Đón nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Trần Hưng Đạo

(Baohatinh.vn) - Đền thờ Trần Hưng Đạo hay còn gọi là đền thờ Đức Thánh Trần ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân trong vùng từ bao đời nay.

Sáng 22/4, UBND xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Trần Hưng Đạo.

Đón nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Trần Hưng Đạo

Theo tài liệu lịch sử, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú ruột.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là người có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, được những người tài giỏi dạy, sớm trở thành người đọc thông, hiểu rộng, có tài văn võ.

Đón nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Trần Hưng Đạo

Đền thờ Trần Hưng Đạo ở xã Cổ Đạm, Nghi Xuân.

Từ hơn 700 năm trước, vó ngựa quân Nguyên Mông tiến xuống vùng Đông Nam châu Á hòng xâm chiếm nước Đại Việt. Năm 1285, vua Trần phong cho Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, chỉ huy toàn bộ lực lượng kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Dưới sự chỉ huy thiên tài của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, 3 lần phát động tấn công Đại Việt là 3 lần thất bại của quân Nguyên Mông, tạo nên chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử của dân tộc ta.

Đón nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Trần Hưng Đạo

Chính quyền địa phương và người dân rước bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đền thờ Trần Hưng Đạo.

Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý ( năm 1300), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời. Nhân dân trên mọi miền đất nước đều lập đền thờ, ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc.

Tại xã Cổ Đạm, đền thờ Trần Hưng Đạo được xây dựng từ cách đây hàng trăm năm tại xóm Hải Tây – nay là thôn Bắc Tây Nam để Nhân dân trong vùng tưởng niệm và tôn vinh công lao to lớn của Hưng Đạo Đại vương. Đền là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng tâm linh tín ngưỡng của người dân trong vùng.

Năm 2018, cấp ủy, chính quyền địa phương, các mạnh thường quân và Nhân dân đã tiến hành lễ động thổ, khởi công xây dựng lại đền trên vùng đất cách đền cũ hơn 200m. Đền được xây dựng trên diện tích 9.000 m2 với kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng. Tại đền, hiện còn lưu giữ 2 đạo sắc phong cổ quý hiếm thời Nguyễn phong thần cho vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Để tiếp tục phát huy giá trị truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và ghi nhận những giá trị văn hóa lịch sử của đền Đức Thánh Trần, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 công nhận đền Đức Thánh Trần là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Chủ đề Di chỉ - Khảo cổ

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast