Truyền thống hiếu học - mạch nguồn không bao giờ vơi cạn

(Baohatinh.vn) - Suốt chiều dài văn hiến của dân tộc, truyền thống hiếu học, khoa bảng đã được các thế hệ thắp sáng, trao truyền, gìn giữ, tạo nên bản sắc văn hóa, con người Hà Tĩnh. “Đất học” Hồng Lam nổi danh cả nước với nguồn mạch âm thầm mà mãnh liệt.

Những làng quê nghèo “nuôi chữ”

Hiếu học và học giỏi là đặc trưng nổi bật của người xứ Nghệ. Có người nói, do thế núi hình sông nơi đây đã tạo nên một vùng đất văn vật. Cũng có người nói, do xứ Nghệ thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn buộc con người phải vươn lên học giỏi để tạo lập công danh sự nghiệp. Dẫu lý giải cách nào thì sử sách vẫn ghi lại, đây là vùng quê văn vật với những tên tuổi trứ danh. Chắt lọc tinh túy dòng sữa mát lành của quê hương, thừa hưởng tố chất thông minh, truyền thống ham học, kiên trì và chịu khó của gia đình, dòng họ, quê hương, các danh nhân khoa bảng của Hà Tĩnh đời này qua đời khác đã đóng góp to lớn vào nền văn hiến nước nhà.

Chỉ tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh đã có 148 vị đại khoa. Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai có 13 người con trai đều đỗ đạt; cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy đều đỗ Trạng nguyên đời Trần. Các làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc); Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ); Tiên Điền (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân); Ích Hậu, Thạch Châu (Lộc Hà);… đều là những ngôi làng khoa bảng nổi danh.

Làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ).

Làng Đông Thái có gần 1.000 giáo sư, tiến sĩ. Làng Trường Lưu có trường học, thư viện... Cùng với các làng quê văn vật là các gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, khoa bảng như: Nguyễn (thị trấn Tiên Điền), Phan Huy (xã Thạch Châu - Lộc Hà), Nguyễn Huy (Trường Lưu - Can Lộc), Đinh Nho và Nguyễn Khắc (xã An Hòa Thịnh - Hương Sơn). Các dòng họ đã đóng góp cho nước nhà nhiều danh nhân khoa bảng, nhiều hiền tài, góp phần hình thành nên tố chất con người, kiến tạo nên bản sắc văn hóa Hà Tĩnh để trao truyền lại cho đời sau.

Theo số liệu của Liên hiệp các hội KHKT Hà Tĩnh, đến nay, có gần 800 giáo sư, phó giáo sư là người Hà Tĩnh. Họ là những nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực. Trong 13 năm từ 2011 đến nay, có khoảng 250 người Hà Tĩnh được phong giáo sư, phó giáo sư, trong đó có 40 giáo sư (chiếm tỷ lệ 1/10 cả nước).

Học để giúp nước, cứu đời

Vì sao một vùng đất xưa kia rất nghèo, “mưa thối đất, nắng đỏ trời” lại có những con người có thể vươn lên học hành nổi danh như vậy? Đó là vì có một mạch nguồn truyền thống của đạo học chảy từ đời này sang đời khác. Dẫu nhọc nhằn mưa nắng, đói ăn thiếu mặc, người xứ Nghệ vẫn không ngừng vun gốc đạo học. Cội rễ bền sâu của sự học nằm ở động cơ đúng đắn, đó là học để chiếm lĩnh và làm chủ tri thức, học để thành nhân, thành danh, để lý trí soi sáng trong mọi hành động, học để chứng tỏ năng lực của bản thân. Cao hơn tất cả là để giúp nước, cứu đời. Điều này có thể minh chứng ở khát vọng “kinh bang tế thế” (trị nước cứu đời) của nhiều văn nhân, nho sĩ theo đuổi nghiệp lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Oánh, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…

Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: Đậu Hà)

Nằm bên bờ sông Lam xanh biếc, dưới chân núi Hồng huyền thoại, làng Tiên Điền là cái nôi nuôi dưỡng dòng họ Nguyễn “trâm anh thế phiệt”. Đại thi hào Nguyễn Du tuy không sinh ra ở quê hương nhưng truyền thống của một gia đình danh gia vọng tộc đã truyền vào huyết quản của ông. Quê hương, gia đình, dòng họ đã nuôi dưỡng tài năng và phẩm chất để ông có thể sáng tác nhiều tác phẩm bất hủ, nổi bật là Truyện Kiều. Giá trị nghệ thuật và giá trị nhân đạo trong các tác phẩm của ông đã vượt ra ngoài bờ cõi, trở thành giá trị xuyên thời đại, để hơn 200 năm qua và mãi về sau, nhân loại hướng tới, kiếm tìm chân - thiện - mỹ. Ánh sáng từ các trước tác ông để lại mãi soi sáng tâm hồn, phẩm giá, lương tri của loài người.

Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu vào thế kỷ XVIII được sử sách lưu danh bởi một gia tộc 4 đời: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh bằng con đường học hành khoa bảng đã khai mở một trung tâm văn hóa - giáo dục với hàng ngàn sĩ tử từ mọi miền về đây học tập. Bằng trí tuệ, tâm huyết, đam mê sáng tạo văn hóa, ông đã lập Thư viện Phúc Giang trong khuôn viên nhà thờ dòng họ với hàng vạn quyển sách quý. Ông lập trường học, lập quỹ “học điền” với hơn 20 mẫu ruộng.

Để phục vụ việc học và dạy, ông đã cho sản xuất bộ mộc bản in sách với hơn 2.000 bản. Mỗi năm xưởng in - nhà xuất bản của ông cho ra đời trên 400 quyển sách bằng chữ Hán và chữ Nôm. Học trò của Trường Lưu học hiệu từng có hàng nghìn người, trong đó 30 người đậu tiến sĩ. Dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đã góp phần tạo nên 3 di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng trao thưởng cho các em đạt học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024 trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Nếu Nguyễn Du, Nguyễn Huy Oánh giúp đời theo con đường văn chương, giáo dục thì Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng… sau khi học hành đỗ đạt và làm quan lại “trị nước, cứu đời” bằng các con đường khác nhau. Nguyễn Công Trứ là một nhà chính trị giỏi, nhà quân sự thao lược, nhà kinh tế tài năng và là nhà văn hóa lớn. Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã lãnh đạo Nhân dân quai đê lấn biển, dẫn thủy nhập điền, mở ra một vùng đất rộng lớn phía Đông Nam châu thổ sông Hồng, lập ra làng Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình). Cùng với thơ ca, ông cũng là người sáng tác lời cho ca trù nhiều nhất và được mệnh danh là “ông hoàng hát nói”.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO tôn vinh bởi những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực y học. Y đức, y lý, y thuật và đạo đức, tài năng của người thầy thuốc hội tụ trong các tác phẩm “Thượng kinh ký sự”, “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”… đến nay vẫn là bài học quý giá cho các thế hệ thầy thuốc, không chỉ của Việt Nam. Việc học và sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc của ông không có mục đích gì khác ngoài chữa bệnh cứu người.

Khi đất nước bị xâm lăng, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng đã gác lại việc bút nghiên, hưởng ứng phong trào “Cần Vương”, 10 năm trời nằm gai nếm mật lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đóng quân ở núi rừng Vũ Quang nuôi chí đánh Pháp. Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung… đều là các thầy giáo, những nhà trí thức theo đuổi sự nghiệp giáo dục nhưng trước cảnh nước mất nhà tan, họ đã dấn thân vào con đường lao khổ, đi làm cách mạng để cứu nước. Với họ, học là để khai thông trí tuệ và trau dồi bản lĩnh, đủ sức lãnh đạo Nhân dân đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Đôi bạn “vàng” Hóa học Phan Xuân Hành (bên trái) và Đinh Cao Sơn.

Truyền thống đất học Hồng Lam ngày nay đã được viết tiếp trang mới với nhiều gương mặt mới, đó là: Trịnh Kim Chi - HCV Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương, Lê Nam Trường - HCB Olympic Toán quốc tế; Võ Anh Đức, Phan Nhật Duy, HCV Olympic Toán quốc tế; Phan Xuân Hành, Đinh Cao Sơn - HCV Olympic Hóa học quốc tế; Trần Minh Hoàng - HCB Olympic Toán quốc tế… Số học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, đạt thủ khoa các kỳ thi, được vào các trường đại học danh tiếng của thế giới; số giáo sư, tiến sĩ có những phát minh khoa học được ứng dụng vào thực tiễn… trong vòng 30 năm lại nay không thể tính hết. Họ đã bước tới “đài vinh quang” để sánh vai cùng năm châu như mong muốn của Bác Hồ.

Mạch nguồn truyền thống hiếu học và khí thế thời đại mới sẽ giúp các thế hệ học sinh Hà Tĩnh gặt hái nhiều vinh quang.

Cùng với “nội lực” thì “ngoại lực” để các thế hệ người Hà Tĩnh phấn đấu không mệt mỏi cho con đường học hành chính là sự động viên của gia đình, dòng họ, sự cổ vũ của toàn xã hội và sự giáo dục, rèn luyện của nhà trường, thầy cô. Nhiều ông bố bà mẹ đã “thắt lưng buộc bụng” nuôi dạy con theo con đường khoa bảng. Nhiều thế hệ thầy cô trắng đêm bên trang giáo án với ước nguyện duy nhất là để giáo dục học trò có đủ đức, trí, thể, mỹ. Quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ con em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi; hành trình nâng bước tới trường với học sinh vùng sâu, vùng xa đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Cả xã hội tôn vinh, khuyến khích sự học và đạo học, tạo nên một xã hội học tập.

Phương châm sống, ứng xử với sự học và việc học đã trở thành căn cốt, bản chất của người Hà Tĩnh. Nhờ vậy, qua bao thế kỷ, mạch nguồn hiếu học đất Hồng Lam vẫn chảy mãi và ngày càng dồi dào, thấm đẫm, không bao giờ vơi cạn.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói