Học trò trêu chọc bạn nhiều lần, cô giáo nhắc nhở không nghe, vẫn cứ tiếp tục, bực mình, cô giáo lấy phách nhạc (bằng gỗ nhẹ) gõ vào tay. Thế là đám “anh hùng bàn phím”, “hiệp sĩ phây búc”, “công chức phòng lạnh” ầm ĩ cả lên.
Theo thống kê, có đến gần 50 trang báo mạng, trang tin điện tử các loại và cư dân mạng, phụ huynh học sinh dồn dập... “phẫn nộ”, làm như quả đất sắp nổ tung đến nơi, nếu không “trị đến nơi, đến chốn”.
Thế là cô giáo bị đình chỉ giảng dạy, hạ loại thi đua… và đứng trước nguy cơ bị đuổi việc. Đó là những ví dụ gần đây, trong hàng trăm việc tương tự đã xẩy ra.
Ở một góc khác, clip học trò “bạo hành” nhau như phim hành động, rồi “yêu” nhau trước tuổi được đăng đầy rẫy trên mạng. Những “thể loại” này vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, tuy nhiên, không đến nỗi “vây ráp, dồn ép” khiến “bị hại” phải lo lắng, sợ hãi như những người làm nghề gõ đầu trẻ.
Theo thời đại, theo sự phát triển của sự văn minh, thì đương nhiên những hành động tát tai học trò, hay lấy phách nhạc gõ vào tay con trẻ là thiếu “chuẩn mực”. Đáng buồn, “chuẩn mực” của những nhà sư phạm luôn được theo dõi “sát sao” của mạng xã hội, của dư luận viên, còn những hành động, hành vi mà “khi măng không uốn, thì tre sẽ trổ vồng” thì lại ít được để ý, ít được uốn nắn…
Ở một góc nhìn nào đó, nghề giáo ít còn tôn sư và đang mất dần trọng đạo. Bệnh thành tích nặng, lương thấp, quyền của phụ huynh và học sinh quá nhiều, dẫn tới nhiều người cho rằng, nghề giáo bây giờ cũng được xếp vào… nghề nguy hiểm! Và lời dạy của cổ nhân: “Thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi” dường như đang ngày một rời xa với những những người đứng trên bục giảng…