Theo truyền thuyết lịch sử, các tài liệu, thư tịch cổ, thời đại Hồng Bàng là thời đại thượng cổ của lịch sử Việt Nam. Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, sinh 15/8 năm Nhâm Ngọ (2919 TCN). Năm 2879 TCN, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một ngôi sao sắc đỏ rực rỡ nhất trong 28 vì sao sáng trên bầu trời) - nhà nước sơ khai, độc lập, có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Lúc đầu Kinh Dương Vương đóng đô ở núi Ngàn Hống (Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), sau đó dời đô về Ao Việt (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay). Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng.


Công tác chuẩn bị bàn thờ cho ngày chính lễ
Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nước. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân. Bởi chúng ta luôn tự hào được mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Các cụ cao niên phường Đậu Liêu làm lễ tế
Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng, thuộc phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Hàng năm, cứ đến dịp giỗ tổ Hùng Vương (10/3 AL), nhân dân trong vùng và các vùng phụ cận, các tăng ni, phật tử cùng đến dâng nén tâm hương hướng về cuội nguồn dân tộc với tất cả tấm lòng tri ân, thành kính.
Ông Nguyễn Văn Bản, phường Bắc Hồng cho biết: “Không ra được Đền Hùng (Phú Thọ) để thắp hương cho các Vua Hùng, nhưng năm nào cứ đến ngày giỗ tổ tôi cũng đến chùa Đại Hùng thắp nén hương nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Tôi mong muốn đời sau luôn luôn nhớ đến tổ tiên, cội nguồn, bởi có Vua Hùng mới có con cháu chúng ta ngày hôm nay.”

Du khách tham quan triển lãm ảnh “Phật giáo Việt Nam - đồng hành cùng dân tộc”
Theo Đại đức Thích Thanh Vượng - Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thị xã Hồng Lĩnh, trụ trì chùa Đại Hùng, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất cả phần lễ, phần hội. Giỗ tổ Hùng Vương năm nay sẽ diễn ra long trọng gồm 2 phần: phần lễ sẽ rước bài vị các Vua Hùng, lễ tế dân gian và các nghi lễ Nhà nước… Phần hội gồm các hoạt động như: tổ chức giải đẩy gậy nam, nữ; đêm giao lưu văn nghệ “Tiếng hát từ cuội nguồn”; triển lãm ảnh “Phật giáo Việt Nam- đồng hành cùng dân tộc”... Đặc biệt, lễ giỗ năm nay, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng sẽ công bố mẫu tượng của Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mẫu Âu Cơ, Vua Hùng Vương thứ 1 và Vua Hùng Vương thứ 18; công bố quy hoạch chi tiết Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng.

Cặp bánh chưng có trọng lượng 60 kg của nhân dân phường Đậu Liêu dâng lễ
Lễ giỗ tổ theo nghi thức truyền thống không thể thiếu lễ vật dâng cúng là những sản vật như bánh chưng, bánh dày, xôi, hoa quả... Chị Thái Thị Điểm - Chủ tịch Hội LHPN phường Đậu Liêu cho biết: Để làm được cặp bánh chưng nặng 60kg, phường đã huy động nhiều người làm việc từ các khâu vo nếp, rửa lá, thái thịt, đãi đậu xanh... đến làm khung bánh, lò nấu bánh. Sáng hôm nay (5/4), UBND phường đã cùng bà con nhân dân tổ chức rước lễ vật dâng lên bàn thờ Quốc tổ.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Đinh Văn Hồng cho biết: Lễ giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh thị xã Hồng Lĩnh sau 25 năm xây dựng và trưởng thành…