồn: Getty Images)
Abu Sayyaf nhận trách nhiệm vụ đánh bom khu chợ đêm ở Philippines: Nhóm cực đoan Abu Sayyaf vừa tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ đánh bom kinh hoàng tại một khu chợ đêm đông người ở thành phố Davao, miền nam Philippines ngày 2/9, làm 14 người thiệt mạng và 71 người khác bị thương.
Kênh truyền hình ABS-CNB (Philippines) dẫn lời người phát ngôn của nhóm phiến quân Abu Sayyaf cho biết, vụ đánh bom nhằm mục đích kêu gọi sự “đoàn kết và thống nhất” của tất cả các chiến binh thánh chiến trên toàn lãnh thổ Philippines, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc tấn công khác trong thời gian tới.
Davao là quê hương của Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Đây cũng là khu vực ông thường xuyên ghé thăm. Ngay sau vụ đánh bom, ông Duterte đã ra lệnh phong tỏa đất nước, ủy quyền cho quân đội, cảnh sát điều tra, tìm ra nguyên nhân vụ việc. (Ảnh: Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công. Nguồn: ABS-CNB)
Hong Kong tiến hành cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ năm 1997: Các cử tri Hong Kong ngày 4/9 đã đi bỏ phiếu bầu Hội đồng Lập pháp và đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất của đặc khu này kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
BBC đưa tin cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào lúc 7h30 (giờ địa phương) và dự kiến đóng cửa 15 giờ sau đó. Khoảng 3,8 triệu cử tri sẽ bầu chọn ra 35 nhà lập pháp dựa theo khu vực trong danh sách gồm 84 ứng cử viên.
Ngoài ra, 30 ghế sẽ do các đại diện của các ngành kinh doanh và thương mại như kế toán, tài chính, bảo hiểm, y tế và ngư nghiệp lựa chọn. Những cử tri không tham gia bầu 30 ghế trên sẽ tham gia bỏ phiếu để lựa chọn 5 ghế còn lại. Công tác kiểm phiếu sẽ được tiến hành ngay sau khi kết thúc việc bỏ phiếu. (Ảnh minh họa: BBC)
Mỹ, Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Hai quốc gia chiếm hơn 40% lượng khí thải carbon trên toàn thế giới, ngày 3/9 đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng trao các văn kiện phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong một sự kiện diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Hiệp định Paris là hiệp định toàn diện đầu tiên của thế giới về chống biến đổi khí hậu và cần sự phê chuẩn của ít nhất 55 quốc gia để có hiệu lực pháp lý. Trước khi có sự phê chuẩn chính thức của Trung Quốc và Mỹ, mới chỉ có 23 quốc gia phê chuẩn hiệp định này. (Ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama (ngoài cùng bên phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) bắt tay Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại lễ trao các văn kiện phê chuẩn Hiệp định Paris. Nguồn: Reuters)
Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức khai mạc tại Trung Quốc: Ngày 4/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc.
Với chủ đề "Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể," Trung Quốc - Chủ tịch G20 năm nay - hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang "tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều."
Bốn vấn đề lớn sẽ được các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận ở Hàng Châu gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn. (Ảnh: Lãnh đạo các nước G20 chụp ảnh chung. Nguồn: EPA/TTXVN)