Tỷ lệ tàu cá có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật ở Hà Tĩnh đạt thấp

(Baohatinh.vn) - Đến nay, Hà Tĩnh mới chỉ có 150/539 tàu cá có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hạn sử dụng, đạt 27,29%.

Theo Điều 67, Luật Thủy sản năm 2017, tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên phải được đăng kiểm, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật. Tàu cá đóng mới, cải hoán phải được tổ chức đăng kiểm giám sát an toàn kỹ thuật, chất lượng phù hợp với hồ sơ thiết kế được thẩm định và cấp các loại giấy tờ theo quy định. Tàu cá không thuộc trường hợp trên thì phải lắp đặt trang thiết bị bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động.

Tỷ lệ tàu cá có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật ở Hà Tĩnh đạt thấp

Hà Tĩnh mới chỉ có 150/539 tàu cá có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hạn sử dụng.

Thời gian qua, thực hiện quy định của Luật Thủy sản và công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU), Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo các tiêu chuẩn khi ngư dân tham gia đánh bắt trên biển trong đó có cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Chi cục Thủy sản, đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 150/539 tàu cá có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hạn sử dụng (đạt 27,29%). Giấy chứng nhận này dùng để kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của thân tàu, máy tàu, hệ động lực, trang thiết bị an toàn, trang thiết bị khai thác, trang thiết bị xử lý, phân loại, chế biến, bảo quản sản phẩm lắp đặt trên tàu cá với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hiện hành. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi ngư dân thực hiện ra khơi, đánh bắt trên biển.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hạn sử dụng đạt thấp chủ yếu là do trình độ, hiểu biết của ngư dân về các quy định của pháp luật chưa cao; một số tàu thực hiện công tác đăng kiểm tại tỉnh bạn hoặc các trung tâm đăng kiểm tư nhân mà chưa được cập nhật dữ liệu lên hệ thống VNFISHBASE...; hoạt động đánh bắt ngày càng khó khăn nên ngư dân không còn tham gia khai thác hải sản nhưng vẫn chưa làm thủ tục xóa đăng ký, đăng kiểm tàu cá;...

Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi danh sách các tàu cá hết hạn hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật để thông báo cho chủ tàu, yêu cầu thực hiện các quy định theo pháp luật, đảm bảo 100% tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; kiên quyết không cho các tàu cá xuất bến, cửa lạch khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định. Cùng đó là đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật liên quan về Luật Thủy sản, công tác chống khai thác IUU cho ngư dân toàn tỉnh.

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT, thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá thực hiện như sau:

- Thẩm quyền cấp là các cơ sở đăng kiểm tàu cá đủ điều kiện.

- Hồ sơ bao gồm:

Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo Mẫu số 03.BĐ Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản chụp hồ sơ thiết kế đã được thẩm định (đối với trường hợp tàu cá đóng mới, cải hoán);

Theo tiến độ thi công, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá phải trình cơ sở đăng kiểm tàu cá bản sao chứng thực giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và các tài liệu kèm theo đối với máy móc, trang thiết bị sản xuất trong nước hoặc giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận chất lượng và tài liệu kỹ thuật hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, sửa chữa thiết bị của nhà sản xuất đối với máy móc, trang thiết bị nhập khẩu trước khi lắp đặt trên tàu.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast