Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một vụ phóng tên lửa trước đây. (Ảnh: ABC)
Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa dù tập trận Mỹ-Hàn đã kết thúc: Triều Tiên sáng 24/8 phóng 2 vật thể chưa xác định vào vùng biển Nhật Bản, mà phía Hàn Quốc nghi ngờ là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Đây là vụ phóng thứ 7 của Triều Tiên trong chưa đầy 1 tháng qua và chỉ 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố, nước này sẵn sàng “đối thoại lẫn đối đầu” với Washington, đồng thời cảnh báo vẫn sẽ là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ trong một thời gian dài nếu Washington duy trì thái độ “thù địch”.
Vụ phóng thử tên lửa mới nhất này của Triều Tiên phần nào khiến các chuyên gia bất ngờ. Bởi trước đó các dự báo đều cho rằng, nước này sẽ dừng thử nghiệm vũ khí khi cuộc tập trận kéo dài 10 ngày của Mỹ và Hàn Quốc kết thúc hồi đầu tuần này.
Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về các vụ phóng và kêu gọi Triều Tiên ngừng những hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cùng ngày cho biết sẽ khởi động các nỗ lực ngoại giao nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)
Mỹ - Trung Quốc áp thuế lẫn nhau: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/8 tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là biện pháp đáp trả của Mỹ đối với việc Trung Quốc thông báo áp thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Trong một loạt thông báo trên twitter ngày 23/8, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ tăng mức thuế hiện tại đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% kể từ ngày 1/10. Trong khi đó, mức thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/9 sẽ tăng từ 10% lên 15%.
Trước đó, cũng trong ngày 23/8, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 5% hoặc 10% đối với tổng số 5.078 sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, dầu thô, máy bay nhỏ và ô tô trị giá 75 tỷ USD.
Mức thuế quan mới đối với một số sản phẩm sẽ có hiệu lực vào tháng 9, một số sản phẩm khác có hiệu lực từ ngày 15/12.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang rơi vào tình thế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: Getty Images)
Hàn Quốc hủy Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản: Ngày 22/8, Nhật Bản đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Nam Gwan Pyo nhằm phản đối quyết định cùng ngày của Seoul hủy Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết phản ứng của Hàn Quốc là "hoàn toàn sai lầm" và "cực kỳ đáng tiếc."
Trước đó cùng ngày, Hàn Quốc đã công bố quyết định rút khỏi Hiệp định GSOMIA, viện dẫn "sự thay đổi lớn" về các điều kiện an ninh do những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo. Với động thái này, các tranh cãi chính trị và thương mại Nhật-Hàn giờ đây đã lan sang các vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm nhất trong khu vực.
GSOMIA là hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự được coi biểu tượng hiếm hoi của niềm tin giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng là nền tảng chính cho hợp tác an ninh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. (Ảnh: Getty Images)
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố từ chức: Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đưa ra quyết định từ chức trong bài phát biểu trước quốc hội Italy hôm 20/8, phiên làm việc đầu tiên sau khi các nghị sĩ quay lại từ kỳ nghỉ hè, theo Reuters.
Ông Conte từ chức sau khi cáo buộc Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, đồng thời là lãnh đạo đảng Liên đoàn chống nhập cư, đang làm suy yếu đất nước bằng cách kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Lời kêu gọi này được đưa ra khoảng hơn 1 năm sau khi xuất hiện những rạn nứt trong liên minh cầm quyền giữa đảng Liên đoàn và đảng Phong trào 5 sao.
Theo các nhà phân tích, tương lai của Italy giờ đây nằm trong tay Tổng thống Sergio Mattarella. Ông sẽ phải tham vấn lãnh đạo các đảng phái để quyết định liệu có khả năng thành lập một liên minh mới tiềm năng hay không hoặc liệu Italy có cần một cuộc bầu cử mới hay không. Điều này có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán về ngân sách thường niên, vốn được coi là thách thức đối với một trong những nền kinh tế yếu nhất trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất ở đảo San Nicolas, ngoài khơi bang California hôm 18/8. (Ảnh: AFP/Bộ Quốc phòng Mỹ)
Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rút khỏi INF: Ngày 19/8, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình được phóng từ mặt đất và tên lửa đã đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 500km.
Đây là vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đầu tháng 8 này. Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết vụ thử tên lửa được tiến hành hôm 18/8 tại đảo San Nicolas, bang California. Tên lửa này là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh tại Moscow ngày 23/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc chính quyền Mỹ đã phát động một "chiến dịch tuyên truyền", vu cho phía Nga vi phạm thỏa thuận INF để "tự cởi trói cho mình và triển khai các loại tên lửa từng bị cấm trước đây ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới".
Theo đó, ông Putin ra lệnh cho Bộ quốc phòng và các cơ quan khác "có những biện pháp toàn diện để chuẩn bị cho một sự đáp trả tương xứng".
Khói mù ô nhiễm bao phủ Jakarta, Indonesia, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Giới chức Indonesia xác nhận địa điểm đặt thủ đô mới trên đảo Borneo: Truyền thông Indonesia ngày 22/8 dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Kế hoạch đất đai Sofyan Djalil cho biết nước này sẽ xây dựng thủ đô mới ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Tuy nhiên, ông không nêu rõ địa điểm chính xác sẽ đặt thủ đô mới.
Bộ trưởng Djalil đưa ra phát biểu trên sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước chính thức đề xuất lên Quốc hội kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java về một địa điểm ở Kalimantan.
Theo ông Djalil, chính phủ sẽ có 3.000ha đất cho giai đoạn phát triển đầu tiên. Ước tính, kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia sẽ tiêu tốn khoảng 33 tỷ USD, trong đó có việc xây dựng các trụ sở công quyền mới và nhà ở cho khoảng 1,5 triệu nhân viên chính phủ. Theo Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia Bappenas, kế hoạch di dời thủ đô có thể bắt đầu vào năm 2024.
Một đám cháy rừng tại Brazil ngày 21/8. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Brazil huy động quân đội dập tắt cháy rừng Amazon: Ngày 23/8 (giờ địa phương), Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã phê chuẩn quyết định triển khai các lực lượng vũ trang của nước này để hỗ trợ công tác chữa cháy trong rừng Amazon, giữa bối cảnh áp lực quốc tế ngày càng tăng, theo hãng tin AFP.
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp thảo luận phương án đối phó khủng hoảng vào cuối ngày giữa ông Jair Bolsonaro và các thành viên nội các. Việc triển khai quân đội cũng nhằm trấn áp các hoạt động tội phạm, trong đó có việc chặt phá rừng phi pháp ở những bang liên quan.
Theo sắc lệnh tổng thống, quân đội Brazil sẽ được điều tới các khu vực biên giới, các phần lãnh thổ bản địa, và những khu vực khác bị ảnh hưởng ở Amazon để hỗ trợ dập tắt đám cháy trong vòng 1 tháng.
Từ hai tuần qua, các vụ cháy rừng Amazon đã tàn phá hàng chục nghìn ha rừng nhiệt đới. Cộng đồng quốc tế quan ngại các vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ động thực vật tại khu vực được gọi là “lá phổi xanh của hành tinh”. Hiện con số thiệt hại chính xác vì cháy rừng Amazon vẫn chưa được xác định, song khói mù đã phủ kín thành phố Sao Paulo và một số thành phố khác của Brazil.
Tàu chở dầu Grace 1 của Iran tại khu vực ngoài khơi Gibraltar ngày 15/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Siêu tàu dầu Iran đổi lộ trình, tiến thẳng tới Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 24/8, trang mạng theo dõi hoạt động giao thông đường biển MarineTraffic cho biết tàu chở dầu Adrian Darya (trước đó được gọi là Grace 1) của Iran đã thay đổi hướng di chuyển và tiến thẳng tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Con tàu này đang là tâm điểm đối đầu giữa Mỹ và Iran trong bối cảnh quan hệ song phương không ngừng leo thang trong thời gian gần đây.
Tàu Adrian Darya, từng được biết đến với tên gọi Grace 1, đã được thả ngày 15/8 vừa qua sau 5 tuần bị tạm giữ ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar vì tình nghi chở dầu Iran cho Syria, vi phạm các biện pháp trừng phạt của châu Âu. Mỹ cho rằng tàu chở dầu này do Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran kiểm soát và yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực không hỗ trợ tàu. Ngày 16/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã phát lệnh bắt tàu chở dầu của Iran và có ý định tịch thu toàn bộ số dầu trên tàu trị giá 995.000 USD, với lý do vi phạm Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA). Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng cảnh báo rằng Mỹ sẽ trừng phạt bất kỳ đối tượng nào giúp đỡ, hoặc cho phép tàu của Iran cập bến.
Hình minh họa quốc kỳ các nước thành viên nhóm G-7.
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Pháp: Ngày 24/8, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) khai mạc tại thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng Biarritz của Pháp.
Theo truyền thông nước chủ nhà, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 45 của Nhóm G-7 diễn ra tại thành phố Biarritz (Tây Nam nước Pháp) từ ngày 24-26/8, với sự tham gia đầy đủ của các nhà lãnh đạo các nước thành viên và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Đây là lần thứ 7 Pháp đăng cai hội nghị.
Tổng thống chủ nhà Emmanuel Macron cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ tham dự hội nghị.
Trong khi đó, khách mời danh dự của Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Pháp có Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Chile Sebastian Pinera, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi thế giới đang phải trải qua những chuyển biến sâu sắc, khó lường, bản thân trong nội bộ các nước G7 cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, giữa các thành viên G7 với nhau chưa hết chia rẽ.
Phụ nữ Hồi giáo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Saudi Arabia bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với phụ nữ: Saudi Arabia đã bắt đầu cho phép phụ nữ trưởng thành được tự do đi lại mà không cần phải xin phép, đồng thời có nhiều quyền hơn trong các vấn đề gia đình sau một loạt sắc lệnh Hoàng gia cho phép các thay đổi này.
Giới chức Saudi Arabia đã từng bước gỡ bỏ các hạn chế đối với phụ nữ trong những năm qua, bao gồm chấm dứt quy định cấm phụ nữ lái xe từ năm 2018.
Một loạt sắc lệnh Hoàng gia cũng đã được ban hành hồi đầu tháng này nhằm xóa bỏ các hạn chế đối với phụ nữ, trong đó bao gồm quy định hộ chiếu cho công dân Saudi Arabia sẽ được cấp cho bất kỳ công dân nào có đơn đề nghị và bất kỳ người nào trên 21 tuổi đều không cần có sự cho phép mới được đi lại.
Các thay đổi trên cũng lần đầu tiên trao cho phụ nữ quyền đăng ký sinh con, kết hôn hoặc ly hôn, có quyền làm người giám hộ cho con khi chưa đủ tuổi thành niên.