Thời tiết bất thuận, người trồng mai Hà Tĩnh lo “mất tết”

(Baohatinh.vn) - Gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng nhiều người trồng mai tại xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) như “ngồi trên lửa” bởi thời tiết diễn biến bất thường, có thể khiến mai nở sớm.

Video: Thời tiết bất lợi, mai vàng Kỳ Nam ra hoa sớm.

Nhiều vườn mai đã bung hoa lác đác.

Kỳ Nam là địa phương trồng mai chưng tết nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh. Những năm trước, dịp này các vườn mai lá vẫn đang um tùm, hoa nở đúng dịp tết. Tuy nhiên, khoảng hơn 2 tuần trở lại đây, mai Kỳ Nam bắt đầu có hiện tượng rụng lá, một số gốc đã nở hoa, trên nhiều cây cũng đang kết nụ già trong khi còn gần hai tháng nữa mới tới kỳ xuất bán.

Theo chia sẻ của người dân, thông thường đến khoảng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 âm lịch sẽ bắt đầu tỉa lá để hoa nở đúng dịp tết, nhưng do thời gian qua có mưa lớn, khi trời nắng thì nền nhiệt cao kéo dài trong nhiều ngày, nên cây mai trong vườn bắt đầu có dấu hiệu rụng lá, nụ hoa phát triển và nhanh chóng ra hoa.

Chị Mai Thị Trúc kiểm tra các cây mai có hiện tượng nở sớm.

Chị Mai Thị Trúc ở thôn Tân Tiến (xã Kỳ Nam) có thâm niên hơn 15 năm trồng cây mai cảnh nhưng cũng không lường trước được diễn biến thời tiết của năm nay để tiến hành chăm sóc.

Chị Trúc cho hay: “Gia đình tôi có khoảng 300 gốc mai có thể xuất bán trong năm nay, nhưng 50% số cây đã kết nụ già chỉ tầm hơn tháng nữa có thể nở bung. Diễn biến thời tiết bất thường khiến người trồng mai như chúng tôi rất khó chăm sóc để ra đúng vụ tết. Mặc dù thời tiết mấy ngày nay đã chuyển lạnh nhưng cũng khó có thể cứu vãn vì thời gian đến tết còn dài”.

Vườn mai của anh Nguyễn Viết Xuân đã có gần 1/3 số cây nở hoa.

Hầu hết các cây mai vàng tại các hộ trồng đều có hiện tượng kết nụ già, dự kiến sẽ nở không đúng dịp tết.

Gia đình anh Nguyễn Viết Xuân ở thôn Tân Thành (xã Kỳ Nam) có khoảng 700 gốc mai phục vụ dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng gần 1/3 trong số đó đã nở hoa, có nụ già.

Anh Xuân cho hay: “Thường thì hoa nở sớm sẽ rơi vào các năm nhuần nhưng năm nay nắng nóng kéo dài quá lâu nên các cây đều tự rụng lá, bung nụ sớm. Gia đình tôi cũng đã cố gắng dùng thuốc hãm bung nụ, không tỉa lá sớm, hy vọng cứu vãn số mai còn lại để bán trong dịp tết”.

Chính quyền xã Kỳ Nam cử cán bộ chuyên trách bám sát tình hình để hỗ trợ bà con trồng mai. Trong ảnh: Lãnh đạo xã Kỳ Nam kiểm tra các vườn mai tại thôn Tân Tiến.

Hiện nay, xã Kỳ Nam có hơn 80% hộ dân tham gia trồng mai tết, trong số đó có 85 hộ trồng từ 100 gốc mai trở lên. Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023, làng mai vàng Kỳ Nam đã chuẩn bị gần 5.000 gốc mai.

Tuy nhiên, hiện tại đã có gần 10% cây mai nở hoa với tỷ lệ hoa nở từ 30 - 80%; có nhiều cây nở toàn bộ. Dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa thì khoảng 50% số mai xã Kỳ Nam sẽ bung nở sớm hơn dự kiến. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ngày qua, các nhà vườn đã tăng cường cắt bỏ những hoa nở sớm, tỉa cành, đắp gốc và hy vọng những cây mai này có thể hãm ra nụ, nở vào đúng dịp tết.

Các vườn mai đã bắt đầu rụng lá, kéo theo đó, các búp mai nở sớm hơn dự kiến.

Ông Bùi Văn Chuổng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Năm nay, diễn biến thời tiết thất thường làm cho nhiều diện tích mai nở sớm, kết nụ già, khiến nhiều người hộ trồng mai cảnh không khỏi lo lắng. Xã đã cử hội nông dân bám sát tình hình, hỗ trợ cho các nhà vườn kỹ thuật chăm sóc để duy trì lượng hoa cung ứng cho thị trường tết năm nay…”.

Thời tiết cuối năm diễn biến khá bất thường nên chúng tôi khuyến cáo bà con phải đặc biệt chú ý bám sát diễn biến thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp.

Khi muốn hãm hoa mai nở sớm cần dùng dao khoanh một hay nhiều vòng xung quanh cành, thân mai để hạn chế vận chuyển dinh dưỡng nuôi cây, ức chế quá trình sinh trưởng; làm giàn che, phun nước lạnh toàn bộ tán cây, duy trì nhiệt độ khoảng 20 độ C; sử dụnng các loại thuốc như DAP, Cytokinine… để ngăn chặn phát triển của nụ hoa; thường xuyên tưới ẩm gốc, tránh bứt lá sớm để ngăn hiện tượng kết nụ.

Bà Lê Thị Hường - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thị xã Kỳ Anh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói