Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, người dân làng nghề chổi đót ở Hà Tĩnh vất vả gom hàng

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, nước Lào là nơi cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho làng nghề làm chổi đót Hà Ân - xã Thạch Mỹ (Lộc Hà, Hà Tĩnh), tuy nhiên, năm nay lại khan hiếm nên giá tăng cao.

Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, người dân làng nghề chổi đót ở Hà Tĩnh vất vả gom hàng

Không đợi tiểu thương nhập kho, người dân làng nghề Hà Ân tranh thủ thu mua nguyên liệu khi xe chở bông đót khô cập bến.

Mỗi năm, các tiểu thương ở làng nghề Hà Ân thu mua khoảng trên 2.000 tấn nguyên liệu đót từ Lào. Tuy nhiên, năm nay, người dân Lào không “mặn mà” với nghề bóc đót nên dù sắp qua chính vụ, sản lượng thu mua của các tiểu thương chỉ đạt khoảng 1 nửa so với cùng kỳ.

Ông Lê Tiến Hoa (65 tuổi) - tiểu thương ở thôn Hà Ân cho biết: “Thời điểm này năm trước, chúng tôi đã thu mua được cả trăm tấn đót nhưng năm nay chỉ mới được 50 tấn. Lý do là phía đối tác ở Lào không thu gom được từ người dân địa phương nên dù đặt trước chúng tôi cũng không có đủ hàng”.

Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, người dân làng nghề chổi đót ở Hà Tĩnh vất vả gom hàng

Cân đót khô bán cho khách tại nhà ông Lê Tiến Hoa (thôn Hà Ân, Thạch Mỹ).

Ông Phan Văn Hùng (55 tuổi, thôn Hà Ân) cũng chỉ mới thu mua được 20 tấn nguyên liệu, chưa bằng 1 nửa so với năm ngoái.

Ông Hùng cho biết: “Cũng như những năm trước, chúng tôi đã sang làm việc với các chủ thu gom ở Lào để họ cung cấp nguồn hàng cho mình. Tuy nhiên, những lao động làm nghề bóc đót trước đây hầu hết đã chuyển đi làm việc khác nên không còn người thu hoạch dẫn đến việc thu mua rất khó khăn”.

Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, người dân làng nghề chổi đót ở Hà Tĩnh vất vả gom hàng

Bãi tập kết đót nguyên liệu của gia đình ông Phan Văn Hùng luôn trong tình trạng không còn nguồn hàng.

Cùng với ông Hoa và ông Hùng, hiện tại, thôn Hà Ân có khoảng 20 người làm nghề thu mua nguyên liệu bông đót khô từ Lào về phân phối ra thị trường. Trong đó, đến thời điểm này, dù không được như những năm trước nhưng một số người đã thu được sản lượng khá như: anh Lê Tiến Thương (trên 100 tấn), Phan Văn Sang (50 tấn), Phan Văn Hiền (30 tấn)...

Thiếu nguồn cung khiến giá bông đót khô tăng 4-5 giá so với năm ngoái. Cụ thể, năm 2022, bông đót khô có giá trung bình từ 24-26 triệu đồng/tấn thì năm nay là 28-31 triệu đồng/tấn. Nguyên liệu hiếm nên dù đắt, các hộ dân làm nghề chổi đót trong và ngoài tỉnh vẫn tranh thủ gom hàng để phục vụ cho việc sản xuất cả năm.

Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, người dân làng nghề chổi đót ở Hà Tĩnh vất vả gom hàng

Công nhân bốc dỡ hàng cho khách tại nhà kho của anh Lê Tiến Thương - tiểu thương thu mua được số lượng đót khá lớn trong đợt này.

Ông Phan Văn Phong (70 tuổi) - hộ dân làm nghề chổi đót tại thôn Hà Ân cho biết: “Trung bình mỗi năm, gia đình tôi tiêu thụ hết 2 tấn đót nguyên liệu, phục vụ cho công việc sản xuất chổi. Dù giá nguyên liệu năm nay tăng hơn năm ngoái 4-5 triệu đồng/tấn nhưng chúng tôi cũng phải nhanh tay thu mua. Bởi đây cũng là thời điểm sắp cuối mùa đót, nếu không tích trữ sẽ không có nguyên liệu sản xuất cho cả năm”.

Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, người dân làng nghề chổi đót ở Hà Tĩnh vất vả gom hàng

Giá nguyên liệu cao hơn 4-5 giá nhưng ông Phan Văn Phong vẫn nhanh tay thu mua.

Không chỉ khách hàng tại địa phương, nhiều người đến từ các tỉnh như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi... cũng đã ra tận các kho buôn đót ở Hà Tĩnh để tìm hàng.

Vượt gần 600 km từ tỉnh Quảng Ngãi ra thôn Hà Ân để mua đót, bà Nguyễn Thị Thiện (60 tuổi, ở thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết: “Hơn 10 năm nay, tôi chuyên đặt bông đót cho một số đầu mối ở thôn Hà Ân nhưng chưa khi nào hàng khan hiếm và chậm như năm nay. Hàng hiếm, giá cao hơn nhưng cũng là tình hình chung nên chúng tôi chấp nhận, miễn có hàng đạt chất lượng thì chúng tôi đồng ý lấy”.

Nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, người dân làng nghề chổi đót ở Hà Tĩnh vất vả gom hàng

Bà Nguyễn Thị Thiện - một khách hàng mua bông đót khô đến từ tỉnh Quảng Ngãi.

Qua khảo sát tình hình, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch năm ngoái, chúng tôi đã khuyến cáo bà con cần nhanh chóng thu mua tích trữ nguyên liệu đầy đủ, nhằm tránh tình trạng bị động trong việc sản xuất. Đồng thời, xã cũng vận động và đề nghị các tiểu thương cần có sự ưu tiên đối với người dân làng nghề trong việc phân phối nguyên liệu ra thị trường. Đến nay, hơn 124 hộ làm nghề tại thôn Hà Ân cơ bản đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, ước đạt khoảng 300 tấn, phục vụ cho việc sản xuất cả năm.

Ông Phan Văn Thân - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast