Chợ Rằm tháng Bảy ở Hà Tĩnh: Giá ổn định, sức mua yếu!

(Baohatinh.vn) - Rằm tháng Bảy năm nay ở Hà Tĩnh diễn ra trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng giảm kéo theo hoạt động mua bán cũng kém sôi động.

Chợ Rằm tháng Bảy ở Hà Tĩnh: Giá ổn định, sức mua yếu!

Hoạt động mua bán tại chợ TP Hà Tĩnh Rằm tháng Bảy năm nay không đông đúc như những năm trước.

Khoảng ngày 12 - 15/7 âm lịch những năm trước, chợ Hà Tĩnh thường nhộn nhịp, người mua bán chen chúc nhau để sắm đồ lễ, chuẩn bị cho ngày rằm. Năm nay, không khí chợ rằm kém sôi động do lượng người đến chợ giảm và người dân cũng chỉ mua nhanh rồi rời chợ.

Theo các tiểu thương, mấy ngày vừa qua, người dân vào chợ mua sắm đông hơn ngày thường, tuy nhiên, nếu so với rằm hay các dịp lễ những năm trước thì sức mua chỉ bằng 50 - 60%.

Chợ Rằm tháng Bảy ở Hà Tĩnh: Giá ổn định, sức mua yếu!

Hoa cúc, hoa huệ, lay ơn dịp rằm này có giá 6 - 7.000 đồng/bông, không khác so với ngày thường.

Bà Lê Thị Hòa – tiểu thương bán vàng mã tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Chiều 13 âm lịch thường là thời điểm chợ Rằm tháng Bảy đông nhất, người đi mua sắm chen nhau và phải chờ đợi để mua hàng nhưng năm nay, người mua lai rai chứ không đông đúc như trước. Dịch bệnh khiến xe cộ vận chuyển hàng đi lại khó khăn, hàng hóa một số tỉnh khó nhập về nên số lượng hàng về chợ giảm hơn mọi năm. Tuy nhiên, người dân cũng giảm các lễ tế ở nhà thờ, làm lễ rằm gọn nhẹ nên nhu cầu tiêu thụ giảm, vì thế hàng hóa thoải mái để khách hàng chọn mua”.

Chợ Rằm tháng Bảy ở Hà Tĩnh: Giá ổn định, sức mua yếu!

Hoa quả nhiều loại, người mua thỏa sức lựa chọn.

Tại chợ Vườn Ươm (phường Bắc Hà), chợ cầu Đông (phường Thạch Linh), chợ Bình Hương (xã Thạch Trung), các mặt hàng như: hoa tươi, trái cây được bày bán với số lượng nhiều và đa dạng chủng loại nhưng người mua cũng chỉ rải rác.

Theo ghi nhận, giá cả các mặt hàng phục vụ chợ rằm không biến động so với ngày thường. Các mặt hàng phổ biến, người mua nhiều như: chôm chôm, nhãn, thanh long 30.000 đồng/kg; xoài, dưa lưới 35 - 45.000 đồng/kg; bưởi Phúc Trạch 30 - 40.000 đồng/quả; chuối 40 – 60.000 đồng/nải; cau trầu 5.000 đồng/đĩa; hoa cúc, lay ơn, hoa huệ 6 – 7.000 đồng/bông…

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng có giá ổn định, hàng thịt sức mua tăng hơn ngày thường. Theo đó, thịt bò từ 220 – 250.000 đồng/kg; thịt lợn 120 - 130.000 đồng/kg; gà sống 100 – 130.000 đồng/kg…

Chợ Rằm tháng Bảy ở Hà Tĩnh: Giá ổn định, sức mua yếu!

Thịt bò, thịt lợn, thịt gà có sức mua tăng so với ngày thường nhưng kém hẳn so với những dịp rằm, lễ trước.

Bà Trương Thị Hiền – tiểu thương bán thịt lợn khu vực chợ Vườn Ươm cho hay: “Từ năm ngoái tới nay, lượng hàng tôi nhập về để bán mỗi ngày đã giảm hơn 50% vì chợ ế, khách vắng. Đợt rằm này, khi biết các hoạt động lễ tế đông người giảm, dự báo sức mua cũng không khá khẩm gì hơn nên tôi không lấy thêm nhiều hàng”.

Các tiểu thương và người dân cho rằng, một phần chợ vắng khách do dịch bệnh, nhiều người lo ngại vào chợ tiếp xúc đông người nên mua đồ lễ tại các cửa hàng, tạp hóa. Phần nữa là hiện nay các dịch vụ đặt hàng online đang được ưa chuộng, chỉ cần gọi điện, nhắn tin là mâm cỗ, đồ cúng trọn gói được giao đến tận nhà.

Chợ Rằm tháng Bảy ở Hà Tĩnh: Giá ổn định, sức mua yếu!

Người dân mua sắm lễ rằm tại cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông.

Bà Võ Thị Phương – người mua hoa quả tại cửa hàng Tân Thanh Phong (đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Hà Tĩnh) cho hay: Hầu như Rằm tháng Bảy năm nào gia đình tôi làm cỗ cúng thịnh soạn, con cháu về đông đủ, quây quần vui vẻ. Lễ rằm năm nay do dịch bệnh, các con ở xa đều không về, chỉ có 2 vợ chồng nên tôi chỉ làm mâm cúng đơn giản để thể hiện lòng thành và tưởng nhớ tổ tiên. Ngay gần nhà có cửa hàng bán đủ loại hoa quả nên tôi thuận tiện để chọn. Gà trống thì đã đặt hàng trước đó, đến chiều ngày 14 người bán mang đến tận nhà.

“Rằm tháng Bảy là dịp mà ai ai cũng đều muốn chuẩn bị cỗ cúng thật tươm tất dâng lên bàn thờ gia tiên, muốn được con cháu sum vầy, gia đình đoàn tụ, nhà thờ họ nổi chiêng, nổi trống. Thế nhưng, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay thì ý thức phòng dịch của mỗi người là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh, để năm sau có lễ rằm lớn hơn” - bà Phương chia sẻ thêm.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast