
Những năm gần đây, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được thực hiện tốt, số vụ cháy rừng được kiềm chế nhờ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân được nâng lên. Mùa nắng nóng năm nay, các cấp, ngành tiếp tục "gia tăng" công tác thông tin, truyên truyền để nâng cao tinh thần vào cuộc của các tầng lớp nhân dân và đang phấn đấu ký khoảng 95.000 bản cam kết, tổ chức 1.400 cuộc tuyên truyền, làm hàng chục phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Ông Ngô Văn Sơn ở thôn Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) chia sẻ: “Thôn chúng tôi có gần 100 gia đình có đất rừng sản xuất, trồng keo tràm (chiếm 85% tổng số hộ của thôn), riêng gia đình tôi có hơn 10ha. Chúng tôi thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở về PCCCR, nhất là vào mùa nắng nóng nên mọi người luôn chú trọng công tác này để bảo vệ tài sản của gia đình. Năm nay, chúng tôi tiếp tục chủ động làm đường băng cản lửa ở khu vực giáp ranh giữa các hộ, thay phiên nhau trực gác và kiểm tra rừng, không xử lý thực bì khi thời tiết nắng gắt, sẵn sàng các công cụ và hỗ trợ nhau khi xảy ra cháy, hạn chế xung đột để không phá hoại rừng lẫn nhau”.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sự chủ động của các cấp, ngành, chủ rừng cũng là yếu tố then chốt để PCCCR hiệu quả. Vào cuối tháng 3 năm nay, các địa phương, đơn vị, chủ rừng đã chủ động tổ chức rút kinh nghiệm từ mùa PCCCR năm 2024 để xây dựng phương án, kế hoạch cho mùa nắng nóng mới.
Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) thông tin: “Lực lượng kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho các địa phương xây dựng, ban hành phương án, kế hoạch bảo vệ rừng - PCCCR sớm, sát thực tiễn, mang tính khả thi cao và hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng xây dựng phương án ngăn “giặc lửa” sát tình hình của đơn vị. Các phương án được xây dựng, phê duyệt đều quán triệt tinh thần chủ động “4 tại chỗ”, “phòng là chính”, “chữa cháy phải kịp thời”, có phương án cụ thể cho từng trường hợp cháy nguy hiểm…”.

Hà Tĩnh ngăn chặn “giặc lửa” hiệu quả còn nhờ nguồn kinh phí đảm bảo, riêng năm nay, dự kiến sẽ bố trí khoảng 68 - 70 tỷ đồng. Trước đó, theo thống kê, vào năm 2022, tổng kinh phí trung ương và tỉnh đầu tư, phân bổ cho các huyện phục vụ công tác PCCCR là 44,3 tỷ đồng, năm 2023 tăng lên gần 50 tỷ đồng, năm 2024 có 63,6 tỷ đồng.
Các chủ rừng lớn cũng đã chủ động bố trí kinh phí, huy động nguồn lực để phục vụ cho công tác PCCCR của đơn vị với mức tăng bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/năm/đơn vị như: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh năm nay bố trí 4,4 tỷ đồng (tăng gần 50 triệu đồng so với năm 2024); Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê bố trí 820 triệu đồng (tăng 70 triệu so với năm trước); Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh bố trí gần 1,1 tỷ đồng (tăng hơn 100 triệu đồng so với năm ngoái)…

Ông Nguyễn Ngọc Lâm – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh cho rằng: “Nguồn kinh phí được cấp tăng dần đã giúp các huyện, xã, chủ rừng thực hiện nhiệm vụ PCCCR tốt hơn, hiệu quả hơn. Năm nay, riêng đơn vị chúng tôi đã bố trí gần 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ 1.200 ngày công tuần tra, kiểm soát, chữa cháy rừng; mua sắm dụng cụ chữa cháy (dao phát, đèn pin, máy thổi gió, cưa xăng…), làm các công trình phòng cháy (đường băng cản lửa, phát dọn thực bì, làm các biển tường, biển cảnh báo lửa, chòi canh...), hợp đồng trực gác và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả PCCCR trong mùa nắng nóng mới”.

Để bảo vệ màu xanh của những cánh rừng trong mùa nắng nóng, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh đã tăng cường đầu tư kinh phí và tiếp tục tận dụng hiệu quả các nguồn lực khác để mua sắm, trang bị các thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ PCCCR. Trong đó, đáng chú ý nhất là 7 trạm camera tại nhiều điểm “nóng” để giúp theo dõi, giám sát hàng chục nghìn ha rừng thuộc diện nguy cơ cháy cao với tầm quan sát 10km trên máy tính và điện thoại mà không cần lên chòi canh lửa.
Trong giai đoạn 2010 – 2020, bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh xảy ra khoảng 15 – 17 vụ cháy rừng và hàng chục điểm phát lửa, cá biệt có năm xảy ra 22 vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 39 ha rừng (năm 2012). Các năm gần đây, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng cực đoan nhưng số vụ cháy rừng đã giảm và năm 2024 chỉ xảy ra 6 vụ cháy rừng, 19 điểm phát lửa, gây thiệt hại 3,2 ha rừng (không thể phục hồi).
Các huyện có nhiều diện tích rừng, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao cũng đều giảm cháy rừng so với năm trước. Cụ thể, năm 2024, huyện Hương Sơn tiếp tục không để xảy ra cháy rừng và chỉ có 1 điểm phát lửa; huyện Kỳ Anh 2 vụ cháy gây thiệt hại 2.201 m2 (giảm 1 vụ); huyện Hương Khê 3 vụ cháy, thiệt hại 1,5 ha (giảm 0,6 ha so với năm trước)… Năm nay, các địa phương đang quyết tâm không để xảy ra cháy lớn.

Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) khẳng định: “Để giảm thiểu thiệt hại về rừng do cháy gây ra, chúng tôi đã tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp các cấp, ngành, chủ rừng triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến PCCCR. Trong quá trình tổ chức thực hiện, chúng tôi đã chú trọng đến các vấn đề trọng tâm như: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, điều hành quá trình tổ chức thực hiện; xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án PCCCR tốt; ưu tiên nguồn lực, tăng kinh phí thực hiện nhiệm vụ; phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn PCCCR, gây cháy rừng”.