Phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Văn Kỳ đề nghị đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.

Sáng 12/4, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ dự buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về thực hiện Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 93).

Phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hà Tĩnh

Thực hiện Nghị quyết 93, Hà Tĩnh đã có những quyết sách, giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

Sở VH-TT&DL đã đề nghị UBND các địa phương căn cứ nội dung của Nghị quyết 93 để xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các nội dung của nghị quyết; đẩy mạnh quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ đến tận cơ sở.

Chỉ đạo tăng cường các tiết mục dân ca ví, giặm, ca trù trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, liên hoan nghệ thuật quần chúng; xây dựng kế hoạch, kinh phí ngân sách hằng năm cho công tác bảo tồn di sản văn hóa và hoạt động của các câu lạc bộ theo nội dung của đề án.

Phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hà Tĩnh

Phó Giám đốc Sở VH-TT& DL Lê Thị Loan báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 93.

Đến nay, Hà Tĩnh đã có 1 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân và 17 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Năm 2020, Hà Tĩnh tiếp tục đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân cho 2 cá nhân và nghệ nhân ưu tú cho 8 cá nhân…

Hiện nay toàn tỉnh thành lập được 165 CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; nhìn chung hoạt động khá tốt, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Nghị quyết số 93 của HĐND tỉnh, đến nay, tổng kinh phí bố trí từ ngân sách tỉnh là hơn 5,8 tỷ đồng cho công tác phục dựng, quảng bá, số hóa di sản văn hóa Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và hỗ trợ kinh phí thành lập mới, duy trì hoạt động các câu lạc bộ dân ca ví, giặm.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế về kết quả thực hiện Nghị quyết 93 như: Cần rà soát lại việc phục dựng không gian diễn xướng gắn với du lịch, xây dựng bảo tàng tỉnh, quan tâm khôi phục, tôn tạo các di tích văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững theo chiều sâu.

Phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hà Tĩnh

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ lưu ý: Cần đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa.

Sở VH-TT&DL quan tâm tập trung thực hiện một số nhiệm vụ để thực hiện tốt Nghị quyết 93 như: Phát triển các CLB ca trù, dân ca ví dặm, giặm Nghệ Tĩnh ở trường học; thúc đẩy thành lập các CLB ca trù, câu lạc bộ trò Kiều; bảo tồn 2 di sản Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ; sớm hoàn thiện đề án quy hoạch làng văn hóa du lịch Trường Lưu, trung tâm di sản văn hóa Trường Lưu

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Sở VH-TT&DL, đoàn sẽ tổng hợp trình lên các cấp, ngành liên quan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast