Hiện trường vụ đánh bom xe chở du khách ngày 28/12. (Ảnh: AFP)
3 du khách Việt thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Ai Cập: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập xác định 3 nạn nhân xấu số gồm ông Trần Hóa Khánh, sinh năm 1961, quê Thanh Hóa; bà Nguyễn Thúy Quỳnh, sinh năm 1962, quê Hà Nội; và anh Nguyễn Trọng Tiến, sinh năm 1989, quê Bình Thuận.
Ông Khánh và bà Quỳnh là du khách, còn anh Tiến là hướng dẫn viên người Việt của đoàn, theo VOV.
Ba nạn nhân này cùng 12 người Việt khác đang ngồi trên xe buýt tại Al-Haram, Giza ngày 28/12 thì một quả bom gài bên đường phát nổ. Công ty tổ chức tour Saigontourist nói rằng các du khách khi đó đang trên đường đến nhà hàng ăn tối. Cơ quan điều tra Ai Cập đang giữ 3 thi thể nạn nhân. Chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Ba người bị thương nặng đã được các bác sĩ Ai Cập phẫu thuật và điều trị tích cực. 9 người bị thương nhẹ hơn đang phục hồi tốt.
Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân chụp ảnh với binh sĩ Mỹ tại Iraq. (Ảnh: CNBC)
Tổng thống Trump có chuyến thăm đầu tiên đến vùng chiến sự: Tổng thống Trump ngày 26/12 bất ngờ đến thăm binh lính Mỹ tại căn cứ không quân al-Asad ở Tây Iraq.
Tổng thống Trump nói chuyện với một nhóm khoảng 100 quân nhân, chủ yếu là đặc nhiệm và gặp riêng các lãnh đạo quân sự trước khi rời đi vài giờ sau đó. Ông ban đầu có kế hoạch gặp Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi nhưng sự kiện này sau đó bị hủy và thay thế bằng một cuộc điện đàm.
Khi phát biểu tại Iraq, ông bảo vệ quyết định rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi Syria - động thái bị nhiều phụ tá phản đối và dẫn đến việc từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis, nhưng nói thêm rằng Mỹ vẫn giữ hiện diện ở Iraq.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Trump, người giữ cương vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tới một vùng chiến sự mà quân đội Mỹ đang tham chiến. Động thái này nhằm xua tan mọi chỉ trích và áp lực cho rằng ông không tới thăm binh sĩ Mỹ tại các vùng chiến sự kể từ khi lên cầm quyền.
Tòa nhà quốc hội Mỹ sau phiên họp thượng viện. (Ảnh: AFP)
Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa tới hết năm nay: Thượng viện Mỹ họp ngắn sau kỳ nghỉ Giáng sinh nhưng không đạt được đột phá trong vấn đề ngân sách cho chính phủ. Các thượng nghị sĩ quyết định lùi thời điểm bỏ phiếu tới hôm 2/1, ngay trước thời điểm đảng Dân chủ nắm đa số trong hạ viện Mỹ.
Các nghị sĩ Dân chủ tại thượng viện và Tổng thống Trump đều không chịu nhượng bộ. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ không phê duyệt ngân sách chính phủ nếu chưa có khoản chi 5 tỷ USD để xây bức tường ngăn biên giới Mexcio, trong khi thượng viện từ chối thông qua số tiền này.
Ba phần tư hoạt động của chính phủ Mỹ được chi trả cho tới ngày 30/9 năm sau, bao gồm các chương trình của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động. Tuy nhiên, ngân sách cho Bộ An ninh Nội địa, Tư pháp và Nông nghiệp đã hết hạn. Điều này khiến gần 800.000 nhân viên liên bang bị hoãn trả lương và khoảng 380.000 người trong đó buộc phải nghỉ phép.
Một số nhân viên sẽ tiếp tục làm việc mà không được trả lương, bao gồm lực lượng kiểm tra an ninh của Cục An ninh Giao thông, cai ngục, đặc vụ thuộc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và nhân viên tuần tra biên giới.
Cảnh tàn phá của sóng thần tại Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia ngày 23/12. (Ảnh: THX/TTXVN)
Sóng thần ở Indonesia khiến ít nhất gần 430 người thiệt mạng: Sóng thần tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở phía Tây đảo Java và Nam đảo Sumatra vào tối 22/12 (giờ địa phương), khiến 426 người chết và 7.200 người bị thương. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatau, khi nó phun trào chỉ 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.
Ngày 28/12, giới chức Indonesia đã ban bố lệnh sơ tán quy mô lớn ở các khu dân cư dọc eo biển Sunda sau khi cảnh báo nguy cơ xảy ra một trận sóng thần thứ 2 do tác động từ đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau cuối tuần qua.
Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia Indonesia cho biết tổng số người buộc phải sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm ở các tỉnh Banten và Lampung lên tới hơn 40.300 người.
Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang khẩn trương tìm kiếm những nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Công nhân sửa sang bên ngoài tòa nhà đại sứ quán của UAE ở Damascus hồi đầu tuần này. (Ảnh: almasdarnews)
UAE, Bahrain nối lại hoạt động của Đại sứ quán tại Syria: Bahrain hôm 27/12 cho biết sẽ nối lại hoạt động của Đại sứ quán nước này tại Syria. Bahrain trước đó đã đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Damascus của Syria từ những ngày đầu của cuộc nội chiến năm 2011.
Tuyên bố mở cửa lại đại sứ quán được đưa ra 1 ngày sau khi Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) mở cửa Đại sứ quán trở lại tại Damascus.
UAE là quốc gia đầu tiên trong Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC) nối lại hoạt động ngoại giao tại Syria.
Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao UAE khẳng định việc mở cửa trở lại cơ quan ngoại giao của nước này tại Syria nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và nhằm giảm thiểu những nguy cơ từ sự can thiệp khu vực đối với "các vấn đề Arab và Syria."
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nghỉ trước 2 tháng: Ngày 23/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng nước này James Mattis sẽ rời khỏi chức vụ vào ngày 1/1/2019, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch của ông Mattis.
Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump còn tuyên bố sẽ bổ nhiệm cấp phó của ông Mattis là ông Patrick M. Shanahan làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian ông tìm kiếm nhân sự thay thế lâu dài.
Trước đó hôm 20/12, Tổng thống Trump thông báo Bộ trưởng Mattis sẽ chính thức từ chức vào ngày 28/2/2019. Trong bức thư từ chức, Bộ trưởng Mattis cho biết ông rời bỏ chức vụ để Tổng thống Trump có được một người đứng đầu Lầu Năm góc có quan điểm đồng điệu hơn với các chính sách của mình.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Ukraine tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh: Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thông báo sắc lệnh tình trạng chiến tranh, ban bố hôm 25/11 vừa qua tại một số khu vực biên giới, đã hết hiệu lực từ ngày 26/12.
Trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp tại Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, Tổng thống Poroshenko tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh vào lúc 14 giờ giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Việt Nam) ngày 26/12.
Sắc lệnh trên đã được ban bố tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine hôm 25/11.
Ngư dân xẻ thịt cá voi tại cảng Wada, tỉnh Chiba, Nhật Bản. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Nhật Bản nối lại hoạt động đánh bắt cá voi thương mại: Theo tin từ Chính phủ Nhật Bản, nước này đã quyết định rút khỏi Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế (IWC) vào năm 2019, nối lại hoạt động đánh bắt thương mại từ tháng 7 năm sau, lần đầu tiên sau khoảng 3 thập niên.
Theo quy định của IWC, Nhật Bản sẽ chính thức ra khỏi tổ chức này vào ngày 30/6/2019, sau khi đưa ra thông báo vào ngày 1/1/2019. Sau khi rút khỏi IWC, Nhật Bản sẽ cho phép đánh bắt cá voi ở các vùng biển gần nước này và thuộc vùng đặc quyền kinh tế, nhưng không cho phép khai thác ở Nam Cực, bởi đây là khu vực phục vụ nghiên cứu khoa học.
Trong 30 năm qua, Nhật Bản đã tiến hành vận động cho việc nối lại hoạt động đánh bắt thương mại đối với các giống cá voi tương đối dồi dào như cá voi nhỏ thân màu xám trắng, trong khi vẫn là thành viên của IWC, nhưng nỗ lực này luôn vấp phải trở ngại đến từ những nước phản đối việc đánh bắt loài cá này như Australia và New Zealand.
Sinh viên người Mỹ Otto Warmbier. (Ảnh: AFP)
Mỹ đòi Triều Tiên bồi thường 500 triệu USD vì cái chết của sinh viên Warmbier: Một tòa án Mỹ ngày 24/12 đã yêu cầu Triều Tiên trả 501 triệu USD bồi thường cho cái chết của sinh viên Otto Warmbier không lâu sau khi Bình Nhưỡng thả anh này.
Cha mẹ sinh viên người Mỹ Warmbier trong tháng 4 đã khởi kiện Triều Tiên có liên quan tới cái chết của con họ.
Reuters đưa tin vào tháng 6/2017, Triều Tiên thả Warmbier khỏi nhà tù và cho phép thanh niên 22 tuổi này trở về Mỹ. Khi đó Warmbier đã hôn mê. Vài ngày sau khi trở về Mỹ, anh qua đời. Kết quả điều tra cho thấy Warmbier tử vong vì não thiếu oxy và máu.
Thẩm phán Beryl Howell tại Tòa án quận Columbia ngày 24/12 phán quyết: “Triều Tiên chịu trách nhiệm vì đã tra tấn, bắt làm con tin và sát hại không xét xử Otto Warmbier đồng thời gây tổn thương cho cha mẹ của sinh viên này”.
Trong khi đó, Triều Tiên cho rằng sinh viên người Mỹ đổ bệnh do nhiễm khuẩn Clostridium botulinum sau thời điểm ra tòa tại Bình Nhưỡng vào tháng 3/2016 và rơi vào hôn mê do uống thuốc ngủ. Bình Nhưỡng đồng thời bác bỏ cáo buộc tra tấn Warmbier.
Nhật hoàng Akihito tại lễ mừng sinh nhật. (Ảnh: AFP)
Nhật hoàng đón sinh nhật cuối cùng trước khi thoái vị: Nhật Hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4/2019 và nhường ngôi cho con trai trưởng, Thái tử Naruhito vào ngày 1/5/2019. Lễ kỷ niệm sinh nhật ngày 23/12 vừa qua là sinh nhật cuối cùng của ông trên cương vị Nhật Hoàng.
Trong bài phát biểu tại Hoàng cung ở Tokyo, ông cho biết ông cảm thấy nhẹ nhõm vì triều đại của mình sắp kết thúc trong hòa bình.
Nhật Hoàng Akihito ghi nhận những thay đổi mà ông đã trải qua khi Nhật Bản hồi phục sau chiến tranh và được chấp nhận trở lại cộng đồng quốc tế.
Ông cũng đau buồn khi nhắc lại một số thảm họa tàn khốc tại Nhật Bản bao gồm trận động đất sóng thần đảo Okushiri năm 1993, trận động đất lớn Hanshin-Awaji năm 1995 và trận động đất lớn Đông Nhật Bản năm 2011.
Tuy nhiên ông cũng khẳng định trước những khó khăn như vậy, tinh thần tình nguyện và các hình thức hợp tác khác đang tăng lên trong nhân dân.