Theo Hãng tin Reuters, sau gần 3 năm từ khi được ghép tế bào gốc tủy kháng HIV và hơn 18 tháng ngưng điều trị thuốc kháng virút, ngay cả những xét nghiệm nhạy nhất cũng không tìm ra virút trong cơ thể bệnh nhân này.
Ravindra Gupta, bác sĩ của bệnh nhân này, vui mừng thông báo: "Chúng tôi không thể đo được virút. Hoàn toàn không phát hiện có virút nữa".
Đây là bằng chứng cho thấy một ngày nào đó khoa học có thể chấm dứt bệnh AIDS nhưng điều này không có nghĩa là các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp điều trị HIV.
Bác sĩ Gupta mô tả bệnh nhân đã "được chữa khỏi về cơ năng" và "đã thuyên giảm", nhưng vẫn thận trọng: "Còn quá sớm để khẳng định người này đã khỏi bệnh (có thể virút vẫn còn đâu đó nhưng không được phát hiện)".
Danh tính, quốc tịch của bệnh nhân này không được tiết lộ mà được gọi là "bệnh nhân London" vì trường hợp của anh tương tự trường hợp đầu tiên, một nhân người Mỹ là Timothy Brown, được chữa khỏi HIV về cơ năng và được gọi là "bệnh nhân Berlin" do anh này cũng được điều trị bằng phương pháp tương tự ở Đức năm 2007 và không còn HIV.
Bệnh nhân Brown từng sống ở Berlin nhưng đã trở về Mỹ và theo các bác sĩ, cho đến nay vẫn không phát hiện lại virút HIV.
Hiện trên toàn cầu có 37 triệu người có HIV. Bệnh AIDS đã làm chết khoảng 35 triệu người kể từ khi được phát hiện lần đầu vào những năm 1980. Các nghiên cứu về loại virút phức tạp này trong những năm gần đây đã giúp ra đời các loại thuốc có thể khống chế được virút ở đa số bệnh nhân.
Bác sĩ Gupta hiện làm việc tại ĐH Cambridge, Anh. Ông điều trị cho bệnh nhân London khi còn làm việc ở ĐH London. Người này nhiễm HIV năm 2003 và năm 2012 bị phát hiện mắc một loại ung thư máu có tên là ung thư hạch Hodgkin.
Năm 2016, tình trạng bệnh nhân rất yếu do ung thư. Các bác sĩ đã quyết định tìm nguồn tạng phù hợp vì đây là cơ hội sống cuối cùng của người này. Người hiến tạng - một người lạ - có gen đột biến gọi là "CCR5 delta 32", có khả năng kháng HIV.
Theo bác sĩ Gupta, "việc ghép tủy diễn ra tương đối suôn sẻ, nhưng có một số tác dụng phụ như bệnh nhân trải qua một thời gian khó khăn để thích nghi với tạng ghép - tình trạng các tế bào miễn dịch của người hiến tặng tấn công các tế bào miễn dịch của người nhận".
Đa số chuyên gia cho rằng phương pháp điều trị này có thể áp dụng cho tất cả bệnh nhân tuy nhiên tốn kém, phức tạp và rủi ro. Để thực hiện với các bệnh nhân khác, việc khó nhất là tìm được người hiến tạng phù hợp, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số những người hiến tạng, hầu hết là người gốc Bắc Âu - mang gen đột biến CCR5 có khả năng kháng virút.
Các nhà khoa học cũng cho biết hiện chưa rõ liệu gen đột biến CCR5 có phải là chìa khóa duy nhất - hay quá trình thích ứng của mảnh ghép với với bệnh nhân cũng quan trọng không kém vì cả bệnh nhân Berlin và London đều bị tình trạng này - có thể nó có vai trò làm mất các tế bào nhiễm HIV, bác sĩ Gupta trả lời phỏng vấn Reuters.
Báo cáo khoa học về trường hợp của bệnh nhân London sẽ được đăng trên tạp chí khoa học Nature và trình bày tại Hội thảo Y tế ở Seattle, Mỹ vào ngày 5-3.