Tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt

(Baohatinh.vn) - Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, với nhiều chủ trương và giải pháp nhằm đổi mới giáo dục một cách “căn bản và toàn diện” như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu.

Tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt

Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở GD&ĐT nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sau khi nêu những thành tích đã đạt được ở tất cả các cấp học; nhận định rằng, giáo dục nước ta đã được đánh giá cao bởi cộng đồng quốc tế và đang trên đà tiến tới đạt mục tiêu đề ra 5 năm trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, bạo lực học đường, thiếu đồng bộ trong phát triển giữa các cấp học, các vùng; giữa đào tạo và sử dụng giáo viên, giữa số lượng và chất lượng đào tạo... Thế thì phải chăng, những đổi mới vừa qua vẫn chưa đạt được mục tiêu “căn bản và toàn diện” như Nghị quyết số 29 đã nêu.

Vấn đề đặt ra là hãy vận dụng điều Bác Hồ đã dạy vào thời kỳ đổi mới giáo dục hiện nay xem còn phù hợp, còn có tính cốt lõi nữa không.

Tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Công đoàn Giáo dục Hà Tĩnh tổ chức ngày 9/11 (Ảnh: Thúy Ngọc)

Dạy tốt. Trước hết là ai dạydạy ai. Người đi dạy đào tạo ra sản phẩm đặc biệt, những lớp người mới từ đứa trẻ lớn lên theo một lộ trình để trở thành những công dân làm chủ đất nước đáp ứng được yêu cầu của xã hội, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Khi bước vào đời, qua sự giáo dục của nhà trường, lực lượng lao động trẻ là những người có đủ tiêu chí, có đủ điều kiện làm chủ bản thân, đủ sức cạnh tranh tìm kiếm việc làm. Điều này đòi hỏi người dạy phải có kiến thức và phương pháp phù hợp, hệ thống giáo dục phải có một chương trình mở, sẵn sàng cập nhật những thông tin mới nhất, chứ không chỉ rập khuôn bởi một hệ thống giáo trình cố định; sẵn sàng đón nhận những yêu cầu cho sự phát triển của cách mạng công nghệ cũng như thị trường lao động đang chuyển biến từng ngày, từng giờ. Thế thì nội dung dạy cái gì cần được xuyên suốt từ bậc mẫu giáo đến tiểu học, trung học rồi đến đại học và cả cho toàn dân.

Mục tiêu chính của quá trình đào tạo là “nền giáo dục cần trang bị cho người học một lượng kiến thức càng nhiều càng tốt để họ có thể có một nền tảng vững chắc”, có đủ tự tin và năng lực để hòa nhập và khởi nghiệp. Việc truyền đạt kiến thức phải làm sao có chỗ cho người học đủ năng lực tiếp thu sáng tạo, kỹ năng giải quyết những vấn đề mới, khả năng tiếp cận thông tin và giao tiếp... tất cả đều quan trọng trên cơ sở tiếp thu những kiến thức về tự nhiên và xã hội trong giáo trình.

Như vậy, cái học sinh thực sự cần đạt được là những kỹ năng sống và kiến thức cơ bản được vận dụng vào thực tiễn cập nhật với sự phát triển của xã hội, của cách mạng công nghệ 4.0 trước những biến động của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Muốn vậy, cách dạy như thế nào là vấn đề có tính thời sự trong giáo dục. Hiện nay, thông tin bùng nổ và cập nhật ở trong nước cũng như trên thế giới đang cần được tích hợp vào hệ thống giáo dục. Cần dạy thế nào để mang đến được những thông tin đó và để người học tự giác nhận biết, tiếp thu có chọn lọc khi sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại di động, laptop… một cách chủ động.

Tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt

Truyền ngọn lửa say mê, tâm huyết đến đội ngũ giáo viên; thương yêu, chăm lo cho học sinh vùng thượng như chính con em mình, đó là cách để thầy Trần Hảo - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) làm nên "thương hiệu" cho bản thân và xây dựng trường chuẩn trên vùng đất khó.

Học tốt. Dạy và học phải gắn liền với nhau, muốn học tốt thì phải dạy tốt và có dạy tốt thì mới học tốt được. Thế thì cần học như thế nào để chuyển hóa được từ quá trình học thụ động tiếp thu sang chủ động nắm bắt thông tin. Không học máy móc, rập khuôn, “học vẹt” mà phải luôn suy nghĩ để phát huy sáng tạo. Người học không bằng lòng và ỷ lại ở kiến thức cơ bản, mà phải luôn tìm tòi, luôn cập nhật thông tin mới. Như vậy, người học không phải là đối tượng chịu sự tác động một cách thụ động, mà là một chủ thể năng động. Xem quá trình học tập là quá trình học sinh tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình.

Như vậy, từ sách giáo khoa, từ chương trình học, đến người thầy giáo, đến cách dạy và học, cách đánh giá đều tập trung vào một mục tiêu phát huy được năng lực của học sinh trong quá trình tiếp thu kiến thức và vận dụng những thông tin cập nhật để sáng tạo thành cái của mình. Học sinh luôn là một chủ thể biến động của sự phát triển theo lứa tuổi, theo thời gian kịp với sự phát triển cập nhật của xã hội. Cho nên, không phải chỉ học trong trường mà mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi công việc đều phải học để nâng cao trình độ, cập nhật thông tin, có vậy mới thích nghi được với sự vận động của cuộc sống.

Tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt

Cô và trò Trường Mầm non Xuân Thành (Nghi Xuân) trong giờ tổ chức hoạt động (Ảnh: Hoài Nam)

Làm theo điều Bác Hồ đã căn dặn “dạy tốt, học tốt” trong mọi hoàn cảnh vẫn thấy vừa đầy đủ, vừa súc tích và cô đọng, vẫn còn tính thời sự trong quá trình vận dụng Nghị quyết số 29-NQ/TW vào sự nghiệp giáo dục hiện nay. Vấn đề là phải hết sức quan tâm đến hệ thống quản lý giáo dục và chất lượng đội ngũ giáo viên; rồi đến nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học phù hợp. Môi trường giáo dục nhà trường, xã hội, gia đình phải có quan hệ mật thiết. Giáo dục phải đúng là quốc sách hàng đầu, phải là một hệ thống giáo dục toàn dân vì mục tiêu chung trong việc đào tạo cho xã hội lớp người có phẩm chất đạo đức, lối sống và kỹ năng sống thích ứng với công cuộc đổi mới hiện nay và phát triển của xã hội đương đại.

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.