Tránh phô trương thanh thế họ tộc quá mức

(Baohatinh.vn) - Mỗi con người đều có cội nguồn quê hương và cội nguồn dòng tộc nơi sinh thành. Chính vì vậy, nhắc đến quê hương, dòng họ, ai cũng thấy thiêng liêng và tự hào. Làm cho dòng họ nổi danh là vô cùng cần thiết nhưng phô trương quá mức lại không nên.

tranh pho truong thanh the ho toc qua muc

Các dòng họ nên hướng con cháu vào việc giữ gìn nét đẹp truyền thống, tránh phô trương hình thức. Trong ảnh: Nét cổ kính của nhà thờ họ Lê Hữu (Hương Sơn).

Nhà thờ họ tộc chính là nơi thờ phụng thủy tổ, ông tổ khai sinh ra dòng họ đó. Nhà thờ còn có chức năng là bảo tàng ghi danh công trạng những người có công với nước của bao thế hệ, lưu giữ những sắc phong, chứng chỉ những người nổi danh về văn, võ qua các thời đại. Nhà thờ còn là nơi tộc trưởng tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện truyền thống dòng họ mình, nêu lên những điển hình tốt để mọi người học tập...

Từ bao thế kỷ trước, dầu chẳng ai ban hành hay ấn định một luật lệ nào, nhưng việc chung sức xây dựng nhà thờ đã trở thành ý thức tự giác trong từng gia đình, từng gia tộc. Nhiều nhà thờ tại các làng quê Việt Nam đã được xây dựng hàng trăm năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị với những nét kiến trúc độc đáo, tài hoa, không gian hài hòa. Một số dòng họ coi trọng văn hóa, dày công sưu tầm lại gia phả, sẵn sàng nhờ sự giúp đỡ của những bậc cao niên, những người có kiến thức về chữ Hán để dịch lại cho thực đích xác gia phả dòng họ, từng vế đối đã ghi khắc trước nhà thờ ở thế kỷ trước. Đây là một việc làm rất đáng nể trọng.

Tuy nhiên, hiện nay, có những vấn đề mới nẩy sinh từ các dòng họ ở mỗi làng quê. Đó là cuộc chạy đua theo kiểu “con gà hơn nhau tiếng gáy”, gây nên những dư luận không tốt trong cộng đồng. Một số dòng họ nặng về khoa trương hình thức, xem nhẹ giá trị lịch sử và nhân văn. Nhiều dòng họ đua nhau xây dựng mộ tổ thật to đẹp, thật hoành tráng, bỏ ra hàng trăm triệu để làm “nghê chầu, phượng múa” nhưng cho tới nay vẫn chưa có gia phả họ mình. Điều nực cười, có những con cháu tới dự lễ họ nhưng chẳng biết tên ông tổ mình là ai, xuất xứ từ đâu, sinh ra ở thế kỷ nào? Không ít họ tộc đua nhau trùng tu nhà thờ to đẹp, đàng hoàng trong lúc đó hoàn cảnh các gia đình trong dòng họ khác nhau, thậm chí, không ít gia đình thuộc diện hộ nghèo vẫn phải đóng nộp theo quy định.

Họ nào cũng vậy, cứ mỗi lần họp, người ta lại thấy ông tộc trưởng và ban kiến thiết xây dựng vạch ra những việc quan trọng “cần làm ngay”, lúc tu sửa thượng điện, lúc tu sửa hạ điện, lúc thay lại chiêng trống cũ, đồ đạc trên ban thờ; lúc làm đường bê tông lên nhà thờ, làm bia lớn và xây đắp lại bàn thờ tại mộ tổ… Thậm chí, có họ, tộc trưởng còn bắt các gia đình góp quỹ hương khói. Tính ra, mỗi năm, khoản tiền đóng góp để trùng tu phải lên tới hàng chục triệu đồng, có những họ nhiều “đinh”, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Không ít những họ có nhiều hộ nghèo rơi vào tình trạng khốn đốn bởi mùa màng thất bát, lợn gà không nuôi được, con cái lại đang tuổi ăn tuổi học, phải chạy vay mượn hàng xóm, theo kiểu “giật gấu vá vai”… Từ chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn. Một số người đã mạnh dạn đề xuất với tộc trưởng nên miễn giảm khoản đóng góp cho các gia đình nghèo nhưng lại không được đồng ý, từ đó, nảy sinh những cuộc cãi cọ ngay tại nhà thờ họ mình. Một số người quá khó khăn, không chấp nhận các khoản đóng nộp liên tục, nên đã đòi ra khỏi họ. Đó là chưa kể một số họ, tộc trưởng và ban kiến thiết xây dựng không công khai rõ ràng tài chính từng công trình tu sửa, từng khoản mua sắm, tự tiện bớt xét nguồn quỹ đóng góp này để chi tiêu cá nhân, dẫn đến mất lòng tin nghiêm trọng.

Một số họ tộc tỏ ra rất tự hào và mãn nguyện vì con em ở xa “hào phóng” gửi giúp đỡ họ tộc hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí, hàng tỷ đồng để phá nhà thờ cũ, xây dựng nhà thờ mới; đúc chuông cung tiến nhà thờ… Ít ai biết rằng, những đồng tiền đó có thể do tham nhũng mà có, là tiền “rút ruột công trình” khi họ là giám đốc doanh nghiệp này, trưởng ban A cơ quan nọ. Chỉ đến khi cơ quan pháp luật “sờ gáy”, mới tá hỏa chính họ là người đã “bôi đen” danh dự họ tộc mình.

Chăm lo xây đắp cội nguồn dòng họ là tốt, nhưng không vì thế mà “biến tướng”, dẫn đến phô trương. Điều cần nhất ở mỗi con người là thành tâm với cha ông và muốn thực hiện điều đó phải thường xuyên giữ lấy đạo “cương thường”, tránh làm những điều mà truyền thống văn hóa, họ hàng ngàn đời không cho phép.

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.