Triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ: Cú hích cho các lĩnh vực trọng điểm

Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chiều 6/5, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã thông tin về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào hạ tầng, công nghệ số và các lĩnh vực trọng điểm. Quy mô giải ngân hiện nay đã lên đến gần 100.000 tỷ, tăng thêm các đối tượng cho vay, không chỉ trong lĩnh vực nông lâm thủy hải sản mà còn mở rộng sang nông nghiệp.

Theo ông Đào Minh Tú, gói tín dụng 500.000 tỷ cho vay ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số là chỉ đạo rất là cụ thể và đúng đắn trong việc tập trung nguồn lực cho hai lĩnh vực được xem là chủ chốt, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế bền vững cho giai đoạn tiếp theo.

“Đây là giai đoạn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển trước yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, hướng tới GDP tăng trưởng 2 con số. Muốn có đầu tư thì phải có nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi. Đầu tư cho các dự án trọng điểm bao gồm nhiều nguồn vốn khác nhau, như ngân sách, vốn FDI… nhưng trong đó, tín dụng ngân hàng vẫn là một nguồn vốn quan trọng,” ông Đào Minh Tú nói.

Về cơ chế cho vay trong gói tín dụng này, Phó Thống đốc cho biết sẽ chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng sẽ cân đối nguồn vốn huy động để cho vay phù hợp. Hiện đã có 21 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng. Mục tiêu của gói là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường ít nhất 1%, thời hạn vay tối thiểu 2 năm. Các ngân hàng đã cam kết có nhiều ưu đãi dành cho các dự án, đơn cử như về lãi suất ưu đãi, về cho vay trung, dài hạn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ngân hàng lại vấp một số vướng mắc. Trong đó, phổ biến nhất là cân đối vốn, khi phần lớn nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng vẫn mang tính ngắn hạn, thì nhu cầu vay cho các dự án hạ tầng thường kéo dài 10-20 năm, thậm chí lâu hơn. Do đó, nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt, bài toán "huy động ngắn-cho vay dài" sẽ tiếp tục là rào cản.

Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng cũng cần được làm rõ. Do vậy, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các đơn vị, bộ ngành chức năng để cùng phối hợp làm rõ đối tượng, dự án, thành phần, doanh nghiệp nào cần có sự hỗ trợ về vốn… đảm bảo đúng mục tiêu đã đề ra. Trong tháng Năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói