Văn hóa Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đó là nội dung câu nói của Bác Hồ từ năm 1946, là nghị quyết của mọi nghị quyết không chỉ về văn hóa mà còn là định hướng phát triển đất nước trong mọi thời kỳ.

Văn hóa là gì?

Văn hóa, theo tôi, nên được hiểu một cách đơn giản: “Văn hóa là toàn bộ sản phẩm vật chất, tinh thần con người đã sáng tạo ra để phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, mang tính nhân văn, tiến bộ và là động lực phát triển của mỗi con người, mỗi dân tộc và toàn bộ nhân loại. Kết tinh của văn hóa là ứng xử đẹp đẽ giữa con người với con người”.

Văn hóa Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một giá trị văn hóa đặc biệt. Ảnh tư liệu

Có những sản phẩm do con người làm ra nhưng không phải là văn hóa, như là chiến tranh xâm lược. Ngược lại, chiến tranh vệ quốc là một hành vi văn hóa.

“Văn hóa xe buýt” cần được hiểu là “Ứng xử văn hóa của con người khi đi trên xe buýt”.

“Văn hóa Đảng” cần được hiểu là xây dựng Đảng thành một khối đoàn kết, thống nhất gồm những người con ưu tú của dân tộc, hành động của mỗi đảng viên, mọi hoạt động Đảng phải vì lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân. Mỗi đảng viên là một tấm gương sáng về đạo đức, lao động, về khả năng dẫn dắt đến hạnh phúc cho Nhân dân.

Văn hóa Hồ Chí Minh là gì?

Thế kỷ XX có một cụm từ làm cho chúng ta rất đỗi tự hào về thời đại của mình, đấy là cụm từ “Thời đại Hồ Chí Minh”. Đây không phải là một sản phẩm tuyên truyền mà là một sản phẩm lịch sử, sản phẩm văn hóa. Đây không phải là lời ngợi ca riêng Bác Hồ, mà là sự thăng hoa của dân tộc từ ngày có Đảng, Bác Hồ.

Nét nổi bật của thời đại Hồ Chí Minh là thời đại lập nên những chiến công hiển hách bậc nhất trong lịch sử dân tộc và cũng có thể nói là của thế giới, khi một nước nhỏ đánh thắng 3 đế quốc to, đẩy lùi cuộc xâm lược của thế lực bành trướng, quét sạch chủ nghĩa diệt chủng.

Sức mạnh sâu xa đó nằm ở sức mạnh con người Việt Nam, những người “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” dưới mặt trời Cách mạng tháng Tám, tức là những “sĩ - nông - công - thương” vốn được tôi đúc hào khí anh hùng hàng nghìn năm, nay được có thêm quyền làm chủ và ý thức được quyền làm chủ. Văn hóa đoàn kết, yêu nước khi có thêm văn hóa dân chủ, liên kết Nhân dân thành một lực lượng vô địch. Chính phía Mỹ đã thua Việt Nam trong chiến tranh là thua về con người, về văn hóa.

Con người làm ra tất cả, nhưng chính con người là sản phẩm của văn hóa. Văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng con người. Với quan niệm cực kỳ đúng đắn và căn bản “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”, Bác luôn quan tâm đến việc xây dựng con người (trong đó có người cán bộ) và thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó cũng là thành tựu lớn của thời đại Hồ Chí Minh.

Văn hóa Hồ Chí Minh

Giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, chu đáo với mọi người là những đặc tính nổi bật trong đạo đức, lối sống và phong cách Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Bác Hồ sử dụng thử chiếc máy cấy tại ruộng thí nghiệm của Sở Nông Lâm, Hà Nội (tháng 7/1960). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Mọi tư tưởng của Hồ Chí Minh đều có kế thừa và phát triển. Tư tưởng xây dựng con người của Bác là kế thừa trực tiếp từ Khổng Tử. Từ năm 1927, Bác viết “Hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lê-nin!” (Thanh niên, 20/2/1927). Sau này, Bác luôn nhấn mạnh, nhân trí dũng liêm, cần kiệm liêm chính, dĩ công vi thượng... là những khái niệm của Nho giáo trong việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện con người. Trên cơ sở những điều căn bản ấy, tư tưởng về con người mới Việt Nam ở Bác có những phát triển vượt gộp: Là con người vừa hồng, vừa chuyên, có lòng yêu nước thiết tha và tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Từ trung với vua đến trung với nước, hiếu với dân: từ làm quan là để chăn dân (phụ mẫu chi dân) thành công bộc, đầy tớ của Nhân dân. Bác không chỉ đòi hỏi tu dưỡng đạo đức mà còn đòi hỏi học tập để thành tài: “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”... Bác không chỉ yêu cầu học cha ông mà còn học thế giới: Sau khi giành được chính quyền năm 1945, Bác đã từng viết thư cho Tổng thống Mỹ để gửi 500 thanh niên ưu tú sang Mỹ học tập. Việc này không thành, trong kháng chiến và sau hòa bình lập lại 1954, Bác lại tiếp tục chỉ thị và tổ chức đào tạo những hạt giống đỏ ở các nước XHCN. Bác luôn trông mong, vun đắp cho thế hệ tương lai. Trong thư gửi học sinh ngày khai trường đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay trong Di chúc, Bác đều viết với sự tha thiết nhất của trái tim.

Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa vì nước, vì dân

Tư tưởng vì nước, vì dân của Bác tiếp thu từ những hạt nhân tiến bộ của Nho giáo (Dân là quý; thứ đến xã tắc, vua xem nhẹ - Mạnh Tử; thuận theo ý trời, yêu thương lẫn nhau, làm lợi cho nhau, thì sẽ được trời ban thưởng - Mặc Tử), tiếp thu từ dân chủ tư sản và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Và Bác đạt đến đỉnh cao nhất của tinh thần vì nước, vì dân.

Bác đặt tên mình là Nguyễn Ái Quốc. Và ham muốn suốt đời, tột bậc của Bác là nước nhà được độc lập, dân tộc được giải phóng. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Bác khẳng định với nữ đồng chí Rô-dơ: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(1). Bác đã nhiều lần nhấn mạnh điều đó và suốt đời theo đuổi mục đích đó. Ác-nu, một viên mật thám ở Bộ thuộc địa Pháp đã thốt lên vào năm 20 của thế kỷ XX: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”(2). Lịch sử đã diễn ra đúng như vậy.

Văn hóa Hồ Chí Minh

Bác Hồ luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Trong ảnh: Bác Hồ thăm nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). (Ảnh: TTXVN)

Để cách mạng thành công, Người hiểu rằng phải có chính đảng lãnh đạo. Nhưng đảng ấy phải là của toàn thể dân tộc Việt Nam, phải là đảng của “đạo đức, văn minh”, là người lãnh đạo đồng thời là “người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Báo cáo chính trị tại Đại hội II do Bác trình bày khẳng định: “Quyền lợi của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Điều 1 của Hiến pháp năm 1946 mà Bác Hồ là Trưởng ban soạn thảo đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Làm cách mạng là cái gì có lợi cho dân thì nên làm, có hại cho dân thì nên tránh. Nếu thấm nhuần lời dạy của Bác thì chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa giáo điều... không thể phát sinh, nảy nở. Nói tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân Dân Việt Nam ngày 21/7/1956, Bác khẳng định: “Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức không phải chân lý”(3).

Văn hóa Hồ Chí Minh là hướng tới giải phóng con người, vì con người

Những khái niệm Tổ quốc, dân tộc, độc lập... chỉ thiêng liêng khi gắn với con người. Con người mới là mục đích của sự giải phóng. Hạnh phúc thật sự cho mỗi người mới là mục tiêu của cách mạng. Năm 1922, tờ Người cùng khổ (Le Paria) do Bác Hồ sáng lập tuyên ngôn: “Sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”! Năm 1945, ngay khi mới giành độc lập, Người tuyên bố: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Báo Cứu Quốc, số ra ngày 17/10/1945). “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”! Danh ngôn, phát kiến vĩ đại mang tên Hồ Chí Minh ấy, không chỉ nói về một dân tộc, mà xa rộng hơn, cho mỗi con người!

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đó cũng là kết tinh của tinh thần, của văn hóa Việt Nam, nên dù chịu hàng trăm hay cả nghìn năm đô hộ, Việt Nam không nguôi ý chí giành độc lập; “Việt Nam là lá cờ đầu xóa bỏ chế độ thuộc địa” như cảm nhận sâu sắc của Kít-xinh-giơ. Để hướng tới sự giải phóng và phát triển toàn diện của con người, phải gắn chặt trong một sự nghiệp tập thể và với người cán bộ thì phải “dĩ công vi thượng”, với đại chúng thì quan hệ biện chứng là “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của tình yêu thương và sự giản dị, khiêm tốn

Trong bài thơ “Bác ơi!”, Tố Hữu viết:

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Mỗi ngày sống của Bác là một ví dụ xúc động về tình thương yêu con người.

Năm 1945, là Chủ tịch nước, cứ 10 ngày Bác Hồ nhịn ăn 1 bữa để góp gạo vào hũ gạo tiết kiệm cùng Nhân dân cứu đói. Năm 1950, Bác đến thăm trại tù binh, do trời đang rét, Bác đã cho viên quan ba thầy thuốc của quân đội Pháp chiếc áo khoác của mình... Luật sư Max Clainville Bloncourt đã nhận xét về Nguyễn Ái Quốc: “Tôi có cảm tưởng: Ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí và quán triệt suốt cuộc đời của anh... Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ. Và càng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy các dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung”(4). Sau này, nhà sử học người Mỹ Josephine Stenson viết: “... Hồ Chí Minh là người bình thường; sống hòa đồng trong cuộc sống của xã hội. Người thương yêu tất cả, chỉ quên mình. Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau”.

Văn hóa Hồ Chí Minh

Bác Hồ trồng cây đa lưu niệm trên đồi cây của xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 16/2/1969. Người căn dặn phải bắt đầu từ việc chăm sóc cây mới trồng, từng con người mới lớn, nâng niu từng tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện ở trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu triệu quần chúng nhân dân lao động trong cả nước. Phải có nhiều cây mới thành rừng, phải có nhiều người tốt mới thành một xã hội tốt đẹp. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở những trước tác mà thể hiện sinh động bằng chính cuộc đời mình. Ông Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể: “Dù đã ít nhiều hiểu về tính giản dị của Bác, chúng tôi vẫn bồi hồi khi sắp xếp hành lý (cũng là tài sản riêng) của vị Chủ tịch đứng đầu nước Việt Nam, vẻn vẹn một cái va-li nhỏ đựng 1 bộ quần áo vải ka ki (không kể bộ quần áo Bác đang mặc), 2 bộ quần áo cánh, 2 bộ quần áo lót, 3 mùi xoa... không mang giày vì Bác ưa đi dép cao su”(5). Ở nhà, Bác ăn cơm rau muống, mấy quả cà Xứ Nghệ và một món mặn là thịt kho hay trứng tráng. Đi công tác, Bác thường gói cơm nắm, không bao giờ phiền các địa phương...

Đồng chí Song Tùng, nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, một người gần gũi Bác Hồ kể: Năm 1957, trong bữa cơm thân mật, một lãnh đạo Ba Lan có hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, đồng chí là người nổi tiếng về khiêm tốn. Vậy thưa đồng chí, khiêm tốn phải như thế nào?”. Bác trả lời rằng: “Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Đối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Đối với đồng chí và bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Đối với kẻ thù cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”.

Phát huy văn hóa Hồ Chí Minh

Trên đây, tôi chỉ điểm qua một số nét cơ bản của văn hóa Hồ Chí Minh. Theo một hệ thống khác, mọi người sẽ tìm ra những đặc trưng khác. Để phát huy văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta phải thấu hiểu tư tưởng, phải học tập đạo đức, phong cách của Người mà cốt lõi là yêu nước, yêu tự do, độc lập, thương người, vì dân, vị tha, giản dị, khiêm tốn.

Thật kỳ diệu, khi nước nhà mới độc lập, ngày 24/11/1946, Chính phủ mở “Hội nghị Văn hóa toàn quốc” và chính Bác Hồ đọc diễn văn khai mạc. Hai năm sau, trong hoàn cảnh kháng chiến, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II được tổ chức, diễn ra trong 5 ngày (16 đến 20/7/1948).

Văn hóa Hồ Chí Minh

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ sống và làm việc trên chiến khu Việt Bắc, Người luôn luôn giữ một nếp sống giản dị và thanh bạch. Trong ảnh: Bác Hồ trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Báo Cứu Quốc số 416 ra ngày 25/11/1946 đã đăng tường thuật cho biết, Bác đã định hướng cho sự phát triển của văn hóa nước nhà: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”. Và chính trị, văn hóa, có đòi hỏi nghĩa vụ, nhưng cái chính là làm cho người dân biết hưởng thụ hạnh phúc: “Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”.

-----------------

Chú giải:

1. Theo Hồng Hà, Thời thanh niên của Bác Hồ, NXB Thanh niên, 2011, tr.94. Sđd, tr.58.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, 2011, tập 10, tr.378.

3. Hồng Hà, Bác Hồ ở Pháp, NXB Văn học, 1970.

4. Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ kể chuyện, NXB CTQG, 2005, tr.117.

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast