“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” – phút thăng hoa của một Thi tướng miền Nam trong phút tiễn bạn về đất Bắc

Đã có biết bao thi sĩ chắt lọc từ hồn mình viết nên những ca từ thấm đẫm tình yêu với Thăng Long, nhưng có lẽ “Nhớ Bắc” của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là một đỉnh cao. “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” chính là phút thăng hoa của người nghệ sĩ – chiến sĩ luôn hừng hực trong tim mình dòng máu nóng Lạc–Hồng trong một buổi chiều trên sân ga luyến lưu tiễn bạn về đất Bắc xuất thần thành tuyệt bút...

Bút ký: Văn Học

"Thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ
"Thi tướng" Huỳnh Văn Nghệ

Có một điều thú vị mà chắc chưa nhiều người biết, khi viết nên những câu thơ gan ruột ấy, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chưa một lần đặt chân đến đất Thăng Long – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Nam, con trai cố Thi tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Văn Nghệ mở đầu câu chuyện với tôi như vậy, rồi ông nói tiếp: Ba tôi sinh năm 1914 trong một gia đình công chức nghèo tại vùng đất Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Bình Dương. Hơn 20 tuổi, ông đậu tú tài loại ưu ở Trường Petrus Ký và được nhận vào làm việc tại văn phòng Sở Hỏa xa Sài Gòn. Năm 1940, thực dân Pháp khánh thành tuyến xe lửa xuyên Việt đầu tiên. Từ đó, người ta có thể đi từ Hà Nội đến Sài Gòn với chiều dài hơn 1.700 km bởi một tuyến đường độc đạo chỉ mất chưa đến 39 giờ trên những chuyến tầu tối tân mà những toa tầu được thiết kế nửa gỗ, nửa kim loại và được kéo bằng những đầu tầu hơi nước. Tuyến xe đưa vào sử dụng chủ yếu dùng để vận chuyển lực lượng và hàng hóa phục vụ cho công cuộc khai phá xứ An Nam của người Pháp nên với mỗi người dân nô lệ, việc được đặt chân lên các toa tàu để vào Nam hay ra Bắc vẫn chỉ là niềm mơ ước.

Nhân sự kiện quan trọng thông tuyến đường sắt Bắc - Nam, Sở Hỏa xa Sài Gòn được nhà nước bảo hộ ưu tiên một số vé cho nhân viên đi tham quan Hà Nội bằng xe lửa. Do số lượng ghế ngồi hạn chế nên Sở phải tổ chức bốc thăm, người nào bắt trúng vé mới được đi. Huỳnh Văn Nghệ may mắn là người duy nhất của Văn phòng Sở bốc trúng vé đi tham quan. Niềm háo hức bấy lâu nay của một người con phương Nam luôn đau đáu muốn được về thăm đất Bắc nay sắp thành hiện thực. Nhưng khi Huỳnh Văn Nghệ háo hức chuẩn bị cho chuyến đi bao nhiêu thì người bạn cùng phòng càng buồn nhớ quê hương bấy nhiêu. Hiểu được tâm trạng và nỗi lòng mong mỏi muốn trở lại cố hương của bạn, trước hai ngày lên đường, ông Nghệ đã quyết định nhường lại suất vé về Bắc cho người bạn tâm giao. Buổi chiều tà luyến lưu tiễn bạn, khi đoàn tàu dần khuất bóng cuối sân ga Sài Gòn, một cảm xúc man mác buồn cứ ngập tràn tâm trí người ở lại và hình ảnh về một chốn kinh kỳ đô hội, hình ảnh Tháp Rùa nghiêng bóng nước Hồ Gươm, hình ảnh những chùm vải chín mọng lúc lỉu trên cành, và những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm.., qua những câu chuyện kể của người bạn cứ thế ùa về. Và rồi, người thi sĩ đã phóng bút viết nên những câu được nhiều người ví là “thần thi”:

Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng

Mà ta con cháu mấy đời hoang

Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ

Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!

Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ

Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn

Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ

Mỗi lần man mác hương sầu riêng…

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên

Chinh nam say bước quá xa miền,

Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!

Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi

Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa

Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi

Bao giờ mang kiếm trả dân ta?

Ga Sài Gòn, 1940

Từ trái qua: Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, tướng Nguyễn Bình và ông Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ.
Từ trái qua: Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, tướng Nguyễn Bình

và ông Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ.

“Theo các tác giả Nguyễn Tý, Huy Thông, Trần Xuân Tuyết và nhiều tài liệu đã trích dẫn khác, thì “Nhớ Bắc” được sáng tác tại Chiến khu Đ (Thủ Dầu Một – Biên Hòa) năm 1946, lúc ba tôi làm chỉ huy chiến khu ở đấy. Nhưng qua câu chuyện kể của ba lúc sinh thời, và gần đây, bài viết của ông Cù Huy Hà Vũ đăng trên báo Hà Nội Mới càng khẳng định xuất xứ của bài thơ tại sân ga Sài Gòn năm 1940 là đúng” – ông Nam giải thích. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là con trai của nhà thơ Huy Cận, con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu cho biết, sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu có kể lại rằng, ông đã nhận được bài thơ “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ từ những năm đầu kháng chiến. Trong buổi khai mạc Tuần lễ văn hóa ủng hộ chiến sĩ Nam Bộ do Đoàn Văn nghệ Bắc Bộ tổ chức tại Nhà hát Lớn tối Chủ nhật 10-10-1945, Xuân Diệu đã đưa những vần thơ da diết toát ra từ xương tủy của một người mà ông chưa từng gặp vào bài diễn thuyết của mình. Bài diễn thuyết này được Nghiệp đoàn xuất bản Bắc Bộ in thành sách tại Nhà in Xuân Thu chỉ một ngày sau đó với nhan đề: “Miền Nam nước Việt và người Việt miền Nam”. Cuốn sách này cùng với bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ trở thành tài liệu “gối đầu giường” của các chiến sĩ Nam tiến. Tuy nhiên, bài thơ có một số từ đã được sửa so với nguyên tác, và theo ông Cù Huy Hà Vũ, người chỉnh sửa là thi sĩ thơ tình tài hoa Xuân Diệu.

Câu thơ nguyên tác: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, nhưng trong các ấn phẩm sau này đều viết: “Từ thưở mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long…”. Và, sau khi phát hành không lâu, câu thơ này như là một câu ca dao đã thẩm thấu như một lẽ tự nhiên vào huyết quản người dân đất Việt. Ông Nam cho biết, sinh thời cụ Huỳnh có kể chuyện về nhiều chiến sĩ miền Bắc “Nam tiến” ngày ấy đã tìm gặp ông đưa bài thơ đã được chỉnh sửa cho tác giả xem và ông có giải thích về câu thơ nguyên tác. Vấn đề này, ông Nam cũng đã được chứng kiến trong những năm theo ba tập kết ra Bắc cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ gia đình ông sinh sống tại nhà số 10 Lý Nam Đế, gần trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một lần, một nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến gặp cụ Huỳnh trao đổi xin được đăng bài thơ “Nhớ Bắc” trên Tạp chí này theo bản thảo mà nhà thơ Xuân Diệu đã chỉnh sửa, và ông cụ đã đồng ý cho đăng. Chính vì thế, câu thơ dị bản càng ăn sâu vào tâm trí bạn đọc.

Theo ông Cù Huy Hà Vũ, “nghìn năm” so với “Trời Nam” thực là “kẻ tám lạng, người nửa cân”. “Nghìn năm” đã có cuộc sống riêng của nó dẫu rằng “Trời Nam” đã là đắc địa. Có thể khẳng định rằng, “Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bao người. “Nghìn năm” tồn tại một cách đàng hoàng, vững chắc là bởi tính tượng trưng, độ mở của nó cả về thời gian lẫn không gian. Với “Trời Nam” thì người đọc có thể hiểu rằng “từ khi Nguyễn Hoàng Nam tiến cho đến bây giờ”, hậu duệ của ông không lúc nào nguôi nhớ Kinh đô đất Tổ, còn với “nghìn năm” thì không chỉ cho đến hôm nay mà hàng nghìn, hàng vạn năm sau, mãi mãi nhớ về nguồn cội, như một lời thề sắt son của con Lạc cháu Hồng. Hơn thế nữa, “Trời Nam”, dù muốn hay không thì khái niệm những người con xa quê cũng bị bó hẹp trong một vùng đất, một không gian nhất định. Trong khi đó, “nghìn năm” mở rộng phạm trù xa xứ đến vô cùng đối với tất cả những ai mang trong mình dòng máu Lạc – Hồng dù ở chân trời hay góc bể. Tuy nhiên, theo ông Nam, sinh thời cụ Huỳnh tâm sự, từ “Trời Nam” dùng ở đây ý nghĩa rộng hơn. “Trời Nam” không phải là sự bó hẹp về không gian mà là một sự khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của “Người Nam” đã được “Thiên định” như ông cha ta từng khẳng định trong “Hịch Tướng sĩ”, trong “Đại cáo Bình Ngô”. “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, ấy là tâm hồn tư tưởng người Việt tự ngàn đời hướng về gốc gác giống nòi... Hồn thơ thức tỉnh những mơ hồ về Tổ quốc. Đó là một khẳng định lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Thăng Long còn đó, sông núi còn đây. Một Việt Nam ngàn đời bền vững. Tình cảm ấy vô cùng cao đẹp. Ấy là tình Bắc – Nam ruột rà để non nước Việt trường tồn... Tố chất Huỳnh Văn Nghệ đặc trưng Nam Bộ, gân guốc, ngang tàng, phóng khoáng nhưng thẳm sâu văn hóa, nặng sâu ân tình là vậy.

Ông Huỳnh Văn Nam bên biểu tượng chiếc trống đồng treo trong phòng làm việc của mình khắc 4 câu của cụ thân sinh: “Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”.
Ông Huỳnh Văn Nam bên biểu tượng chiếc trống đồng treo trong phòng làm việc của mình khắc 4 câu của cụ thân sinh: “Ai về Bắc, ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”.

“Tổ tiên ông bà của tôi quê ở Quảng Bình – “phên dậu” giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ông nội tôi người họ Hoàng theo đoàn quân “Nam tiến” của chúa Nguyễn Hoàng “mang gươm đi mở cõi”. Đời ông, đời cha, đến đời tôi và con cháu sau này, tuy cung bậc cảm xúc với Thăng Long – Hà Nội phụ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng đều vì một cái tình chung, đều có một niềm tự hào chung của những con dân Việt nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” – ông Nam chia sẻ những cảm xúc riêng của mình và chép tặng tôi mấy câu thơ:

Ông tôi xưa mang gươm đi mở cõi

Cha tôi làm thơ thương nhớ đất Thăng Long

Còn tôi suốt hai mùa mưa nắng

Hát mãi về em, Hà Nội trái tim hồng!

Một nghìn năm cả dặm dài đất nước: Đông Đô – Thăng Long, Đông Đô – Hà Nội, cứ kéo dài hun hút sâu, kéo dài hun hút nhớ. Hà Nội, từ một vùng đất bãi bồi nhỏ bé của sông Hồng, đến hôm nay được mở ra ôm trọn trong lòng nhiều hơn những tinh hoa văn hóa dân tộc. Giữa những ngày mùa thu lịch sử này, chắc hẳn muôn triệu con tim Lạc – Hồng ở khắp muôn phương đều đang hướng về thủ đô thân yêu của mình với niềm xúc cảm trào dâng như tâm trạng của thi tướng họ Huỳnh và hậu duệ của ông.

Tp.Hồ Chí Minh, trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Đọc thêm

Hạ tầng cho người yếu thế vẫn còn hạn chế

Hạ tầng cho người yếu thế vẫn còn hạn chế

Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và thân thiện với mọi đối tượng trong xã hội là mục tiêu mà Hà Tĩnh hướng tới. Thế nhưng, với người khuyết tật thì con đường tiếp cận các không gian công cộng, giao thông hay dịch vụ thiết yếu vẫn còn hạn chế.
Làm gì để kiểm soát rủi ro khi ra nước ngoài lao động?

Làm gì để kiểm soát rủi ro khi ra nước ngoài lao động?

Xuất khẩu lao động được nhiều người chọn lựa như một giải pháp để giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng lòng tin của người lao động để trục lợi. Vì sao lại có thực trạng này? Làm thế nào để kiểm soát rủi ro khi ra nước ngoài lao động? Nội dung sẽ được phân tích trong chương trình “Vấn đề hôm nay”.
Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Podcast truyện ngắn: Chiếc xe đạp

Mỗi người sinh ra đều có một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai. Bởi vậy, hãy luôn cùng nhau cố gắng trong mọi hoàn cảnh, để mỗi ngày cảm nhận cuộc sống tươi đẹp hơn.
Nguyễn Phúc Lương và hành trình truyền cảm hứng tuổi 18

Nguyễn Phúc Lương và hành trình truyền cảm hứng tuổi 18

Nguyễn Phúc Lương, cựu học sinh 12 Toán 1, THPT Chuyên Hà Tĩnh vừa liên tiếp nhận được thông báo trúng tuyển từ 12 trường đại học ở Mỹ. Cùng Báo Hà Tĩnh trò chuyện với Phúc Lương về hành trình chinh phục học bổng từ các đại học danh giá.
11 nhóm được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh

11 nhóm được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 và Điểm a Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật số: 51/2024/QH15 ngày 27 tháng 11 năm 2024), 11 nhóm được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh kể từ 1/7/2025.
VinUni tổ chức lễ tốt nghiệp cho gần 150 sinh viên “thế hệ kiên cường”

VinUni tổ chức lễ tốt nghiệp cho gần 150 sinh viên “thế hệ kiên cường”

Trong số gần 150 tân khoa khóa 2 của Trường Đại học VinUni, có tới 55% sinh viên được tuyển dụng trước lễ tốt nghiệp bởi các tập đoàn danh tiếng như Google, Qualcomm, Boston Consulting Group (BCG), Unilever, P&G, VinRobotics…; 26% sinh viên trúng tuyển chương trình sau đại học tại các trường hàng đầu thế giới, trong đó gần một nửa thuộc nhóm đại học Top 20 toàn cầu.
Nở rộ tình trạng spa, thẩm mỹ viện không phép

Nở rộ tình trạng spa, thẩm mỹ viện không phép

Trên địa bàn thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thời gian qua, tình trạng các spa, thẩm mỹ viện hoạt động thẩm mỹ xâm lấn không phép mọc lên tràn lan. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân khi sử dụng dịch vụ làm đẹp.
Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Sống khỏe cùng BHT: Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim, cách phòng tránh

Suy tim là bệnh lý nguy hiểm, có tỉ lệ mắc cao và khó điều trị dứt điểm. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng, bệnh suy tim càng trở nên nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng tránh? Bác sĩ Trần Văn Cường - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ tư vấn trong chương trình Sống khỏe cùng BHT.
Vì sao đăng ký biến động đất đai tăng mạnh?

Vì sao đăng ký biến động đất đai tăng mạnh?

Những ngày qua, nhiều người dân Hà Tĩnh đổ xô đi làm thủ tục đăng ký biến động đất đai tại các trung tâm hành chính công, dẫn tới tình trạng quá tải. Vậy đâu là nguyên nhân?