Ngày tết, bàn chuyện gia phong

(Baohatinh.vn) - Không có thời điểm nào minh chứng cho sự sống trường tồn của gia đình Việt bằng ngày tết Nguyên đán.

Ngày tết, bàn chuyện gia phong

Tết Nguyên đán là dịp để người Việt thực hành các nghi lễ, tập tục văn hóa truyền thống. Ảnh Internet

Đó là ngày lên đường về quê của hàng triệu, hàng chục triệu con cháu, anh em, khắp mọi nơi trên đất nước, bất kể tốn kém, bất chấp vất vả tàu xe. Trong hòa bình là thế. Trong bom đạn chiến tranh cũng thế. Chẳng có một lực cản nào ngăn trở được dòng người trên muôn nẻo đường hướng về quê - nơi có ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột thịt đang sống; cũng là nơi có bàn thờ gia tiên và phần mộ tổ tiên; nơi có cả một bầu khí quyển thân thuộc gắn với trọn vẹn những kỷ niệm tuổi thơ cho cả một đời người.

Cho đến hôm nay, sau hơn một năm đại dịch toàn cầu và thiên tai lũ lụt, câu chuyện tết đến, xuân về lại tiếp tục với những cuộc hành trình bất tận đối với tất cả mọi công dân Việt trên khắp mọi miền của đất nước ta.

Chữ hiếu tồn tại trong quan hệ gia đình. Trung và hiếu là hai phẩm chất cơ bản làm nên sự bình ổn của xã hội phong kiến Việt Nam trong hàng nghìn năm, nhưng không phải đã hết ý nghĩa đối với xã hội hôm nay và cả mai sau. Bởi, tôi nghĩ, nhân loại dù có văn minh đến đâu, con người có thay đổi đến đâu, vẫn không thể cắt rời với cuống nhau gia đình, nó là hạt nhân, là gốc rễ cho sự hình thành và phát triển một nhân cách xã hội.

Trong hai chữ trung và hiếu làm nên tứ đức: trung, hiếu, tiết, nghĩa tồn tại nhiều nghìn năm thì chữ trung có thể dịch chuyển, còn chữ hiếu là bất biến. Hàng nghìn năm trước, trung là trung với vua. Không ai nghĩ thay vua, nhưng có thể thay hôn quân bằng minh quân. Còn bây giờ thì thay vua bằng nước.

Hiếu là hiếu với cha mẹ, thì muôn đời vẫn thế. Bởi không ai thay được cha mẹ, ông bà; khiến cho mỗi gia đình Việt đều có một bàn thờ gia tiên, một nơi trang trọng nhất để thờ phụng. Với chữ hiếu, đó là sự xác định mối gắn kết đầu tiên và cơ bản của con người, mối gắn kết dòng dõi - huyết thống (Co-Descendance). Từ gắn kết này mà có gia đình, gia tộc, dòng họ; nó là hạt nhân cơ bản cho mọi gắn kết xã hội; có trước mọi gắn kết khác như gắn kết bởi nơi cư trú (Co-Résidence) để có làng và nước và gắn kết về lợi ích (Co-Intérêt) bởi sự hình thành giai cấp trong phát triển xã hội.

Ngày tết, bàn chuyện gia phong

Gia đình 4 thế hệ của bà Thanh (áo tím), ông Dưỡng ở tổ dân phố 2, thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) luôn tràn ngập tình yêu thương (ảnh Kiều Minh - chụp tháng 7/2020).

Gia đình, bắt đầu bằng chữ gia, tức là nhà; gia - nhà, quốc - nước. Hiếm có khái niệm nào có nhiều chữ ghép, nhiều phụ gia, như chữ gia. Đó là gia tộc, gia tiên, gia thế, gia pháp, gia huấn, gia giáo, gia đạo, gia phong... Nội hàm của mỗi khái niệm trên có cái riêng nhưng tất cả đều nhằm vào việc xác định một khu vực, một phẩm tính, một gắn kết chung, đó là gia đình. Gia đình trong lịch sử là gia tộc, gia tiên thể hiện qua gia phả. Gia đình trong những quy ước cho sự gắn kết, thành văn hoặc bất thành văn, đó là gia huấn, gia giáo, gia đạo. Gia đình, khi mọi nền nếp, mọi quy ước đã được tuân thủ qua rất nhiều đời và gây được tiếng vang, tiếng thơm trong công luận thì đó là gia phong.

Đến được với gia phong, đó là sự kết tinh những truyền thống ưu tú của một dòng họ qua rất nhiều đời và với sức tỏa rộng của nó mà làm nên những nền tảng tinh thần, văn hóa, đạo đức cho xã hội.

Gia phong - nếp nhà, đó là một cách nói gọn những truyền thống tốt đẹp của một gia hệ. Từ rất xưa, trong tồn tại của cộng đồng dân cư Việt đã xuất hiện những nhà, những gia hệ gắn với tên tuổi các danh nhân văn hóa, lịch sử của dân tộc, được người đời nhìn vào một cách ngưỡng mộ và đem lại vinh dự, sự hãnh diện không chỉ cho các thành viên là con cháu nhiều đời, mà còn cho tất cả những ai là… đồng hương, trước hết là trong các đơn vị làng, xã hoặc phủ, huyện. Họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, Phan Huy ở Sài Sơn, Trần ở Nam Định, Vũ, Võ ở Hải Dương...

Với Xứ Nghệ thì đó là họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Can Lộc, Nguyễn Khắc, Hà Huy ở Hương Sơn, Hoàng Xuân ở Yên Hồ - Đức Thọ, Hồ ở Quỳnh Lưu, Nguyễn Sinh ở Nam Đàn, Cao Xuân ở Diễn Châu, Đặng ở Thanh Chương, Nguyễn Đức ở Nghi Lộc…

Ngày tết, bàn chuyện gia phong

Toàn cảnh Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân). Ảnh: Thành Nam

Những dòng họ lớn như trên từng làm nên gương mặt văn hóa cho cả một vùng. Trong các mối liên kết giữa các dòng họ qua kênh dẫn giáo dục là quan hệ thầy trò, hoặc kênh dẫn hôn nhân - dựng vợ gả chồng (môn đăng hộ đối), gương mặt văn hóa của một vùng và rộng ra là cả một khu vực được xác định và góp phần làm nên gương mặt chung của văn hóa dân tộc.

Mỗi dòng họ được khởi phát từ một người thành đạt, rồi từ đó mà lan tỏa, sinh sôi. Hoàng giáp Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (1707-1775), thân phụ Nguyễn Du - giữ chức Tể tướng 15 năm dưới triều Lê Hiển Tông, có đến 8 người vợ với cả một hệ thống con cháu, gồm nhiều chi trưởng, thứ, đã để lại quê hương Xứ Nghệ câu ca:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Rum hết nước, họ này hết quan.

Do truyền thống đại gia đình, với các quan hệ gia tộc, dòng họ gắn với nơi cư trú mà tạo nên sự gắn kết với làng và nước. Có làng rồi mới có nước. Từ làng đến nước, từ đồng hương (cùng quê) đến đồng bào (cùng một bọc) mà truyền thống yêu nước của dân tộc Việt trong hàng ngàn năm đã được xây dựng để chống lại mọi âm mưu đồng hóa và xâm lược của phương Bắc và mỗi làng trở thành một pháo đài trong 3 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc trong thế kỷ XX. Chính trên mối gắn kết sâu sắc này mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định rất sớm chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, xem đó là nguyên nhân số 1 cho mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Một truyền thống lâu dài, lâu đời như thế của sự gắn nối gia đình với làng nước, với đất nước đã làm nên sức mạnh tinh thần vĩ đại của dân tộc qua bao thử thách của lịch sử. Bởi vậy, nguy cơ tan vỡ của gia đình và sự xuống cấp đạo đức xã hội là đáng lo, đáng sợ biết chừng nào!

Ngày tết, bàn chuyện gia phong

Lời cổ của dân ca ví, giặm thường Nghệ Tĩnh thường có tính giáo dục rất cao.

Trở lại vấn đề gia phong, bây giờ, hơn bất cứ lúc nào, rất cần được chấn hưng từ các đơn vị gia đình. Hãy từ gia đình mà tái dựng nên sự bình ổn, bình yên cho xã hội. Và phải lấy làm mừng, trong nhiều năm gần đây, sự khôi phục lại nền nếp thờ phụng tổ tiên, hoạt động của các dòng họ, các hội đồng hương, gây quỹ động viên con em học tập, khuyến khích người giàu đóng góp cho quê hương...

Tất cả, theo tôi nghĩ, đó chính là một phản ứng tự vệ chính đáng và cần thiết để khơi lại những nguồn mạch trong trẻo của đạo lý, vốn ẩn chứa rất sâu trong tâm thức con người. Sau các hội, lễ lớn nhỏ chung cho cộng đồng là giỗ, tết riêng cho từng gia đình, từng dòng họ. Hội, lễ ồn ào, tốn kém với nhiều mục tiêu khác nhau; còn giỗ chạp, tết nhất là thành tâm, là tận hiến của những thành viên có chung nguồn cội.

Từ gia đình - gia tộc đến gia phong - đó là con đường chấn hưng lại những nền tảng đạo đức đã và đang bị thương tổn, sứt mẻ do sự thiếu chủ động trước những chấn động mới của đất nước trong nền kinh tế thị trường đang đi vào hội nhập và toàn cầu hóa hơn hai chục năm qua.

GS Phong Lê

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast