Thực hư chuyện chủ tịch UBND xã dùng bằng giả ở Hà Tĩnh?

(Baohatinh.vn) - Vừa qua, Báo Hà Tĩnh nhận được đơn của công dân xã Phú Lộc (Can Lộc) tố cáo Chủ tịch UBND xã này chưa có bằng THPT. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, thông tin của công dân chỉ là... phỏng đoán, không có căn cứ.

Đơn của công dân có đoạn: “Xã Phú Lộc chúng tôi đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng ông Nguyễn Xuân Chương – Chủ tịch UBND xã chưa có bằng THPT, đang sử dụng bằng giả mà các cấp bổ nhiệm làm chức vụ Chủ tịch UBND xã”. Công dân cũng phản ánh: “Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn nhưng bị dẹp hết”.

Thực hư chuyện chủ tịch UBND xã dùng bằng giả ở Hà Tĩnh?

Thông tin về việc Chủ tịch UBND xã Phú Lộc sử dụng bằng THPT giả bắt đầu rộ lên từ giữa năm 2018

Qua điều tra, xác minh cho thấy, việc nghi vấn Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Xuân Chương sử dụng bằng THPT giả bắt đầu rộ lên từ giữa năm 2018. Thời điểm đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc sắp xếp, phân công cán bộ xã nên ông Nguyễn Xuân Chương, bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND xã được cân nhắc để bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND xã.

“Trước thông tin đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao trách nhiệm cho Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp UBKT Huyện ủy chủ động xác minh sự việc, chứ không có đơn thư của công dân. Quá trình xác minh khẳng định, ông Nguyễn Xuân Chương sử dụng bằng THPT hợp pháp” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong cho hay.

Theo thông tin từ Huyện ủy Can Lộc, ngay từ thời điểm rộ lên thông tin trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập tổ xác minh, trong đó có 2 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Trần Quý (nay đã nghỉ hưu) và Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bùi Văn Sơn cùng tham gia.

“Cùng với xác minh hồ sơ, Ban Tổ chức Huyện ủy còn ban hành công văn đề nghị Sở GD&ĐT thẩm định bằng THPT của ông Nguyễn Xuân Chương” – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bùi Văn Sơn khẳng định.

Thực hư chuyện chủ tịch UBND xã dùng bằng giả ở Hà Tĩnh?

Trụ sở làm việc xã Phú Lộc

Tài liệu của Sở GD&ĐT cũng như Huyện ủy Can Lộc hiện còn lưu giữ Công văn số: 165/TTrGD, ngày 20/7/2018 của Thanh tra Sở GD&ĐT trả lời văn bản đề nghị của Huyện ủy Can Lộc. Công văn ghi rõ: “Thanh tra Sở GD&ĐT đã nghiên cứu hồ sơ, xác minh, kiểm tra đối chiếu, kết quả: Anh Nguyễn Xuân Chương, sinh ngày 10/9/1969, học sinh Trường PTTH Can Lộc, đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT khóa ngày 29/5/1987 tại Hội đồng thi PTTH Can Lộc, có tên trong danh sách được công nhận tốt nghiệp THPT lưu tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh”.

Trao đổi về nghi vấn trên, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Xuân Chương cho rằng, chắc là có hiểu nhầm trong thời điểm ông nhận bằng tốt nghiệp THPT. Ông cho hay: “Bản thân học Trường PTTH Can Lộc niên khóa 1984 – 1987, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đã không đến trường nhận lại bằng. Sau này, khi tham gia làm cán bộ xã, tôi mới đi lấy bằng vào năm 2003. Thời điểm đó, tôi cũng mất khá nhiều thời gian, do hồ sơ quá lâu năm. Năm 2004, tôi bắt đầu làm hợp đồng giao thông thủy lợi cho xã, rồi làm Chủ tịch UBMTQ xã, công chức địa chính, Phó Chủ tịch UBND xã. Tháng 8/2018, sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy xác minh hồ sơ, tôi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Phú Lộc”.

Thực hư chuyện chủ tịch UBND xã dùng bằng giả ở Hà Tĩnh?

Ông Nguyễn Xuân Chương (bên trái) trong một lần dâng hương tại miếu thờ 23 liệt sỹ TNXP ở xã Phú Lộc

Như vậy, tố cáo của công dân về việc Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Xuân Chương sử dụng bằng giả là không đúng; nội dung “chúng tôi đã viết đơn nhiều lần nhưng bị dẹp hết” là không có cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc Đặng Trần Phong trao đổi thêm: “Hàng năm, khi rà soát cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên nắm bắt thông tin từ nhiều chiều về bằng cấp, đào tạo. Trước ông Nguyễn Xuân Chương, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chủ động xác minh một số đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã về bằng cấp THPT, nhất là thời điểm chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ. Các kết quả xác minh đều khẳng định không có sai phạm như dư luận”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Nghị quyết Trung ương Đảng

Đọc thêm

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.