Trượt giá của lì xì

Cậu bé mở hết các bao lì xì vừa nhận và la lớn: “ủa, ai mà lì xì có 20 ngàn ít thế?”.

Chúng tôi đến nhà bạn chúc Tết năm trước. Trong nhà có bao nhiêu đứa trẻ, mỗi chúng tôi đều lì xì một phong bao.

Vài đứa không dám mở ngay. Có bé ngọng nghịu nói lời chúc mừng năm mới, cầm chiếc bao một lúc rồi thả xuống đi chơi. Đứa lớn hơn một chút chạy ngay đến đưa cho mẹ. Chỉ cậu bé khoảng 10 tuổi là mở ngay từng bao lì xì ra kiểm tra. Bao nào nhiều tiền mặt cậu sáng rỡ, đến bao ít tiền nhất, ku cậu không kiềm chế được nỗi thất vọng, la toáng lên.

Mọi người đang vui vẻ bỗng chùng xuống gượng gạo. Chị bạn tôi phải đứng dậy, kéo cậu nhóc vào buồng phía sau, nhắc cháu như thế là không đúng.

Nhưng tôi thấy cậu bé không có lỗi. Từ bao giờ, những con số trong phong bao lì xì đã tăng dần qua mỗi năm. Mười năm trước, 20 ngàn đồng là số tiền phổ biến trong bao lì xì dịp Tết, nay trở thành con số có thể gây bất bình cho đứa trẻ, làm bối rối cho người lớn.

Những năm gần đây, tôi thấy bao lì xì thấp nhất cũng ở mức 40 ngàn đồng - gồm hai tờ 20 ngàn màu xanh. Còn nhà nào “bình dân” cũng bỏ bao 50 ngàn đồng, 100 ngàn đồng. Nhà “có điều kiện” thì 200 ngàn cho tới 500 ngàn, và cả số nhiều của tờ 500 ngàn nữa.

Nhận thức của đứa trẻ bị tác động bởi chính hành động của người lớn. Khi chuẩn bị những phong bao lì xì, nếu người lớn không đưa vào đó sự sĩ diện, tính vật chất mà chỉ trên tinh thần yêu quý vô tư thì trẻ nhỏ cũng sẽ tiếp nhận lì xì như món quà tinh thần thú vị, truyền trao yêu thương.

Tết nào đám trẻ quanh tôi cũng xôn xao về số tiền chúng được lì xì. Chúng mở phong bao của mình, đếm và so sánh bao nhiêu tờ màu đỏ, bao nhiêu tờ màu xanh. “Con được lì xì có mấy trăm à, bạn con mẹ nó làm giám đốc nên được lì xì quá trời luôn”, cháu tôi xịu mặt, “bạn con mua đồ chơi đủ thứ hết, rồi còn đi ăn nữa”. Một số bé hàng xóm, họ hàng nhà tôi đã dùng tiền lì xì đi chơi game, ăn uống, mua những thứ vô bổ mà phụ huynh khó kiểm soát. Và sau Tết, nhiều nhà xảy ra những vụ quát mắng, trẻ con đánh lộn, khóc lóc cũng vì tranh giành tiền lì xì.

Lì xì là tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết. Mồng một, gia đình tôi luôn tổ chức họp mặt đầu năm. Trước tiên là lời chúc, dặn dò của người lớn với con cháu, mọi người chia sẻ về năm cũ. Không khí trở nên rộn ràng khi má tôi nói: “bây giờ má lì xì lấy lộc đầu năm”. Dù mỗi phong bao lì xì của má chỉ mang tính chất tượng trưng, nhưng mọi người đều vui.

Tương truyền, tục lì xì bắt nguồn từ chuyện tám vị tiên ông. Biết cậu bé sẽ gặp nguy hiểm với yêu quái, tám ông tiên biến thành tám đồng tiền đồng, cha mẹ đem gói vào mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh đứa bé. Khi quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó bỏ chạy. Từ đó, mỗi dịp Tết, người ta đem một chút tiền bỏ vào phong bì đỏ tặng trẻ nhỏ.

Nhưng lì xì bây giờ không dành riêng cho trẻ nhỏ, nó đã bị bóp méo đi, phong bì cũng to ra, dày lên. Bạn tôi năm trước tuy thu nhập thấp, nhà còn đủ thứ phải lo, nhưng vẫn chuẩn bị 10 triệu đồng tiền mới để lì xì cho con sếp và đối tác. “Ai cũng lì xì tiền triệu mà mình ít quá coi sao được, như thế sếp không để ý đến mình”, anh bảo.

Chỉ dăm năm trước, mỗi đợt đổi tiền mới trước Tết của cơ quan, chúng tôi mỗi người cũng chỉ đăng ký đổi hai hay ba triệu đồng. Nay, hầu hết mọi người đổi 5 hay 7 triệu mới đủ đi lì xì. Lì xì đã bị đẩy giá lên bởi lạm phát, hay bởi sự thực dụng của con người? Chiếc phong bao đỏ không còn tượng trưng cho may mắn mà mang vác tham vọng của người lớn trong các mối quan hệ thông qua con trẻ, gián tiếp làm hư chúng. Nhiều đứa trẻ ngày nay không quan tâm đến ý nghĩa mà chỉ nghĩ đến số tiền bên trong bao lì xì.

Tết này, sau một năm nền kinh tế gánh bão Covid, nhiều gia đình làm công ăn lương hay lao động thuần túy không còn thu nhập khá và ổn định như các năm trước, tiền lì xì cũng trở thành một khoản chi tiêu Tết bắt buộc phải tính. Nếu mệnh giá lì xì vẫn chỉ tượng trưng cho may mắn như ý nghĩa nguyên sơ của nó, thì dù trong phong bao có 10 ngàn, 20 ngàn đồng, trẻ con cũng vẫn vui.

Tiếc thay, chiếc bao lì xì cũng chịu mất giá và người thu nhập thấp cũng cắn răng bỏ cho đúng “trend” vì sợ bị cười. Có phải bởi người lớn đã quá ích kỷ khi lôi trẻ nhỏ vào toan tính cá nhân?

Theo Lê Văn Hiến/VnExpress

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.