Hạnh phúc - khát vọng ngàn đời của nhân loại

(Baohatinh.vn) - Trải qua nhiều biến động, nhất là sau đại dịch COVID-19, hơn bao giờ hết, nhân loại càng khao khát hạnh phúc, bình yên. Quốc gia thịnh vượng, con người được sống hạnh phúc luôn là niềm mơ ước không chỉ riêng với người Việt Nam mà có lẽ của các quốc gia trên trái đất này.

Hạnh phúc - khát vọng ngàn đời của nhân loại

Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc được xác định là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, là chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Ảnh tư liệu (Vũ Trung Duy).

Đã có rất nhiều người, trong đó có các triết gia của thế giới định nghĩa về hạnh phúc. Trong từng hoàn cảnh lịch sử, xã hội, gia đình cụ thể, với quan điểm của từng cá nhân, mỗi người định nghĩa một cách khác nhau. Theo Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống.

Dẫu có quan niệm thế nào thì hạnh phúc mà hàng tỷ người trên khắp hành tinh này mong ước, khát khao vẫn là một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển; không còn chiến tranh đau thương, thảm họa thiên tai, không còn nghèo đói, lạc hậu; môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội đảm bảo, người với người xích lại gần nhau, bình đẳng và cùng tiến bộ.

Từ một đất nước bị chiến tranh liên miên, gần nửa thế kỷ trước, hạnh phúc của người Việt Nam gắn với khát khao đất nước được hòa bình, độc lập, non sông thống nhất, gia đình sum họp, nụ cười thay cho nước mắt. Những năm tháng chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, hàng triệu người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ đã luôn đi tìm câu trả lời: Hạnh phúc là gì? Nhà thơ Dương Hương Ly trong “Bài thơ về hạnh phúc” đã viết:

Anh nổ súng: Hạnh phúc là gì?

Bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra

Cho đến ngày cất bước đi xa

Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt

Nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, vợ nhà thơ Dương Hương Ly trong những ngày dấn thân vào chiến trường lửa đạn, trải qua bao đau đớn, gian lao vẫn cầm bút. Với chị, được sống, được cống hiến là hạnh phúc: Giữa hai cơn đau, em ngồi ghi chép. Con sông Giàng gầm réo miên man, nước lũ về trang giấy nhỏ mưa chan. Em đã viết, lòng dạt dào cảm xúc. Và em gọi đó là hạnh phúc…

Hạnh phúc - khát vọng ngàn đời của nhân loại

Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của tác giả Lâm Hồng Long. Ảnh: internet

Gần nửa thế kỷ sống trong hòa bình, chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước giàu đẹp, hùng cường, Nhân dân Việt Nam càng thấm thía sâu sắc giá trị của độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc. Những đàn em thơ đã lớn, được nuôi dưỡng, học hành, được phát triển tài năng và trí tuệ, như những đàn chim được bay cao, bay xa. Hàng triệu mái nhà hạnh phúc trong một đất nước bình yên và hạnh phúc. Mỗi người dân đều nhận rõ hơn trách nhiệm làm giàu, làm đẹp cho gia đình, làng xóm, quê hương, đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng Tổ quốc Việt Nam thịnh vượng và phát triển, đó cũng là mang lại hạnh phúc cho mình và cho đất nước.

Những năm gần đây, Tổ chức Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã tổng hợp số liệu chỉ số quốc gia hạnh phúc từ hơn 150 quốc gia trên thế giới, chủ yếu từ Gallup World. Quốc gia hạnh phúc được dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống. Năm 2022, trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR), Việt Nam đã tăng 2 bậc, đứng thứ 77 trên thế giới.

Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hạnh phúc được xác định là mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, là chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Đó là những chỉ dẫn quan trọng đối với quản trị quốc gia, đưa hạnh phúc trở thành một mục tiêu thực tế trong phát triển đất nước.

Việc Đảng chủ trương giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế nhiều thành phần, chăm lo phát triển văn hóa - giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, phát huy tiềm năng con người và thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền… đã mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân. Hạ tầng giao thông phát triển, tạo thuận lợi tối đa cho việc đi lại, thông thương của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay bộ mặt nhiều làng quê, rạng rỡ từng ngõ thôn, phố phường, từng ngôi nhà, làm cho nông dân, ngư dân giàu lên trên chính đồng đất, biển trời quê hương của mình. Di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi trên khắp mọi miền quê từ thành thị đến nông thôn góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Việt Nam từ nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có thể tham gia vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Quốc gia hưng thịnh thì gia đình hạnh phúc, đó là mối tương quan biện chứng.

Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2023 với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người” với các khẩu hiệu: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh!; Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc!; Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình!; Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên! Đó là những định hướng rõ ràng và chân xác.

Hạnh phúc - khát vọng ngàn đời của nhân loại

Gia đình Việt Nam ngày nay đang thích ứng với sự thay đổi của thời đại, đề cao chia sẻ, yêu thương, bình đẳng giới. Ảnh: Tiệm nhà cỏ

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc thì xã hội tốt đẹp, bình yên. Không ai khác, mỗi chúng ta, thành viên của từng gia đình, phải tự tay mình chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Muốn vậy, phải biết lắng nghe và chia sẻ, phải biết bảo vệ trẻ em khỏi các tệ nạn xã hội, những mặt trái của mạng xã hội, tạo môi trường sống, làm việc của chính mình và mọi người lành mạnh, tiến bộ, văn minh, hài hòa với thiên nhiên, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Ở các quốc gia Bắc Âu có chỉ số hạnh phúc đứng đầu thế giới, con người luôn hòa mình với thiên nhiên và biết cách để bảo vệ thiên nhiên. Đó là bài học cho các nước, trong đó có Việt Nam. Hạnh phúc riêng bao giờ cũng phải hài hòa với hạnh phúc chung của đất nước, xã hội, như thế mới bền vững.

Hạnh phúc không tự đến, “phải đâu may nhờ rủi chịu”, hạnh phúc là sự nỗ lực của mỗi một người, trong thời gian dài. Như cái cây, từng ngày một phải tự bám rễ, thu nhận dưỡng chất, chống chọi với sương gió, vươn lên để xanh tốt, đơm hoa kết trái. Các Mác nói: “Hạnh phúc là đấu tranh” là vì thế. Đấu tranh với thiên tai, đấu tranh với kẻ thù, đấu tranh với những tư tưởng thủ cựu, lạc hậu, với cái ác, với những thói hư, tật xấu của chính mình và của người khác để xây dựng xã hội tốt đẹp, lành mạnh, gia đình hạnh phúc, con người phát triển, tiến bộ.

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 là dịp để mỗi người, mỗi nhà, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi quốc gia có cơ hội nhìn nhận lại mình để định hướng hành động trong thời gian tới nhằm xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh và tiến bộ, đất nước phồn vinh, thịnh vượng; nhà nhà, người người no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast