Trang trọng lễ rước báu vật vua Hàm Nghi

(Baohatinh.vn) - Lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng năm 2023 diễn ra ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, rước các báu vật của vua Hàm Nghi đến nhà cố đạo mới (người giữ báu vật).

Sáng 28/1 (tức mùng 7 tháng Giêng), UBND huyện Hương Khê và xã Phú Gia tổ chức lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng năm 2023.

Tại lễ rước, các trai tráng chưa vợ được chọn lựa từ các thôn trong xã làm trai kiệu, 8 người khiêng một kiệu. Có 3 kiệu tham gia, gồm rước ảnh vua Hàm Nghi, rước báu vật và các đạo sắc phong.

Sau lễ khai hạ, đoàn rước khởi hành từ nhà cố đạo cũ là ông Trần Văn Nhung (ở thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia) đi qua các đền Công Đồng, khu di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi, đền Trầm Lâm để làm lễ dâng hương. Sau đó tiếp tục tiến về nhà tân cố đạo là ông Phan Hùng Vỹ (ở thôn Phú Hồ, xã Phú Gia). Tại đây, cố đạo mới cùng các đệ tử làm lễ khai hạ cầu cho dân làng, nước nhà an khang thịnh vượng trong năm mới.

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo huyện, xã và đông đảo người dân, cố đạo cũ bàn giao báu vật của vua Hàm Nghi gồm voi bằng vàng, nghê bằng đồng, các thanh bảo kiếm, lục lạc bằng đồng đen, 48 đạo sắc phong do các triều vua ban tặng.

Quần thể Khu di tích lịch sử thành Sơn Phòng - Hàm Nghi, đền Công Đồng, đền Trầm Lâm là quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, chính quyền và Nhân dân đã và đang tích cực tôn tạo, xây dựng nhằm đáp ứng mong mỏi của đông đảo Nhân dân, du khách đến vãn cảnh và sinh hoạt tâm linh.

Lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng là lễ hội truyền thống duy nhất được gìn giữ và lưu truyền tại xã Phú Gia nói riêng và của huyện Hương Khê nói chung.

Theo tư liệu lịch sử, năm Ất Dậu (1885) - vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương, đắp lũy, xây thành Sơn Phòng, chiêu binh, tuyển tướng, bảo vệ dinh lũy, đánh giặc. Trước sự tấn công quyết liệt của giặc Pháp, vua buộc phải rời khỏi thành Sơn Phòng.

Lúc rời thành, vua sai Tôn Thất Thuyết vào tạ lễ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm 2 con voi bằng vàng, ban 2 đạo sắc, các thanh bảo kiếm, áo Hoàng bào của vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen. Hiện nay, các báu vật đó vẫn được lưu giữ.

Khoảng 2 năm một lần hoặc tùy vào sức khỏe của cố đạo - người lưu giữ báu vật, vào ngày mùng 7 tháng Giêng, các báu vật của vua Hàm Nghi đều được rước từ nhà cố đạo cũ, qua đền Công Đồng, thành Sơn Phòng thờ vua Hàm Nghi và đền Trầm Lâm rồi mới tới nhà cố đạo mới để lưu giữ, bảo quản.

Gắn với lễ khai hạ của địa phương, lễ rước sắc phong ở Phú Gia nhằm tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới công lao to lớn của vua Hàm Nghi và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói