Có một Hà Tĩnh trong “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ

(Baohatinh.vn) - Có lẽ bất kỳ người Hà Tĩnh nào, khi đọc bài thơ “Khoảng trời, hố bom” cũng đều thấy nhìn thấy hình ảnh quê hương Hà Tĩnh mình với hình ảnh những TNXP anh dũng trong đó.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự chiến đấu và hy sinh của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến lửa Trường Sơn đã trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ là sự khắc họa rõ nét về những tấm gương hy sinh của các nữ TNXP.

Có một Hà Tĩnh trong “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ

Những hố bom ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc luôn gợi nhắc về sự hy sinh của lực lượng TNXP trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Có lẽ bất kỳ người Hà Tĩnh nào, khi đọc bài thơ ấy cũng đều thấy hình ảnh quê hương mình và hình ảnh những TNXP anh dũng trong đó. Trong những năm giặc Mỹ bắn phá ác liệt, từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, nơi nào cần là có lực lượng TNXP. Trong đó, lực lượng cắm chốt tại Ngã ba Đồng Lộc - một địa điểm Mỹ chọn làm nơi bắn phá ác liệt nhất đã viết nên những huyền thoại giữa đời thường.

Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ viết chung về lực lượng TNXP trên tuyến lửa Trường Sơn nhưng trong cái chung ấy, người ta rất dễ bắt gặp những cô gái TNXP của Hà Tĩnh. Ngay trong khổ đầu tiên, người ta đã thấy hình ảnh đếm bom, hình ảnh đào đất làm đường, lấy thân mình làm hoa tiêu của hàng trăm nữ chiến sỹ TNXP Hà Tĩnh trên các cung đường 15, 21, 22…

Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom...

Có một Hà Tĩnh trong “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ

Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Văn Sắc - TTXVN

Ta có thể thấy một La Thị Tám, một Võ Thị Tần và những Cúc, Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh… và hàng trăm nữ TNXP khác trong hình ảnh kiên gan ấy. Trong ác liệt của chiến tranh, các chị đã lựa chọn chiến đấu, hy sinh một cách bình thản, không hề có chút lưỡng lự, phân vân.

Lâm Thị Mỹ Dạ viết bài thơ này năm 1972, thời điểm đó, chiến sự trên tuyến lửa Trường Sơn vẫn rất ác liệt và đã có rất nhiều TNXP đã ngã xuống. Khi đi qua những hố bom, chị viết: “Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Đất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau”.

Đó là một hố bom trong trăm nghìn hố bom trên đất nước Việt Nam. Và tôi, khi đọc những câu thơ ấy lại nhớ tới Đồng Lộc - nơi có những hố bom “xanh khoảng trời con gái”, nơi những nỗi đau chiến tranh đã được xoa dịu bằng những nỗ lực vươn lên của cư dân bản xứ.

Đúng như ẩn ý của tác giả, ngày nay, những “hố bom” đầy tội ác ấy ở Hà Tĩnh đã thành những “khoảng trời” bình yên. Sự hy sinh của lực lượng TNXP đã góp phần mang lại bình yên cho đất nước. Sự hy sinh ấy đã hóa thân vào Tổ quốc, hóa thân vào những “vầng mây trắng” để rọi xuống những mất mát, khổ đau, rọi vào những bước đi của thế hệ trẻ.

Có một Hà Tĩnh trong “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ

Hôm nay, trong hành trình đi về phía trước, thế hệ trẻ cũng có những phút dừng chân, “soi lòng mình” trong cuộc sống của những người đã ngã xuống để ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình với Tổ quốc.

Bài thơ kết lại trong hình ảnh “gương mặt em” - một hình ảnh gợi nhiều cảm xúc tương đồng trong tâm tư người Việt. Trong chiến đấu và hy sinh, có những người đã được phong anh hùng, liệt sỹ, có người hy sinh trong thầm lặng nhưng hơn ai hết, những nữ TNXP đã hy sinh vì một lẽ khác, ấy là tình yêu nước, tình yêu thương đồng bào sâu nặng.

Và hơn hết, hậu thế cũng luôn có cách để nhớ về họ không phải bằng tên tuổi, bằng sự tôn vinh nào mà bằng những cảm nhận, tưởng tượng riêng của mình.

Như cách thế hệ trẻ Hà Tĩnh chúng tôi nhớ về những TNXP đã hy sinh anh dũng ở Đồng Lộc, Phú Lộc, ở sân bay Libi, ở tuyến đường 21… - “Gương mặt em, bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng”.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast