Văn hóa của người thăm nuôi trong bệnh viện

(Baohatinh.vn) - Cuối năm 2022, tôi và 2 người bạn cùng lớp rủ nhau vào thăm bố người bạn điều trị ở Bệnh viện  Đa khoa TTH (TP Hà Tĩnh). Đến đây, thêm một lần nữa tôi nhận ra kỷ cương của bệnh viện, đặc biệt là ở khu hậu phẫu, điều mà lâu nay nhiều người không để ý, nhất là những người đi thăm bệnh nhân.

Chúng tôi được hướng dẫn đi theo cổng vào của người nhà, làn dành cho ô tô, được cấp thẻ vào, khi ra cổng khác, cũng phải đúng làn, trả thẻ cho bảo vệ xong barie mới được nâng lên.

Văn hóa của người thăm nuôi trong bệnh viện

Người dân chấp hành kỷ cương khi ra vào ở Bệnh viện Đa khoa TTH (TP Hà Tĩnh)

Sau khi đỗ ô tô theo chỉ dẫn, chúng tôi đi vào khu hậu phẫu. Đến đây mới biết có rất ít người đi thăm người bệnh. Do chúng tôi quá tha thiết nên anh bạn mới điện cho người nhà ra đón ở sảnh. Do vội (và không thấy ai nhắc) nên chúng tôi chưa thay dép ở phòng ngoài cùng mà mang theo dép vào hành lang. Ngay lập tức, một cô nhân viên từ phòng phục vụ đi ra ngăn chúng tôi lại, yêu cầu trở ra phòng thay dép. Vừa quay lưng, tôi nghe tiếng cô nhân viên phê bình bà vợ của bệnh nhân, rằng đã dặn rồi sao còn cho người nhà vào đông, không dặn họ thay dép...

Sau khi thay dép, chúng tôi trở lại hành lang để được dẫn vào buồng bệnh nhân đang nằm. Dù được anh bạn dặn rất kỹ là chỉ đứng ngoài nhìn vào để động viên ông nhưng thấy không khí có vẻ hơi căng nên chúng tôi không đi tiếp nữa mà gửi qua người nhà chút quà cho người bệnh rồi ra về. Lướt qua cửa sổ các phòng bệnh nhìn vào thấy một không gian vô cùng sạch sẽ, các giường bệnh được bố trí khoa học, hợp lý.

Dọc đường về, chúng tôi cứ áy náy mãi. Người Việt mình vốn sống tình cảm, nghe tin bà con họ hàng, người quen thân đau ốm là rủ nhau, hẹn nhau đi thăm, chia sẻ, động viên. Đó là nét đẹp trong đời sống, nhưng phải tùy bệnh nhân mà đi thăm. Những người vừa phẫu thuật hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm thì cần hạn chế tiếp xúc để tránh nhiễm khuẩn cho người bệnh và lây nhiễm cho người khỏe.

Văn hóa của người thăm nuôi trong bệnh viện

Người đi thăm nuôi bệnh nhân cần tuân thủ các quy định và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Minh họa Internet

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa TTH mà nhiều bệnh viện lớn trên cả nước, trong tỉnh, nội quy buồng bệnh vô cùng nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh. Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, tôi có người nhà phải thăm nuôi ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Trước và sau ca mổ, bệnh viện chỉ cho duy nhất một người vào chăm sóc, mà chỉ được ngồi, không được nằm chung giường, không được mang thêm ghế hay tấm trải nằm trong phòng. Nếu có người nhà vào thăm vào giờ quy định ngồi lên giường bệnh, bảo vệ phát hiện được thì hộ lý phụ trách phòng đó sẽ bị kỷ luật.

Người nhà hết sức vất vả khi phải trắng đêm gật gà gật gù trên ghế, nhưng bù lại, người thân của mình có được giấc ngủ sâu, được bảo vệ trong môi trường sạch sẽ. Hiện nay, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh vào ban ngày, chỉ ban đêm mới cho người nhà vào thay. Những điều này là hướng tới môi trường chăm sóc bệnh nhân hiện đại như các nước tiên tiến.

Văn hóa của người thăm nuôi trong bệnh viện

Mỗi ngày, lượng người ra vào ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh rất đông nên người thăm nuôi cần nâng cao ý thức.

Hiện nay, tình trạng người nhà, người thân của bệnh nhân rủ nhau từng đoàn đi thăm bệnh nhân, nói cười rổn rảng dọc các hành lang buồng bệnh tuy có giảm thiểu nhưng vẫn diễn ra. Rồi hành vi xả rác, nước thải không đúng nơi quy định, hút thuốc lá trong bệnh viện, chuông điện thoại reo to... vẫn còn. Điều này ít được quan tâm, nhắc nhở bởi số lượng người ra vào quá đông.

Với những bệnh viện nhỏ, ít bệnh nhân thì còn đỡ, nhưng với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh... khó mà kiểm soát nổi. Vì vậy, bên cạnh việc mỗi người nhà tự nâng cao ý thức thì những hiện tượng nói trên rất cần được nhắc nhở, chấn chỉnh, nhằm trả lại cho bệnh viện môi trường sạch sẽ, văn minh như người ta thường nói: Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện.

Chủ đề Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast