Thời tiết năm 2024: Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm

Tổng kết diễn biến thời tiết năm 2023 có thể thấy rất nhiều điểm dị thường như không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền nước ta, ghi nhận giá trị nắng nóng kỷ lục trong lịch sử, miền Trung mưa lũ bất thường...

Những dị thường của thời tiết năm 2023

Theo các thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2023 đánh dấu nhiều kỷ lục trong ngành khí tượng, thời tiết diễn biến có nhiều dị thường.

Những ngày đầu tháng 5, các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ trải qua một đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt. Ngày 6/5, tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) ghi nhận nhiệt độ 44,1 độ, mức nhiệt cao nhất trong lịch sử tính đến thời điểm đó, vượt qua mức 43,3 độ tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ghi nhận ngày 20/4/2019. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, trưa 7/5, nhiệt độ ghi nhận tại Tương Dương, Nghệ An là 44,2 độ C. Mức này đã xô đổ kỷ lục vừa được thiết lập tại Hồi Xuân, mức nhiệt cao nhất trong lịch sử ngành khí tượng.

Năm 2023 ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử quan trắc là 44,2 độ C ở Tương Dương, Nghệ An.

Miền Bắc cũng trải qua những ngày đầu đông năm nay “nóng chưa từng thấy”. Tại đồng bằng Bắc Bộ, đầu tháng 10, một đợt nắng nóng cục bộ đã xảy ra, điều cực kỳ hiếm gặp trong những năm trước. Nhiệt độ đo tại Láng (Hà Nội) ngày 5/10 lên tới 36,4 độ, trở thành ngày nóng nhất tại Hà Nội trong tháng 10, vượt qua kỷ lục thiết lập vào 20 năm trước. Riêng tại Sông Mã (Sơn La) ngày 5/10, nhiệt độ cao nhất lên tới 37,1 độ, vượt qua kỷ lục thiết lập trước đó 57 năm.

Thời tiết năm 2024: Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm

Một điều bất thường khác là năm nay không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền nước ta. Ngày 8/5, cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ xác nhận El Nino chính thức bắt đầu, khi nhiệt độ nước biển đo được cao hơn so với trung bình khí hậu 0,5 độ, ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino. Những nghiên cứu cho thấy, số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông những năm El Nino ít hơn hẳn trung bình nhiều năm. Điều này được minh chứng rõ nét trong năm nay khi không một cơn bão nào đổ bộ nước ta.

Từ đầu mùa bão đến nay, Biển Đông ghi nhận 5 cơn bão hoạt động và hai áp thấp nhiệt đới, gần nhất là áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Jelawat nhưng tan ngay khi tới khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Con số này ít hơn hẳn so với trung bình nhiều năm (khoảng 10-12 cơn bão/áp thấp nhiệt đới). Trong số này, ngoài áp thấp nhiệt đới ngày 25/9 đổ bộ vào Huế và Quảng Trị, 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới còn lại tan ngay trên biển hoặc tan khi đến đảo Hải Nam (Trung Quốc). Riêng bão số 1 đi dọc biên giới Việt - Trung và tan thành vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Lạng Sơn.

Mưa lớn tại miền Trung cũng đạt giá trị lịch sử. Ngày 14/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 do mưa lớn ở hai tỉnh/thành phố là Đà Nẵng và Huế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng Việt Nam phát đi rủi ro thiên tai cấp 4, cũng là mức nguy hiểm nhất do loại hình thiên tai này gây ra. Tổng lượng mưa ghi nhận trong tháng 10 tại Đà Nẵng là 1.826mm, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào mùa mưa bão lịch sử 2020. Riêng ngày 13/10, mưa ở Đà Nẵng lên tới 409mm, là lượng mưa ngày cao nhất lịch sử. Ngập úng diện rộng đã xảy ra ở khắp thành phố ven biển này, có nơi ngập gần 2m.

Sau đó, khoảng giữa tháng 11, thêm một đợt mưa rất lớn tiếp tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung, tập trung từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, trọng tâm là Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Trong đợt mưa lớn này, Thừa Thiên Huế là tỉnh gánh chịu hậu quả nặng nề nhất với tổng lượng mưa ở nhiều nơi lên tới trên 1.000mm.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mùa đông năm 2023-2024, không khí lạnh được nhận định hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm; số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm; và các đợt rét đậm, rét hại sẽ tập trung trong thời kỳ tháng 1 và 2/2024.

Các đợt không khí lạnh nói chung là yếu, tuy nhiên vẫn không ngoại trừ khả năng có những đợt không khí lạnh mạnh gây ra hiện tượng cực đoan như sương muối, băng giá và có thể xảy ra mưa tuyết.

Điển hình năm 2016 cũng là mùa đông ấm và cũng là năm xảy ra hiện tượng El Nino, tuy nhiên đã xảy ra một đợt không khí lạnh rất mạnh gây ra băng giá và mưa tuyết và nhiệt độ thấp nhất giảm mạnh, vùng núi xuống dưới 0 độ, một số nơi nhiệt độ thấp dưới mức lịch sử đã từng quan trắc được.

Năm 2024 nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, El Nino là thuật ngữ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trên cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường, nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.

Trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Do tác động của El Nino, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới. Hoạt động của không khí lạnh có thể yếu hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, đặc biệt trong tháng 1-2/2024, gây rét đậm, rét hại diện rộng và băng giá, sương muối ở vùng núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Ngoài ra, số ngày mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 được nhận định có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Nhận định xa hơn, nắng nóng năm 2024 có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Nam bộ, khu vực Tây Bắc Bắc bộ và Trung Bộ.

Đồng thời, từ nay đến tháng 2/2024, thời tiết khu vực Trung Bộ sẽ còn nhiều ngày mưa rào và giông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to đến rất to. Cụ thể, về tổng lượng mưa, ở khu vực Bắc Bộ, tháng 12, cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Tháng 1-2/2024, lượng mưa 20-40mm (ở mức cao hơn từ 5-15mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ). Đặc biệt, ở Trung Bộ, tháng 12, cao hơn 15-40% so với trung bình nhiều năm. Tháng 1/2024, lượng mưa từ 20-60mm, riêng phía Nam Nghệ An-Quảng Nam từ 60-150mm (cao hơn từ 5-20mm so với trung bình nhiều năm, tại Ninh Thuận, Bình Thuận thấp hơn 5-15mm).

Sang tháng 2, khu vực này lượng mưa giảm nhẹ, còn từ 15-30mm, riêng phía Nam Nghệ An- Quảng Nam từ 30-60mm, (cao hơn 5-10mm so với trung bình nhiều năm); tại Quảng Ngãi đến Bình Thuận, lượng mưa 15-50mm (thấp hơn từ 5-10mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).

Nắng nóng khả năng xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 2 năm sau. Từ tháng 12/2023 - 2/2024, nhiệt độ trung bình, trên phạm vi toàn quốc cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm. Khả năng xảy ra nắng nóng đến đặc biệt gay gắt tại Bắc và Trung Bộ.

Nhận định xu thế khí tượng xa hơn, từ tháng 3-5/2024, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng từ 60-85% và cường độ giảm dần. Đây cũng là thời kỳ, bão, áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông. Đồng thời, trong tháng 3/2024, số ngày rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm và các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài.

Về diễn biến mùa hè năm tới, Trung tâm cảnh báo nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và một số nơi thuộc Tây Nguyên từ khoảng tháng 3, sau đó có xu hướng mở rộng hơn từ tháng 4. Khu vực phía Đông Bắc Bộ, nắng nóng xuất hiện muộn hơn và tập trung trong tháng 5-6. Số ngày nắng nóng năm 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ.

Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo các tháng đầu năm tới sẽ ít mưa, do vậy nhiều khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô năm 2024. Việc này sẽ tác động lớn đến các hoạt động sản xuất và đời sống của người dân nơi đây.

Chuyên gia khẳng định, biến đổi khí hậu làm thời tiết ngày càng dị thường, các kỷ lục nhiệt độ có thể sẽ tiếp tục được thiết lập, do vậy cần có các kịch bản sớm ứng phó và phòng ngừa rủi ro thiên tai mang lại.

Theo SKĐS

Chủ đề Dự báo thời tiết Hà Tĩnh

Chủ đề Thời tiết - Khí hậu

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.