Không chỉ thịt lợn mà ngay cả phụ phẩm như nội tạng, óc, gan, lưỡi,.. đều chứa nhiều protein, vitamin và khoáng chất nên đều có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi mua cần biết phân biệt đâu là thịt lợn sạch, đâu là thịt lợn bị nhiễm bẩn.
Thịt lợn không nên nấu đi nấu lại nhiều lần vì sẽ thất thoát nhiều dưỡng chất. Ảnh minh họa
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, thịt lợn sạch là lợn không được nuôi bằng cám tăng trọng, không tồn dư thuốc và các hóa chất do thức ăn, không có ký sinh trùng và vi trùng, không chất bảo quản. Thịt lợn sạch thường có lớp bì và mỡ dày.
Còn thịt lợn không an toàn, ngoài nguy cơ nhiễm giun sán còn có thể nhiễm chất tăng trọng, chất tạo nạc hay ngâm chất bảo quản.
Biện pháp đơn giản để phát hiện thịt lợn bị nhiễm sán là cắt thịt theo thớ dọc và quan sát. Nếu miếng thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim, hoặc thớ thịt có hình sợi hay hình bầu dục to là bị nhiễm giun sán.
Hoặc khi sờ miếng thịt, miếng thịt lợn cứng, không có sự đàn hồi, không mềm mại... rất có thể đã bị ướp ure hoặc chứa hàn the. Nếu có dấu hiệu trên, các bà nội trợ tuyệt đối không mua và sử dụng loại thịt này.
Để phát huy được hết công dụng của thịt lợn, khi chế biến cần tránh kết hợp với một số thực phẩm sau đây:
Không nấu cùng thịt trâu, thịt bò
Theo Đông y thì thịt lợn có tính hàn, thịt bò có tính ôn nên chúng tương khắc với nhau, khi chế biến chung sẽ làm giảm thế mạnh của nhau làm cho giá trị dinh dưỡng của hai loại thịt đều bị giảm đi đáng kể.
Ngoài ra thịt lợn cũng được khuyên không nấu chung với thịt trâu vì lâu dài dễ gây chứng sán dây, sán sơ mít. Do đó để đảm bảo hương vị của hai thực phẩm này, bạn nên nấu riêng từng loại để dễ chế biến và đảm bảo dinh dưỡng cũng như mùi vị hơn.
Không nấu gừng với thịt lợn
Gừng là nguyên liệu quen thuộc thường được các bà nội trợ sử dụng khi chế biến để ướp và khử mùi tanh của thịt sống. Tuy nhiên gừng sống thuộc hỏa còn thịt lợn thuộc thủy, khi kết hợp với nhau sẽ gây ra chứng phong thấp, nổi các nốt đen trên mặt cho người ăn.
Không nấu cùng gan dê
Xưa nay có câu “Thịt heo mà có gan dê. Não tâm hư khí khó bề hấp thu”. Nhìn chung, các loại gan nói chung đều cấm kỵ sử dụng chung với thịt heo đặc biệt là gan dê. Lý do, gan dê có mùi gây, hơi hôi, khi xào cùng thịt heo sẽ khiến cho mùi vị món ăn càng trở nên khó chịu. Chưa kể, theo Đông y nếu ăn gan dê chung với thịt heo sẽ dẫn đến tình trạng khí trệ, gây đầy bụng, khó chịu và đau.
Không nấu cùng đỗ tương
Theo quan niệm của các nhà dinh dưỡng hiện đại cho rằng, thịt lợn và đậu tương không nên cùng kết hợp khi chế biến món ăn. Bởi đậu tương là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng với 60 - 80% là phốt pho, nguyên tố này rất thích hợp khi kết hợp với protein (trong trứng) tuy nhiên nếu kết hợp đậu tương với các thực phẩm như thịt lợn, thịt cá thì hàm lượng phốt pho trong đậu tương có khả năng làm giảm giá trị dinh dưỡng của thịt lợn, đặc biệt là khi thịt càng nạc.
Không nấu cùng chim cút, chim bồ câu
Thịt lợn cũng không nên ăn chung với thịt chim (chim cút, chim bồ câu) bởi khi kết hợp với chim cút sẽ hình thành các hắc tố gây đen da mặt. Còn thịt lợn dùng chung với thịt chim bồ câu dễ gây ra tình trạng khí huyết khó lưu thông, có hại cho sức khỏe.