Ảnh minh họa: Thomas Koehler/Photothek via Getty Images
Mặt dù vẫn còn những tranh cãi về cách xác định thế hệ Z, tuy nhiên, có một điểm chung mang tính chất tiên quyết, đó là những thành viên của thế hệ này chưa bao giờ trải qua thời kỳ không có internet.
Ở Việt Nam, có hơn 14 triệu người (khoảng 1/7 dân số cả nước) thuộc thế hệ Z. Họ đang bắt đầu gia nhập vào lực lượng lao động và tìm cách tồn tại trong một xã hội mà lằn ranh giữa thế giới thực và thế giới ảo đang dần bị xóa nhòa.
Một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab ở thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra một số điều bất ngờ về thế hệ Z của Việt Nam, những người ngày càng gắn chặt cuộc đời mình vào thế giới ảo.
Thế hệ Z Việt Nam yêu thích các hoạt động trực tuyến như sử dụng mạng xã hội, xem phim, nghe nhạc và trò chuyện với bạn bè qua ứng dụng nhắn tin tức thời. Nhóm đối tượng này sử dụng trung bình 2,77 mạng xã hội mỗi tuần. Chỉ 30% số người được khảo sát cho biết họ cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp trực tiếp với bạn bè, trong khi 50% thích giao tiếp thông qua tin nhắn văn bản hoặc các ứng dụng trò chuyện.
Sự phát triển nhanh chóng của loại hình ngôn ngữ dựa trên thị giác cũng gây nên nhiều bất ngờ, khi 47% số người được khảo sát nói rằng họ thích thể hiện cảm xúc của mình thông qua các nhãn dán hay biểu tượng cảm xúc trên các ứng dụng hoặc nền tảng.
Khoảng một nửa số người được khảo sát đồng ý với quan điểm rằng số lượt thích một bài đăng chứng tỏ sự nổi tiếng và khiến họ cảm thấy được chú ý.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng đã phủ định một số giả thuyết về Thế hệ Z và ông Aske Ostergard - nhà sáng lập của Decision Lab - thừa nhận ông không mong đợi một số kết quả. “Tôi thực sự ngạc nhiên bởi sự hoài nghi của thế hệ này”, ông Ostergard nói.
Nguyên nhân là vì trong khi thế hệ Z nhận được phần lớn thông tin từ internet thì họ dường như không có nhiều niềm tin vào những gì họ đang nghe thấy, nhìn thấy trong những bài đăng ở đó.
Xét về nguồn thông tin mà thế hệ Z ở Việt Nam cho là đáng tin cậy, bố mẹ và lời khuyên của các chuyên gia đứng đầu danh sách (với 72%), trong khi các bài đánh giá trực tuyến (online reviews) chỉ đứng ở top cuối, với 13%.
Bình luận về điều này, ông Ostergard cho biết: “Một trong những lý do khiến online review dường như không tạo nên hiệu quả là vì họ thường tin rằng các bài đánh giá này là do các nhãn hàng tạo ra”.
Điều này đặt ra một thách thức cho các nhà tiếp thị. Sumesh Peringeth - CEO hãng quảng cáo Dinosaur tại TP HCM, người đã tham gia nhiều chiến dịch quảng cáo nhằm vào người tiêu dùng thế hệ Z, cho rằng các nhà tiếp thị nên từ bỏ phương pháp tiếp cận truyền thống và tìm hiểu sâu về nhóm đối tượng mà các nhãn hàng đang hướng tới. Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo hấp dẫn sẽ luôn luôn tạo được sức hút, bất kể nó được xem trên nền tảng nào.